Sự kiện - chuyên đề:

Văn hóa doanh nghiệp & vai trò quyết định tới thành bại

VHDN: Ở mỗi doanh nghiệp, văn hóa chính là yếu tố đóng vai trò quyết định đối với sự thành bại của doanh nghiệp đó. Vì vậy, đối với những nhà lãnh đạo, họ không thể bỏ qua vấn đề này trong quá trình vận hành doanh nghiệp của mình.

Văn hóa doanh nghiệp có rất nhiều khái niệm khác nhau, tùy vào mỗi cách vận hành mà mỗi doanh nghiệp hiểu về văn hóa theo những cách riêng. Tuy nhiên thì ở tất cả doanh nghiệp, văn hóa của họ đều bao gồm những đặc trưng đó là: tính phổ biến, tính lan tỏa, tính bền vững và tính ngầm định. Sức ảnh hưởng của văn hóa được lan tỏa ra toàn doanh nghiệp, nó được duy trì rất lâu dài và mang tính định hướng theo dài hạn, được ngấm vào từng cá nhân. Nói vậy mới thấy, văn hóa doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng thế nào, cụ thể:

1. Trong tuyển dụng: Một công ty có văn hóa mạnh mẽ có thể tạo nên một sức hút lớn với những nhân sự mới đầy tiềm năng. Vì ai chẳng muốn bản thân được làm việc trong một môi trường tốt, có cơ hội phát triển và coi đó là bến đỗ mơ ước. Văn hóa sẽ thấm nhuần vào từng thành viên của và tạo sức lan tỏa lớn không chỉ trong mà còn ra tới ngoài công ty, thúc đẩy thương hiệu tuyển dụng của công ty. Ngoài ra, văn hóa công ty còn tạo nên một tiêu chuẩn trong quá trình tuyển, dùng, giữ và sa thải nhân viên như thế nào cho đúng.

2. Văn hóa doanh nghiệp sẽ tạo ra những nhân viên trung thành và tận tụy nhất: Có thương hiệu tuyển dụng tốt là một phần, nhưng nếu nhân sự mới được làm việc và trải nghiệm thực tế văn hóa của công ty, họ nhận được sự tích cực thì đó chính là yếu tố giữ chân họ lại, thúc đẩy lòng trung thành và tận tâm của họ với công ty. Như vậy, sẽ tránh tình trạng bị mất đi những nhân viên ưu tú, họ còn sẵn sàng bỏ qua những cơ hội lương thưởng cao hơn để gắn bó với nơi mà họ đã dành tình yêu công việc của mình.

3. Văn hóa doanh nghiệp là yếu tố số 1 tạo ra động lực và tinh thần cho nhân viên: Được làm việc ở một công ty có thể khiến cho nhân viên cảm thấy như là nhà của mình thì ai mà chẳng muốn. Công việc khi đó không còn là làm vì ép buộc, làm cho xong mà người ta sẽ có động lực và muốn làm việc nhiều hơn. Khi mà toàn thể công ty đã được thấm nhuần được văn hóa, sự bất mãn sẽ không xuất hiện, không có xung đột nào cả mà thay vào đó động lực và tinh thần của nhân viên sẽ được đẩy lên rất cao.

4. Cả công ty sẽ là một thể thống nhất: Những chuẩn mực, giá trị lõi của văn hóa công ty được thống nhất thì con người ở đó sẽ làm “vì” nhau chứ không còn phải làm “với” nhau nữa. Những quyết định cũng sẽ được đưa ra dễ dàng hơn vì khi đó tất cả đã có cùng chí hướng, mục tiêu của nhân viên được gắn với mục tiêu doanh nghiệp. Sức mạnh của toàn công ty sẽ tăng lên vì toàn bộ các thành viên đều như một thể thống nhất, sẵn sàng chiến đấu vì nhau.

5. Tăng sức mạnh và lợi thế cạnh tranh: Như đã nói phía trên, khi mà tất cả các thành viên trong công ty có được sự thống nhất, họ sẽ làm việc vì nhau, tận tụy hết mình vì họ thấy bản thân mình đang làm những điều rất ý nghĩa. Làm việc lúc này đối với họ là được cống hiến vì mục đích chung và họ luôn tự hào vì điều đó. Nhân viên cảm thấy hạnh phúc, khách hàng cũng cảm thấy hạnh phúc, hiệu quả hoạt động sẽ gia tăng liên tục, tạo được lợi thế cạnh tranh lớn với các đối thủ.

Nhìn vào đó, có thể thấy vai trò của văn hóa doanh nghiệp là quan trọng như thế nào. Để minh chứng, chúng ta có thể nhìn vào những doanh nghiệp đã xây dựng được văn hóa thành công và đang phát triển mạnh mẽ không ngừng. Ví dụ như Google, dù đã tồn tại rất lâu, trải qua nhiều lần thay đổi về quy mô, sản phẩm hay cả logo nhưng họ luôn tập trung vào làm sao để khiến cho nhân viên của mình cảm thấy hạnh phúc, từ những bữa ăn, hay các dịch vụ khám chữa bệnh, trợ cấp,… đã đẩy hiệu suất làm việc của nhân viên lên rất cao. Hay như Facebook vốn nổi tiếng với những phúc lợi rất tuyệt vời của họ cho nhân viên, họ luôn giúp cho những nhân viên thấy được giá trị bản thân trong công ty, rằng mình là một phần quan trọng và chiếm được lòng tin. Chính vì thế nên mỗi cá nhân ở đó đều tuyệt đối tôn trọng sứ mệnh của công ty, luôn cố gắng làm việc hết sức mình, họ còn được làm việc dựa trên đúng thế mạnh, được quyền đặt câu hỏi hay phản biện lại chính người quản lý của mình.

Để xây dựng được một doanh nghiệp, điều mà các nhà lãnh đạo cần nghĩ tới đó chính là xây dựng văn hóa cho doanh nghiệp vì nó không khác gì là linh hồn cho doanh nghiệp. Hay nói cho dễ hiểu hơn thì ta có thể ví một doanh nghiệp như một chiếc máy tính, còn văn hóa chính là hệ điều hành vậy.

Trần Cường

 

09:11:42 16-09-2022

VHDN: Ở mỗi doanh nghiệp, văn hóa chính là yếu tố đóng vai trò quyết định đối với sự thành bại của doanh nghiệp đó. Vì vậy, đối với những nhà lãnh đạo, họ không thể bỏ qua vấn đề này trong quá trình vận hành doanh nghiệp của mình. Văn hóa doanh nghiệp có […]

Đối tác của chúng tôi