Sự kiện - chuyên đề:

Bắc Ninh tái cơ cấu nền kinh tế một cách thực chất và hiệu quả

VHDN: Tỉnh Bắc Ninh hiện nay là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, nhóm kinh tế – xã hội của tỉnh thuộc nhóm dẫn đầu cả nước. Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ hoá, hiện đại, diện mạo đô thị, nông thôn phát triển; môi trường được quan tâm bảo vệ, hệ thống chính trị được củng cố, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt.

Bắc Ninh thuộc nhóm kinh tế – xã hội dẫn đầu cả nước. Nguồn: ITN

Trong thời gian vừa qua, toàn tỉnh vẫn luôn quyết tâm đẩy mạnh thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế đồng thời vừa đề cao công tác phòng chống Covid – 19. Trong tháng 10/2020, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 12,9% so với cùng kỳ 2019. Một số ngành chủ lực của tỉnh có tỷ trọng lớn và tăng cao như sản xuất chế biến thực phầm tăng 21,9; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 24,4% và ngành sản xuất hóa chất, sản phẩm hóa chất tăng 21,5%. Lũy kế 10 tháng, một số sản phẩm công nghiệp có mức tăng khá như linh kiện điện tử 23,5% so với cùng kỳ; đồng hồ thông minh tăng 56,8%; pin các loại tăng 19,8%; ruột phích tăng 9,1%…

Do tác động của dịch Covid-19 những tháng đầu năm cũng đã làm ảnh hưởng đến hoạt động lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Đến nay, “trạng thái bình thường mới”, sức mua đã có dấu hiệu khởi sắc trong hai tháng gần đây. Hoạt động thương mại dịch vụ từ tháng 10 đã dần ổn định, cụ thể tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 3,6%; doanh thu hoạt động lưu trú, ăn uống tăng 2,7% so với tháng trước. Lũy kế 10 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 6,9%, tổng kim ngạch nhập khẩu ước tăng 12,5%.

Hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư cũng được tỉnh Bắc Ninh quan tâm, chú trọng phát triển. Từ đầu năm 2020 đến nay, cấp mới đăng ký đầu tư 51 dự án với tổng vốn gần 6.000 tỷ đồng; cấp đăng ký đầu tư gần 1.500 dự án; cấp Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư 31 dự án với tổng mức đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh là 852,64 triệu USD, cấp đăng ký đầu tư 1.600 dự án còn hiệu lực; đến hết ngày 18/10/2020, trên địa bàn tỉnh có 18.497 doanh nghiệp.

Đối với sản xuất nông nghiệp, năng suất lúa tháng 10 đạt 62,4 tạ/ha, được đánh giá là cao nhất so với năng suất vụ mùa hàng năm, đạt 106,7% kế hoạch, bằng 104,3% cùng kỳ 2019. Lũy kế 10 tháng, diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 5.000 ha; tổng sản lượng hơn 31.000 tấn.

Trong lĩnh vực tài chính, đến nay dịch Covid- 19 đã được kiểm soát tốt, thu ngân sách tháng 10 có xu hướng tăng nhẹ, tổng thu ngân sách nhà nước trên 3.000 tỷ đồng, tăng 5% so với tháng trước và tăng 5,52% so với cùng kỳ. Tháng 10, nguồn vốn huy động trên địa bàn duy trì đà tăng trưởng. Tổng nguồn vốn huy động ước 165.400 tỷ đồng, tăng 2% so với tháng trước, tăng 37,25% so với cùng kỳ và tăng 32,7% so với thời điểm cuối năm 2019. Hoạt động tín dụng trên địa bàn có dấu hiệu tăng trưởng tích cực hơn. Ngoài ra, tỉnh Bắc Ninh cũng Quyết liệt thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của lãnh đạo tỉnh về thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư. Lũy kế 10 tháng, tổng vốn đầu tư phát triển đạt trên 5.000 tỷ đồng, tăng 37,3% so cùng kỳ.

Trong 2 tháng cuối năm 2020, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục tập trung thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 02/01/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2020. Tiếp tục thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, thực hiện quyết liệt “nhiệm vụ kép” vừa phòng chống dịch Covid – 19 vừa phát triển, không để đứt gãy nền kinh tế.

“Trong giai đoạn cuối năm, với tình hình dịch Covid vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và diễn biến khó lường, UBND tỉnh đã yêu cầu các đơn vị triển khai một số giải pháp trong đó, nhiệm vụ hàng đầu là phải bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội và đầu tư hạ tầng trong năm 2020. Theo đó, phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ sinh học, thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Đẩy nhanh quy mô tái đàn; kiểm soát dịch tả lợn Châu Phi; triển khai sản xuất vụ đông đúng thời vụ. Chủ động làm tốt công tác dự báo, chống giảm nhẹ thiên tai; thực hiện nghiêm túc công tác trực ban phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020 theo quy định. Hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Yên Phong đạt chuẩn huyện nông thôn mới và tích cực triển khai xây dựng các mô hình xã nông thôn mới kiểu mẫu”, bà Nguyễn Hương Giang – Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh chia sẻ.

Bắc Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp hoá theo hướng hiện đại với các chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng.

Đồng thời, toàn tỉnh Bắc Ninh cũng sẽ tiếp tục tích cực nâng cấp, phát triển đô thị, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, nâng cao tỷ lệ đô thị hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển và các tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương gắn với mối quan hệ với vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, cả nước. Hoàn thiện các thủ tục theo quy định thành lập các khu công nghiệp Gia Bình, Quế Võ III – giai đoạn 2, Yên Phong II – A và Thuận Thành I. Hoàn thiện Đề án thành lập Trung tâm nghiên cứu phát triển ứng dụng và chuyển giao công nghệ phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh. Thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp trong nước, công nghiệp làng nghề…Tập trung phát triển thương mại, dịch vụ văn minh, hiện đại, phục hồi ngành du lịch sau dịch. Phát động các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước, phát triển thị trường nông thôn.

Đặc biệt, Chú trọng đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 07/CT-UBND của UBND tỉnh, nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công. Tận dụng cơ hội, lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do đem lại; thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Quản lý thị trường, giá cả, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, ngăn chặn đầu cơ, găm hàng. Giữ vững kỷ luật tài chính, ngân sách nhà nước, đầu tư công; quản lý ngân sách chặt chẽ trong điều kiện dự báo thu ngân sách sẽ giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Giảm dự toán chi thường xuyên; quản lý chặt chẽ việc chi tiêu công đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm; quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản công. Nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, ngân hàng, kiểm soát và xử lý tốt nợ xấu. Tăng cường quản lý đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh thi công, đảm bảo an toàn cho người lao động, quyết tâm giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Mai Hương

09:17:31 27-11-2020

VHDN: Tỉnh Bắc Ninh hiện nay là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, nhóm kinh tế – xã hội của tỉnh thuộc nhóm dẫn đầu cả nước. Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ hoá, hiện đại, diện mạo đô thị, nông thôn phát triển; môi trường được quan tâm bảo vệ, […]

Đối tác của chúng tôi