Phó Thủ tướng đánh giá qua các kỳ VCSF, cộng đồng doanh nghiệp đã có sự chuyển đổi từ nhận thức đến những chủ đề mang tính hành động, thể hiện tinh thần, trách nhiệm, đóng góp vào việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách và đồng hành cùng đất nước trên con đường chuyển đổi xanh.
“Điều đó cho chúng ta niềm tin vào sự thành công của công cuộc chuyển đổi xanh mà Đảng, Nhà nước đang thúc đẩy; cũng cho thấy trách nhiệm xã hội và sự nhạy bén của cộng đồng doanh nghiệp trước các xu thế phát triển của thời đại”, Phó Thủ tướng nói.
Thách thức đã đến trước từng ngôi nhà
Theo Phó Thủ tướng, thế giới đang đứng trước thời điểm lịch sử, chuyển từ nhận thức sang hành động tái cấu trúc mô hình phát triển phù hợp trong tương lai trước những thách thức đã đến trước từng ngôi nhà.
Nhân loại đang đối mặt với khủng hoảng kép do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm tài nguyên nhiên nhiên. Nếu tiếp tục phát triển với mô hình sản xuất và tiêu dùng tiêu tốn nhiều tài nguyên thiên nhiên như hiện nay, thì đến năm 2050 sẽ phải cần tới 3 trái đất mới đáp ứng được nhu cầu sinh sống của nhân loại.
Báo cáo về “Triển vọng đất đai toàn cầu 2” của Công ước Liên Hợp Quốc về chống sa mạc hóa (UNCCD) cho thấy 40% diện tích đất toàn cầu đang bị suy thoái đã khiến khoảng một nửa GDP toàn cầu gặp rủi ro. Các vấn đề về an ninh tài nguyên, an ninh năng lượng, an ninh môi trường… đang trở thành vấn đề lớn đối với triển vọng phát triển kinh tế của toàn cầu.
“Đây là thời điểm lịch sử chúng ta phải lựa chọn mô hình phát triển dựa vào tài nguyên thiên nhiên hay dựa vào tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ít phát thải. Đây không chỉ là chủ trương, quan điểm, tư duy cần hướng đến mà chính là mô hình Chính phủ, doanh nghiệp, người dân hành động”, Phó Thủ tướng nói và trông đợi những đề xuất, sáng kiến của cộng đồng doanh nghiệp với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong hoàn thiện thể chế để chuyển hóa các thách thức, tận dụng các cơ hội để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trên con đường xanh.
Phó Thủ tướng cho rằng, phục hồi xanh, trung hòa carbon, chuyển đổi năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo cùng với bảo vệ, khôi phục hệ sinh thái tự nhiên đã trở thành xu thế tất yếu của thời đại và từng bước đi vào chính sách và hành động cụ thể của các quốc gia.
Ước tính 90% GDP toàn cầu nằm trong diện phải thực hiện các cam kết đưa mức phát thải ròng khí nhà kính bằng “0” vào năm 2050 (Net Zero). Điều này sẽ được pháp lý hóa để đảm bảo nghĩa vụ thực thi. Các tiêu chuẩn mới cũng dần định hình theo hướng gắn thương mại và đầu tư với các tiêu chí về giảm phát thải carbon, lao động, môi trường. Đây cũng chính là những rào cản mà các doanh nghiệp phải vượt qua.
Sức hút từ chuyển đổi xanh, chuyển đổi số
Tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng cho biết năng lực cạnh tranh, khả năng thu hút các doanh nghiệp của mỗi quốc gia hiện nay không còn nằm ở lao động giá rẻ, chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ đất đai “mà sẽ đến bằng sự hấp dẫn của nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch”. Đây là cơ hội cho những quốc gia nhanh chóng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, nhưng cũng là thách thức, rào cản không thể vượt qua đối với những ai chậm chân.
Đảng, Nhà nước, với tầm nhìn chiến lược, nhãn quan nhạy bén, đã xác định chủ trương và lộ trình hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để phát triển kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp, kinh tế tuần hoàn hướng tới Net Zero.
“Cam kết thực hiện Net Zero vào năm 2050 là thách thức rất lớn đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nhưng đây là thời điểm, cơ hội để chúng ta cùng hành động để thực hiện các mục tiêu toàn cầu; đồng thời là cơ hội để cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa vào tri thức, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ; đưa đất nước phát triển theo “con đường xanh” có thu nhập cao vào năm 2045″, Phó Thủ tướng khẳng định.
Trao đổi với các đại biểu, Phó Thủ tướng cho biết chuyển đổi xanh mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp đầu tư ở Việt Nam những cơ hội và thách thức đan xen.
Không chỉ là cơ hội tăng trưởng dài hạn cho doanh nghiệp gắn với lợi ích bền vững của cộng đồng, về văn hóa, xã hội và môi trường, mà chuyển đổi xanh còn mang đến cho các doanh nghiệp cơ hội dẫn đầu xu thế như phát triển năng lượng tái tạo, sản xuất hydro xanh, lưu trữ năng lượng và các ngành nghề mới.
Chính phủ luôn lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, tập trung đưa ra những chính sách, mô hình thí điểm thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) nhằm tạo ra “hệ sinh thái” của ngành công nghiệp năng lượng tái tạo.
Phó Thủ tướng kêu gọi các quốc gia, các tổ chức quốc tế cùng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam triển khai những dự án chuyển đổi xanh quan trọng. Bởi nếu chậm chuyển đổi, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với hàng rào kỹ thuật xanh, giảm phát thải tạo ra những thách thức lớn trong thâm nhập thị trường, đặc biệt là trong điều kiện 97% doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa.
Xanh hơn, hiệu quả và thông minh hơn
Theo Phó Thủ tướng, quá trình chuyển đổi xanh là cuộc cách mạng, mà muốn thành công thì cần tư duy và hành động đột phá, nhất là mạnh dạn ứng dụng các công nghệ mới xanh hơn, hiệu quả và thông minh hơn.
Trong vai trò kiến tạo, Chính phủ cần bổ sung nhiều công cụ hỗ trợ doanh nghiệp xác định nhu cầu đổi mới sáng tạo, đặc biệt nghiên cứu và triển khai (R&D), hình thành cơ chế tài chính xanh, thúc đẩy các mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (start-up)… “Các bộ, ngành, địa phương, đoàn thể cần có những hành động mạnh mẽ hơn thông qua những cơ chế đối thoại như VCSF”, Phó Thủ tướng nói.
Nhấn mạnh yêu cầu thúc đẩy chuyển đổi xanh trong mọi mặt của đời sống xã hội, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nhất là triển khai Luật Bảo vệ môi trường, tạo khung khổ pháp lý cho năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn; tập trung nguồn lực thực hiện những nhiệm vụ có tính đột phá, trọng tâm trong từng giai đoạn.
Tập trung nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm các nước trong khuôn khổ các hiệp định, cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia nhằm tạo lập môi trường thuận lợi, khuyến khích cho chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ môi trường, thị trường trao đổi hạn ngạch phát thải, tín chỉ carbon; phát triển thêm nhiều ngành nghề mới…
Ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, phát triển các trung tâm R&D; hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; nghiên cứu khoa học cơ bản; công nghệ thông tin, Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, công nghệ nguồn, lượng tử, sinh học; vật liệu mới, lưu trữ, chuyển hóa năng lượng; chế tạo, tự động hóa, công nghệ biển, hạ tầng thông minh, các loại hình kinh tế mới; cũng như chuyển giao công nghệ mới, công nghệ nguồn.
Xây dựng các quy định về mua sắm xanh; thực hiện lộ trình thay thế các nhiên liệu hóa thạch bằng các nhiên liệu, nguyên liệu thân thiện với môi trường; phát triển hệ thống giao thông xanh; ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn về sản phẩm xanh, truy xuất dấu vết carbon; thúc đẩy tiêu dùng xanh.
Quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội gắn với hệ sinh thái năng lượng sạch – công nghiệp xanh và hệ thống các cảng biển, logistics,…; phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao sản xuất theo chu trình tuần hoàn; sửa đổi, hoàn thiện các luật liên quan đến đất đai, môi trường, đầu tư, khoa học công nghệ, doanh nghiệp…
Thúc đẩy đào tạo, phát triển nguồn nhân lực với tư duy đổi mới, lấy con người là chủ thể, là trung tâm, là động lực, nguồn lực phát triển.
Tăng cường đầu tư hạ tầng đa mục tiêu kỹ thuật, công nghệ thông tin, môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, với sự tham gia mạnh mẽ của khu vực tư nhân.
Tiên phong, hội nhập trên từng chặng đường phát triển bền vững
Trên cuộc đua hướng tới tương lai xanh rộng mở, nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần nhìn nhận phát triển bền vững không phải là gánh nặng hay chi phí mà đây là cơ hội theo mệnh lệnh của thị trường, với sự đồng hành của Chính phủ và đổi mới của các tổ chức tài chính.
Các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược kinh doanh, tận dụng cơ hội đi đầu trong các ngành sản xuất xanh, nhất là trong triển khai những dự án, chính sách thí điểm. Bên cạnh đó, để đạt được lợi thế cạnh tranh, doanh nghiệp cần chú trọng hoạt động R&D, nhân lực, quản trị thông minh trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, việc phát triển sản xuất, duy trì việc làm, cải thiện điều kiện lao động, thu nhập, tăng cường phúc lợi và bảo đảm an sinh cho người lao động của mỗi doanh nghiệp cũng là những biện pháp rất có ý nghĩa đối với phát triển bền vững, bao trùm.
“Chính phủ mong muốn sau Diễn đàn sẽ nhận được những đề xuất, ý tưởng, sáng kiến góp phần kiến tạo thể chế nhằm thực hiện chuyển đổi xanh trong năng lượng, nông nghiệp, giao thông, xây dựng”, Phó Thủ tướng nói.
Cùng với Bộ Chỉ số doanh nghiệp bền vững, Phó Thủ tướng “đặt hàng” Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, Hội đồng Doanh nghiệp phát triển bền vững cùng với các đối tác quốc tế xây dựng, hoàn thiện bộ chỉ số dành cho doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp… trên từng chặng đường phát triển bền vững.
Phó Thủ tướng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam luôn tiên phong, hội nhập trên hành trình xanh toàn cầu; tiếp tục đóng vai trò hạt nhân thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Nguồn: Tạp chí Thương hiệu & Công luận
Tới dự Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) 2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định cam kết mạnh mẽ của Chính phủ tiếp tục thiết lập môi trường pháp lý thuận lợi để doanh nghiệp thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Phó Thủ tướng Trần […]