Sự kiện - chuyên đề:

An toàn lao động là tiêu chí văn hóa trong doanh nghiệp

VHDN: An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) có vị trí, vai trò rất quan trọng là bảo vệ người lao động – yếu tố quyết định năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất trong các doanh nghiệp. Mất ATLĐ đã, đang và sẽ gây ra những tổn thất lớn cho các doanh nghiệp, bao gồm cả ngành sản xuất và dịch vụ…

Công nhân làm việc trang bị đầy đủ bảo hộ lao động tại Công ty Lương thực Vật tư nông nghiệp Nghệ An – Ảnh: Xuân Thống.

“Đảm bảo an toàn lao động, kiểm soát rủi ro tại nơi làm việc” là nội dung chủ đề được giảng viên Nguyễn Anh Thơ – Phó Cục trưởng Cục An toàn Lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chia sẻ, giao lưu cùng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An tổ chức vừa qua. Sự kiện này được diễn ra với các nội dung xoay quanh những vấn đề được xem là thiết yếu trong việc quản lý an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc, cung cấp các thông tin nghiệp vụ và chia sẻ các kinh nghiệm, cách thức vận dụng linh hoạt Luật ATLĐ vào công tác quản lý, vận hành cũng như giúp người sử dụng lao động, cán bộ Công đoàn và cán bộ chuyên trách công tác an toàn nâng cao kiến thức về ATLĐ, nhân diện các yếu tố nguy hại, những rủi ro thường gặp và biện pháp kiểm soát, hướng tới hoạt động sản xuất không tai nạn lao động.

Giảng viên Nguyễn Anh Thơ chia sẻ: Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác ATVSLĐ, mỗi doanh nghiệp phải đề cao trách nhiệm thực hiện các biện pháp về khoa học kỹ thuật, tổ chức, hành chính để loại trừ các yếu tố nguy hiểm và có hại phát sinh trong sản xuất, tạo nên môi trường lao động an toàn, lành mạnh, ngăn ngừa tai nạn lao động và các thiệt hại khác đối với người lao động. Đồng thời, bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe và tính mạng người lao động là trực tiếp góp phần bảo vệ và phát triển lực lượng sản xuất, tăng năng suất lao động, xây dựng đơn vị, doanh nghiệp vững mạnh toàn diện.
Hiện nay, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 21 Công ước của ILO, với 12 Công ước liên quan trực tiếp đến công tác ATVSLĐ. Các Công ước quy định các nước thành viên phải chủ động các bước để tiến đến môi trường lao động an toàn và lành mạnh thông qua chính sách, hệ thống và chương trình quốc gia về ATVSLĐ phù hợp. Vì vậy, các cam kết quốc tế về ATVSLĐ đã được nội luật hóa trong Luật ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn. Đặc biệt, Luật ATVSLĐ đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016. So với quy định tại Bộ Luật lao động và các văn bản hướng dẫn, Luật ATVSLĐ có một số điểm mới như: Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng được mở rộng đối với tất cả các tổ chức, cá nhân có liên quan đến ATLĐ, mở rộng đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Theo đó, người làm việc không theo hợp đồng lao động được ưu tiên huấn luyện ATLĐ và được hỗ trợ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Trách nhiệm quản lý công tác ATVSLĐ ngoài các cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền tỉnh, huyện, thành phố còn được giao về UBND các xã, thị trấn.

Thực tế cho thấy phần lớn nguyên nhân các vụ tai nạn lao động chủ yếu là do con người. Do đó, việc phòng, chống tai nạn lao động phải bắt đầu từ việc người lao động có ý thức tự bảo vệ mình, chấp hành nội quy, quy trình an toàn lao động. Việc xây dựng văn hóa an toàn lao động đã được khẳng định tại Tuần lễ Quốc gia An toàn vệ sinh lao động và phòng, chống cháy nổ từ năm 2013.

Để đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường và tăng cường khả năng hội nhập, các doanh nghiệp luôn chú trọng đầu tư trang thiết bị, máy móc, công nghệ mới nhằm cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều người lao động, đặc biệt là thành phần lao động chân tay, thường nhật phải đối phó với những rủi ro và nguy hiểm nơi làm việc. Xây dựng ATVSLĐ giúp tránh các tai nạn gây thương tích hay tử vong cho chính mình, đồng nghiệp. Cụ thể, khi tiếp nhận lao động, doanh nghiệp cần phổ biến đầy đủ các nội dung như: nội quy doanh nghiệp, thoả ước lao động tập thể quy định về công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ; xây dựng các quy trình, quy phạm kỹ thuật an toàn phù hợp với từng loại thiết bị, máy móc; thực hiện tốt việc huấn luyện kỹ thuật an toàn cho người lao động; các chế độ, chính sách đối với người lao động theo quy định của pháp luật lao động…

Nhằm an toàn trong lao động trở thành trách nhiệm và ý thức tự giác, thường nhật của mọi người, trở thành văn hoá ứng xử trong lao động ở doanh nghiệp, các nhà lãnh đạo phải xem Văn hóa An toàn lao động cũng là một bộ phận không thể tách rời của Văn hóa Doanh nghiệp, luôn song hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp.

So sánh TNLĐ năm 2016 và 2017 trong khu vực có quan hệ lao động.

Trong nền công nghệ 4.0, khi mọi bước đi cần phải nhanh và liên tục để bắt kịp những xu hướng chung của thế giới. Xây dựng văn hóa trong an toàn lao động trở thành vũ khí tối thượng cho đòn bẩy thành công của các doanh nghiệp trong thời đại ngày nay. Có như vậy các doanh nghiệp mới tạo ra môi trường văn hóa mang bản sắc riêng của doanh nghiệp mình. Đặc biệt tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư, đối tác an tâm liên doanh liên kết với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển một cách bền vững.

Vương Duyên

12:59:04 07-12-2018

VHDN: An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) có vị trí, vai trò rất quan trọng là bảo vệ người lao động – yếu tố quyết định năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất trong các doanh nghiệp. Mất ATLĐ đã, đang và sẽ gây ra những tổn thất lớn cho các doanh nghiệp, […]

Đối tác của chúng tôi