Sự kiện - chuyên đề:

Xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân thời kỳ hội nhập quốc tế

VHDN: Xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân thời kỳ hội nhập quốc tế là vấn đề rất quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế. Việt Nam có lợi thế về dân số đông, đang trong thời kỳ “dân số vàng” nên lực lượng lao động khá dồi dào. Đây là nguồn lực vô cùng quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, thực tế chất lượng nguồn nhân lực, sự phát triển văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân và thương hiệu vẫn còn nhiều bất cập, cần được xây dựng, phát triển.

Trong chiến lược phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm, chăm lo đến xây dựng, phát triển doanh nghiệp, doanh nhân và thương hiệu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Ngày nay, văn hóa không chỉ là sự kết hợp, giao thoa của nhiều nền văn hóa khác nhau mà còn chịu tác động sâu sắc bởi sự phát triển của kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; đặc biệt là xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân  thời kỳ hội nhập. Chính sự phát triển mạnh mẽ của nền văn hóa nêu trên và được hợp thành bởi đa dạng các giá trị của kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại tạo nên đã tác động và đòi hỏi chúng ta đưa ra phương thức mới phù hợp với xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân của thời kỳ mới. Và đương nhiên nó phải kế thừa những giá trị văn hóa tinh hoa đậm đà bản sắc dân tộc một cách tinh tế, hợp lý.

Trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, Đảng ta yêu cầu cần có chính sách khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại và thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư phát triển xản xuất kinh doanh nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ tại địa bàn nông thôn. Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng doanh nghiệp, doanh nhân, coi trọng giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành. Xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp, doanh nhân và thương hiệu. Đây đ­ược coi là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển đất nước, là điều kiện để phát huy chất lượng doanh nghiệp, doanh nhân – yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

Đảng chỉ rõ: “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa lành mạnh trong hệ thống chính trị, trong mỗi địa phương, trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh  nghiệp, khu công nghiệp,…”[1].

Trong hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội không chỉ mở rộng quy mô nền kinh tế, mà quan trọng hơn là phải nâng cao chất lượng và hiệu quả, nâng cao vị thế và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế nước ta hiện nay. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi nước ta đã là thành thành viên đầy đủ của WTO và các tổ chức kinh tế khu vực ASEAN. Yếu tố trung tâm quyết định chất l­ượng và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế đất n­ước chính là khoa học, công nghệ và quản lý. Muốn nắm vững, làm chủ, phát triển khoa học và công nghệ, nâng cao trình độ quản lý phải dựa vào tài năng, phải có nhiều nhân tài trong mọi lĩnh vực. Cơ sở để có nhiều nhân tài là phải có quan điểm phát triển doanh nghiệp, doanh nghân và thương hiệu đúng hư­ớng. Đẩy mạnh đào tạo nghề theo nhu cầu phát triển của xã hội; có cơ chế và chính sách thiết lập mối liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, doanh nhân với cơ sở đào tạo. Xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án đào tạo nhân lực cho các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, chú trọng đào tạo nghề cho nông dân, đặc biệt đối với những người bị thu hồi đất; nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo.

Để thực hiện chiến lược này, Đảng ta đưa ra nhiều giải pháp: “xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành một mục tiêu của chiến lược phát triển”[2]; đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ và hội nhập quốc tế, trong đó, Đảng ta chủ trương gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân, phát triển, xây dựng con người mới và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đã trở thành tư tưởng chỉ đạo cho nhiều chương trình, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực trong thời kỳ hội nhập: gắn phát triển nguồn nhân lực với việc đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế – xã hội; gắn việc phát triển nguồn nhân lực với phát triển doanh nghiệp, doanh nhân và thương hiệu, khai thác có hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại; nâng cao chất lượng sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ; có chiến lược phát triển con người trên cơ sở một hệ thống chính sách đồng bộ hướng tới con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Điều đó sẽ tạo được yếu tố nội sinh trong xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân và thương hiệu Việt Nam.

Đề cập vấn đề phát triển văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân, Đảng ta chỉ rõ: “Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc. Khẳng định tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn. Đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác,,…chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người”[3]. Như vậy, việc xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân là một yêu cầu cấp thiết trong xây dựng và phát triển đất nước. Chúng ta cần nhanh chóng đầu tư phát triển nguồn nhân lực, tiến tới “nền kinh tế tri thức”; cập nhật, trọng dụng và phát huy tài năng, giá trị của nguồn nhân lực chất lượng cao để theo kịp tốc độ chung của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Để tiếp tục xây dựng, phát triển doanh nghiệp, doanh nhân và thương hiệu Việt Nam, tận dụng được thời kỳ “dân số vàng” trong quá trình hội nhập quốc tế, doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam cần nâng cao năng lực tư duy khoa học, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, áp dụng công nghệ mới, không ngừng phát triển kỹ năng nghề nghiệp./.

 

Đại tá, PGS. TS. KHQS Trần Nam Chuân

Nguyên cán bộ Viện Chiến lược Quốc phòng/BQP

15:29:06 10-09-2018

VHDN: Xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân thời kỳ hội nhập quốc tế là vấn đề rất quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế. Việt Nam có lợi thế về […]

Đối tác của chúng tôi