Sự kiện - chuyên đề:

Cải cách chính sách BHXH: Yêu cầu cấp thiết

VHDN: Vừa qua, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương đã tổ chức Tọa đàm khoa học “Cải cách chính sách BHXH và cải cách chính sách tiền lương”. Đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến người lao động, đồng thời là yêu cầu cấp thiết trong việc thực hiện mục tiêu an sinh xã hội của đất nước.

Cần thiết phải cải cách

Chính sách BHXH được thực hiện từ năm 1962, qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung đã đạt những kết quả tích cực. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện, chính sách này đã bộc lộ không ít hạn chế như: Tỉ lệ bao phủ chưa cao, khó khăn trong cân đối quỹ, thiếu sự chia sẻ hỗ trợ lẫn nhau…

Theo đánh giá, hệ thống chính sách BHXH ở nước ta khá đồng bộ, bao quát hầu hết các chế độ theo thông lệ quốc tế, nhất là được thiết kế, điều chỉnh ngày càng phù hợp với nền kinh tế thị trường. Quỹ BHXH trở thành quỹ an sinh lớn nhất, hoạt động theo nguyên tắc đóng – hưởng và chia sẻ giữa các thế hệ tham gia BHXH. Diện bao phủ BHXH ngày càng được mở rộng; số người hưởng chế độ không ngừng tăng lên…

Tuy nhiên, chính sách hiện hành chưa đạt được mục tiêu bao phủ toàn dân, còn thiết kế đơn tầng, sự kết nối giữa chính sách BHXH với các chính sách xã hội khác chưa đồng bộ, chặt chẽ. Chính sách BHXH cho khu vực phi chính thức mới giới hạn ở 2 chế độ (hưu trí, tử tuất). Các nguyên tắc công bằng, đóng – hưởng, chia sẻ chưa được quán triệt đầy đủ; thiết kế chính sách hưu trí nhiều điểm chưa phù hợp. Đặc biệt, chính sách lương hưu chưa tách bạch với việc thiết kế và thực thi chính sách tiền lương của người đương chức trong khu vực hành chính, mức lương hưu đang có sự phân hoá khá mạnh…

Chính vì vậy, để đảm bảo các mục tiêu an sinh xã hội, cần có những cải cách trong thiết kế hệ thống và tổ chức thực hiện chính sách BHXH, đảm bảo mọi NLĐ đều được tiếp cận và thụ hưởng quyền an sinh xã hội; tuân thủ nguyên tắc công bằng, bền vững tài chính và chia sẻ rủi ro của hệ thống BHXH. Vì vậy, theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Đề án cải cách chính sách BHXH được thiết kế theo hướng chính sách đa tầng, hướng tới phổ cập toàn dân, tuân thủ nguyên tắc đóng – hưởng và chia sẻ rủi ro.

Cụ thể, tầng thứ nhất là tiền trợ cấp của Chính phủ cho người cao tuổi (đang thực hiện) do BHXH chi trả, đồng thời bổ sung hình thức cho người thụ hưởng đóng thêm theo nguyên tắc đóng – hưởng để hỗ trợ cho quỹ và nâng cao chất lượng chi trả. Tầng thứ hai là bao phủ đối tượng có thu nhập thì có đóng BHXH, trong đó Nhà nước hỗ trợ một phần tham gia BHXH cho người nông dân, người nghèo, người thu nhập thấp để hình thành văn hoá đóng – hưởng (Việt Nam đã thành công với cách thức này khi hỗ trợ người khó khăn đóng BHYT). Tầng thứ ba là thiết kế chính sách hưu trí tự nguyện lưu thông với khối thị trường.

Để thực hiện mục tiêu này, Đề án quy định NLĐ tham gia BHXH trên 10 năm thì mới bắt đầu được hưởng trợ cấp hưu trí. Nếu NLĐ rời khỏi hệ thống trước, thì chỉ được hưởng số tài khoản hiện hữu. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh lương hưu độc lập với điều chỉnh tiền lương công chức, khi có biến động lớn về CPI vẫn phù hợp với NSNN. Đề án cũng đặt ra vấn đề điều chỉnh tuổi hưu để bảo đảm tính bền vững của quỹ, theo hướng tăng tuổi nghỉ hưu từ 1/1/2021 theo lộ trình với NLĐ làm việc trong điều kiện bình thường (tăng thêm mỗi năm 3 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi).

Cần hướng đến mục tiêu dài hạn

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương – ông Nguyễn Văn Thạo, cần cân nhắc những chỉ tiêu của đề án, bởi hiện nay, khó nhất chính là mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, nhất là ở khu vực nông thôn. Mục tiêu đến năm 2030 có 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó có 5% nông dân tham gia BHXH – điều này đòi hỏi Nhà nước cần hỗ trợ ra sao và cách làm như thế nào để đạt được? Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm từ các nước để để xác định mức đóng phù hợp.

Ông Nguyễn Hữu Dũng – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học LĐXH (Bộ LĐ-TB&XH) cũng nhận định, đề án cải cách BHXH khá đầy đủ, được thiết kế theo nguyên tắc đa tầng, linh hoạt, có thể hỗ trợ lẫn nhau và hướng vào mục tiêu vì con người, công bằng và phát triển bền vững. Song, rõ ràng BHXH liên quan đến mô hình quản lý, bản chất thực hiện theo mô hình toạ thu, toạ chi. Cũng theo ông Dũng, đến nay mô hình này đã có nhiều cách làm khác nhau và Việt Nam phải chọn ra cách phù hợp nhất. Đặc biệt, cần lưu ý, hiện nayquan hệ lao động thay đổi (do tác động của công nghệ 4.0) và nhiều DN không có quan hệ lao động (bán hàng online) – cần xác định số này phải bắt buộc đóng BHXH. Tiếp đến là người nông dân, cũng cần phải nói rõ nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì không thể tham gia BHXH được.

Đồng quan điểm, ông Trần Quốc Toản – Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cũng cho rằng, Đề án cải cách BHXH thiết kế với nhiều giải pháp, trong đó trọng tâm là cải cách chính sách BHXH cần đặt trong tổng thể hệ thống an sinh xã hội. Đáng chú ý, mới chỉ có 220.000 DN (trong tổng số 600.000 DN) thực hiện BHXH bắt buộc; khu vực phi chính thức có hơn 40 triệu NLĐ nhưng mới chỉ có 300.000 người tham gia BHXH tự nguyện… Đây là những hạn chế, nếu chúng ta chỉ chú trọng vào ban hành thực thi pháp luật, thì khó thực hiện được, mà cần phân tích nguyên nhân cụ thể để có hướng vận động cho giai đoạn tới.

Bên cạnh đó, chính sách BHXH cũng còn những bất cập trong việc nhận BHXH 1 lần; quỹ hưu trí, tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong dài hạn. Vì thế, theo ông Toản, đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách cần phải chỉ rõ yếu tố nào quan trọng nhất hiện nay. Đơn cử, tuổi nghỉ hưu của Việt Nam đối với nữ là 55, nam 60, nhưng tuổi thọ lại 73 và tuổi thọ khoẻ chỉ 63 – thì cần kéo dài tuổi nghỉ hưu ra sao? Về chính sách BH thất nghiệp, đa số hưởng trợ cấp thất nghiệp, chỉ có 2% NLĐ thất nghiệp đi học nghề- thì việc thiết kế chính sách cần sửa đổi như thế nào? Tương tự chính sách ốm đau, thai sản được xác định chi “hào phóng” nhất Châu Á và liệu sự hào phóng này có thực sự khách quan, có cần phải đánh giá và thiết kế lại?…

“Lao động chủ yếu làm việc ở khu vực phi chính thức, quan hệ tương tác lao động thế nào để xây dựng hệ thống BHXH phù hợp. Thiết kế hệ thống BHXH chủ yếu nghiêng về an sinh, nhưng cũng cần hướng tới động lực bảo đảm phát triển như BH thất nghiệp- thiết kế tạo việc làm thúc đẩy thị trường lao động. Do đó, chúng ta cần xem xét kỹ mục tiêu cải cách hệ thống BHXH trong giai đoạn sắp tới cho phù hợp. Ngoài ra, cần có những dự báo biến động của từng loại hình tham gia BHXH, có định hướng giải pháp chính sách phù hợp với từng biến động ấy. Đồng thời, nên nghiên cứu xây dựng chính sách lao động, việc làm sau tuổi nghỉ hưu…”- ông Toản phân tích.

Đề án cải cách chính sách BHXH đưa ra mục tiêu đến năm 2021 phấn đấu có khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động; khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp xã hội; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người dân tham gia BHXH đạt mức 80%. Đến năm 2025 có khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động; 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp xã hội. Đến năm 2030 phấn đấu có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng trong độ tuổi; 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH và trợ cấp BHXH.

Phạm Ngọc Quốc

14:52:11 12-04-2018

VHDN: Vừa qua, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương đã tổ chức Tọa đàm khoa học “Cải cách chính sách BHXH và cải cách chính sách tiền lương”. Đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến người lao động, đồng thời là yêu cầu cấp thiết trong việc thực hiện mục […]

Đối tác của chúng tôi