Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Sẽ bố trí đủ nguồn vốn cho dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ. Phải cơ bản thông xe trong năm 2020 và khánh thành vào đầu năm 2021. Đồng thời yêu cầu đích danh Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang chịu trách nhiệm trước Thủ tướng và 20 triệu người dân Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) về vấn đề này”.

Một đoạn cầu cạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang xây dựng dở dang. Ảnh: Quỳnh Trần

Một đoạn cầu cạn cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đang xây dựng dở dang. Ảnh: Quỳnh Trần/VnE

Khó khăn bủa vây

Như đã biết, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận được khởi công từ tháng 11/2009. Sau hơn 5 năm rơi vào bế tắc, đến tháng 02/2015, dự án được tái khởi động và tiếp tục đình trệ bởi nhiều vướng mắc khác. Đầu năm 2019, một trong những liên danh nhà đầu tư dự án này dính vào các vụ án hình sự đẩy nó vào bế tắc thật sự.

Để tháo gỡ, Thường trực Chính phủ đã chấp thuận chuyển đổi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền từ Bộ GTVT sang UBND tỉnh Tiền Giang để địa phương chủ động hơn trong việc phối hợp với nhà đầu tư giải quyết các vấn đề pháp lý của dự án.

Tháng 3/2019, sau khi nhận lời mời của Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận tham gia nâng cao năng lực quản trị dự án cao tốc này, ngay lập tức, Tập đoàn Đèo Cả đã “nhập cuộc” bằng việc rốt ráo thực hiện một loạt bước đi tái khởi động dự án. Doanh nghiệp đã có những hoạt động rất cụ thể.

Trước khó khăn về tài chính mà các nhà thầu đối mặt, Đèo Cả đã sử dụng nguồn vốn của tập đoàn hiện có và hạn mức tín dụng để làm việc với các nhà cung cấp vật tư, vật liệu, thiết bị thi công…. nhằm cung cấp cơ bản cho các nhà thầu thi công để đảm bảo tiến độ của dự án.

Thế nhưng, thực tế từ hiện trường gói thầu XL13, đại diện Công ty TNHH Thành Nơi (là nhà thầu phụ của gói thầu XL13), nói trong nước mắt: “Hơn ba tháng qua, chúng tôi huy động tiền của từ gia đình, bạn bè, họ hàng cho đến vay mượn để làm, mong muốn hoàn thành phần nhiệm vụ của mình. Nhưng nay, chúng tôi đã kiệt sức, nợ nần đuổi theo sau lưng. Chúng tôi tiến thoái lưỡng nan, chết dở sống dở, vỡ nợ tới nơi. Việc giăng băng rôn đòi nợ và dừng mọi công việc trên công trường là việc chẳng đặng đừng…”.

Có thể nhiều người sẽ nghĩ đây là một liên danh các nhà đầu tư yếu kém tài chính. Thế nhưng, thực tế không phải vậy vì nó xuất phát từ vấn đề tín dụng của dự án. Tức là, thử thách, vướng mắc hiện đến từ phía cơ quan quản lý nhà nước các cấp và cả liên danh ngân hàng tài trợ vốn.

“Có thực mới vực được đạo”

Chính Tổng Giám đốc BOT Trung Lương – Mỹ Thuận Mai Mạnh Hồng xác nhận rằng, Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận triển khai theo hình thức PPP có tổng mức đầu tư (theo phương án điều chỉnh mới nhất) hơn 12.000 tỉ đồng. Tính đến nay, nhà đầu tư, nhà thầu đã bỏ ra trên dưới 3.000 tỉ đồng (trong đó nhà đầu tư đã chi 2.500 tỉ đồng). Trong hơn 3 tháng khởi công trở lại (từ đầu tháng 4-2019 đến nay), đã tăng khối lượng thi công từ 10% của 10 năm trước đó lên 25% tổng khối lượng thi công.

Trong khi đó, phần vốn công chưa thấy góp đồng nào. Chính phủ đã trình Quốc hội phê chuẩn cho dự án 2.186 tỉ đồng và Quốc hội đã đồng ý nhưng đã nhiều tháng qua, đồng tiền bặt vô âm tín, dù dự án khát vốn từng ngày để trả lương công nhân, trả tiền nguyên vật liệu mà phần tư đã chi trước.

Dự án này đến nay cũng chưa hề được vay đồng bạc nào từ ngân hàng dù vào tháng 6/2018, liên danh các ngân hàng tài trợ đã ký hợp đồng cho vay.

Cái sự bùng nhùng về tín dụng khiến người đứng ngoài cuộc cũng bức xúc. Có người bức xúc khi nói rằng: “Nói là ‘hợp tác công tư’ nhưng trong khi phần ‘tư’ đã rất nỗ lực và chân thành, rút gan ruột và đổ mồ hôi hoàn thành phần việc của mình thì phần ‘công’ vẫn nhởn nhơ, để những thiệt hại đang sắp dội xuống các nhà đầu tư tư. Đó phải chăng chính là sự vô cảm?”

Cũng chính 10 năm qua, hết lần này tới lần khác, không biết bao nhiêu lời hứa từ ngon ngọt tới hùng hồn, rằng con đường kỳ vọng, con đường thời đại, con đường tầm vóc và phát triển này sẽ hoàn thành vào năm a, b, c, … con đường được gọi là khởi đầu cho ĐBSCL cất cánh nhưng… đến giờ vẫn thấy khó khả thi vì nguồn vốn. Thậm chí, việc “không được đầu tư đúng mức hoặc chỉ được phân bổ vốn đầu tư nhỏ giọt” được Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy ví như “ĐBSCL bị bỏ rơi”.

Dân gian có câu “to như đống rơm không cơm cũng ngã”, hoặc “có thực mới vực được đạo”. Chính vì vậy, dự án dù được tuyên bố hùng hồn đến đâu, ý nghĩa kinh tế – chính trị ra sao mà quá trình thực hiện bị vướng bởi mớ bòng bong  trách nhiệm và thủ tục hành chính bùng nhùng thì khó mà đạt được mục đích.

Liệu rằng, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận có cán đích đúng với thời gian mà Thủ tướng mới chỉ đạo để giúp ĐSBCL cất cánh? 20 triệu dân “vùng đất Chín Rồng” đang ngóng chờ!