Sự kiện - chuyên đề:

Trảng Bom-Đồng Nai: Nên xem xét lời kêu cứu của dân ?

VHDN: Hằng năm có hơn 50 ha hoa màu sắp tới ngày thu hoạch của đồng bào Nùng ở Hồ Suối Bằm, xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai bị mất trắng do nước ngập. Tại hạ lưu hồ có hệ thống tháo nước nhưng UBND xã không điều chỉnh mà cứ vô tư để mặc cho nước dâng ngập úng hoa màu, gây thiệt hại hàng tỷ đồng mỗi năm của đồng bào ở ngay nơi đầy ắp những di tích lịch sử cách mạng.

Từ năm 1960 có khoảng tám ngàn người là đồng bào Nùng đến khai khẩn sinh sống quanh Hồ Suối Bằm. Đây là hồ nước tự nhiên duy nhất ở khu vực này, diện tích mực nước hồ vào mùa mưa khoảng 30 ha, mùa khô khoảng 4 ha. Toàn bộ diện tích đất xung quanh giáp mép hồ đã được khoảng 70 hộ đồng bào khai phá, trồng lúa, hoa màu để sinh sống. Họ đã sinh sống ổn định ở đây, xây dựng nhà, có hộ khẩu, có đến 3, 4 thế hệ đã lập nghiệp nơi đây. Họ coi Bàu Bằm như quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của họ. Trong suốt thời gian chiến tranh, đồng bào Nùng ở đây đã đi theo cách mạng. Họ sản xuất lấy lương thực nuôi bộ đội cụ Hồ, tham gia bao bọc, che chở cho bộ đội ta xuống hồ lấy nước, bắt cá, hái rau muống ăn để đánh giặc và hiện nay còn rất nhiều lão thành cách mạng đã được đồng bào cứu sống và nuôi giấu từ chiến khu này.

Năm 1984, không hiểu vì đâu mà UBND xã Bàu Hàm triển khai xây dựng đập  nước ngăn lòng hồ lấy cớ là để lấy nước phục vụ cho cánh đồng số 3 của xã. Công việc này không được thông báo công khai, không thăm dò ý kiến hay xem xét đánh giá thực tế nhu cầu của người dân nơi đây. Hơn 50 ha hoa màu, nhà cửa của đồng bào bị ngập nước và mất trắng. Người dân không được bồi thường, nhiều hộ bị mất nhà, mất đất phải đi làm thuê, cuộc sống túng thiếu khó khăn. Nhưng cuối cùng hậu quả là công trình thuỷ lợi đã bị thất bại hoàn toàn, không phục vụ được một giọt nước nào cho cánh đồng số 3 như ý tưởng của UBND xã. Mùa khô thì hồ vẫn cạn kiệt, mùa mưa thì nước dâng cao ngập úng hoa màu của dân.

Ông Ngàn Phạt Sồi (ngụ ấp Tân Hợi, xã Bàu Hàm) cho chúng tôi biết: “Từ khi xây đập nước đến nay, do xây dựng bất hợp lý đã gây nhiều thiệt hại cho chúng tôi. Hằng năm mùa mưa thì nước không thoát mà tràn lên trên phần đất chúng tôi trồng ngô, cà phê, cây ăn trái,… bên trên, làm cà phê vàng, rụng lá, hoa màu chết. Chúng tôi không biết họ xây đập điều tiết nước để làm gì”?

Cùng phát biểu ý kiến, các ông Lỉ Phật Quắn, Phù Và Dưỡng, Ngàn A Nhì … bức xúc: “Lòng hồ Bằm trước đây chỉ có vài hecta. Nhưng từ khi xây đập, nước tràn lên, mở rộng qua hàng năm, cho đến nay đã hơn 100 hecta, ngập lụt đến phần đất cà phê của những người dân đã được cấp sổ đỏ. Điều khó hiểu là nước ngập đến đâu thì cán bộ xã Bàu Hàm cắm mốc lấn chiếm và nuôi cá đến đó. Người dân chúng tôi thấp cổ bé họng phản đối, yêu cầu cấp giấy chứng nhận theo phần đất chúng tôi đã canh tác bao nhiêu năm qua nhưng xã Bàu Hàm làm ngơ, để cho cán bộ nuôi cá sinh lợi trên phần đất là nguồn sống của chúng tôi hàng mấy đời nay.”

Được biết, người nông dân ở đây đã canh tác và sống trên khu vực này hàng mấy thế hệ. Hàng năm họ đều đóng thuế cho nhà nước đầy đủ. Năm 1995, Luật Đất đai ban hành, UBND xã Bàu Hàm tiến hành đo đạc phân chia và chỉ cấp sổ đỏ phần đất không bị ngập nước cho các hộ dân, còn phần bị ngập xã quản lý. Ranh giới không rõ ràng, mâu thuẫn tranh chấp xảy ra liên miên, cứ mùa mưa nước lên tới đâu là Hợp tác xã nhận tới đó. Mùa khô nước rút là đồng bào lại trồng trọt hoa màu xuống tới đó. Cũng chính vì lẽ đó mà đồng bào nơi đây năm nào cũng phải đánh bạc với thiên nhiên, năm nào mưa trễ thì có ăn, năm nào mưa sớm nước lên thì mất trắng.

Theo như phản ánh của đồng bào ở đây thì nhiều nhà được cấp sổ đỏ, nhiều nhà không được cấp và cấp sổ cũng không đúng, đủ  như diện tích của họ đã có trên thực tế. Từ khi công trình thuỷ lợi thất bại, đa số đồng bào ở đây có nguyện vọng được cấp sổ đỏ và nhận lại đúng phần đất mà họ đã gắn bó gần nửa thế kỷ qua nhưng không được chính quyền giải quyết, thậm chí huyện, xã còn bắt và thu giữ đơn của đồng bào mỗi khi họ muốn làm đơn xin chính quyền giải quyết.

Theo chúng tôi khảo sát thực tế thì vào mùa mưa, diện tích hồ có khoảng 88 ha, nhân đó xã đã thành lập Hợp tác xã. Danh nghĩa thì là HTX nhưng thực chất chỉ có một nhóm người đứng ra gọi là thầu nuôi cá, mỗi năm thu được khoảng vài trăm tấn cá. Một khoản thu nhập khổng lồ như vậy không biết ngân sách nhà nước thu được bao nhiêu ? Tiền bán cá hàng năm được dùng vào việc gì, có chảy vào túi riêng của ai không ? Có lẽ chỉ có chính quyền UBND xã mới biết được ?

Thiết nghĩ, các cấp chính quyền, các ngành chức năng của huyện Trảng Bom và tỉnh Đồng Nai nên vào cuộc điều tra, xác minh, xem xét lại việc xã ngăn đập hồ Bàu Bằm đã mang lại lợi ích gì cho đời sống nhân dân nơi đây hay chỉ làm tổn hại đến mùa màng, đến việc sản xuất nông nghiệp, trồng cây ăn trái của nhân dân? Nếu không mang lại hiệu quả kinh tế cho đời sống dân sinh thì nên tháo dỡ đập, trả lại hiện trạng cũ, tránh tình trạng hàng năm khi mùa mưa đến nước tràn lên, gây úng lụt làm vườn trồng cây ngập nước, cafe, chuối, bưởi, ngô…chết hàng loạt. Cũng không vì lợi ích của một vài cá nhân, một nhóm người được lợi từ việc nuôi cá, bán cá, mà quên đi việc lớn là phục vụ tốt đời sống nhân dân.

Nguyễn Thành Minh

21:18:01 09-09-2018

VHDN: Hằng năm có hơn 50 ha hoa màu sắp tới ngày thu hoạch của đồng bào Nùng ở Hồ Suối Bằm, xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai bị mất trắng do nước ngập. Tại hạ lưu hồ có hệ thống tháo nước nhưng UBND xã không điều chỉnh mà cứ vô […]

Đối tác của chúng tôi