Sự kiện - chuyên đề:

Cây dâu trong đời sống văn hóa dân tộc

VHDN: Ngay từ buổi đầu bình minh lịch sử, vị thế giá trị cây dâu đã thăng hoa, thông qua tích sử Quốc mẫu Vương phi Ỷ Lan. Có thể nói hình ảnh quen thuộc của cây dâu là một phần hồn Việt. Âm sắc cây dâu là những nốt nhạc thăng trầm trong bản hợp xướng đương đại, nhằm tôn vinh nét đẹp Việt Nam trên trường quốc tế, gương mặt Việt Nam rạng rỡ hồng hào trước nhãn quan nhân loại.

Thầy Nguyễn Anh Tuấn (đứng thứ nhất từ trái sang) cùng toàn thể bộ cán bộ, nhân viên Công ty cổ phần Đông Nam dược Vĩnh Lộc

Trong cuộc sống thường nhật để mưu sinh, con người đã không ngừng lao động sáng tạo, do đó môi trường sinh thái xã hội ngày càng hiện đại, đồng thời cũng xen lẫn những khó khăn phức tạp, những căn bệnh nan y mới đang lấp ló xuất hiện. Tất cả đều xuất phát từ nhu cầu ăn, mặc của con người. Trước tình hình thực tế trên, hơn bao giờ hết, nền y học dân tộc cần phải được kiện toàn vì con người, và nền kinh tế quốc dân:

Ý tôi muốn nói tới giá trị tối đa của cây dâu !

Nhất, và cũng là rất đặc biệt trong quỹ đạo (Nam y) môn khoa học dân gian, một thế mạnh trong khoa y học cổ truyền dân tộc, hôm nay và mãi mãi mai sau. Vì thế cây dâu rất quan trọng, có giá trị kinh tế cao sau cây lúa. Cây dâu thuộc nhóm gỗ tạp, dễ trồng, dễ chăm bón, dâu có thể trồng thành rừng, dâu là lá phổi của sự sống. Gỗ dâu dùng để xuất khẩu ra nước ngoài, hoặc đóng dụng cụ để phục vụ cuộc sống thường nhật như: bàn, ghế…

Lá dâu dùng làm thuốc, một thứ dược liệu quý được dân gian tín dụng. Ngoài ra, lá dâu là thức ăn không thể thiếu để nuôi tằm nhả tơ dệt lụa. Lụa là một mặt hàng đã và đang phục vụ rất đắc lực cho con người. Lụa là thứ sa sỉ quý giá được các triều đại vua chúa từ ngàn xưa đề cao, là mặt hàng trao đổi xuyên quốc gia: con đường tơ lụa, câu thành ngữ “Người đẹp vì lụa” cũng ra đời từ đó. Thẩm thấu qua nhiều thế hệ, từ đời này đến đời khác rồi đi vào phong tục, tập quán nhiều địa phương trong cả nước bên cạnh cây lúa nước, người nông dân còn canh tác thêm cây dâu. Đồng thời họ đã lấy hình ảnh cây dâu để đặt tên cho quê hương mình như: trại dâu, ấp dâu (Hưng Yên). Đặc biệt chùa Dâu, Bắc Ninh nơi gắn liền với lịch sử phật giáo của dân tộc.

Nước ta nổi tiếng có vùng trồng dâu nuôi tằm Hà Đông, quê hương tơ lụa. Gần đây trên thị trường thương mại của thế giới, lụa Thái Tuấn của Việt Nam đã có thương hiệu, được thế giới đánh giá cao và ca ngợi hết lời.

Cây dâu có tên khoa học là: Morus alba L.Morus acidosa Griff – Họ dâu tằm.

  1. Vỏ rễ dâu: Tang bạch bì (chữa ho); 2. Cành dâu: Tang chi (chữa thấp); 3. Lá dâu: Tang diệp (liễm hãn); 4. Quả dâu: Tang thầm (bổ âm, bổ huyết); 5. Ký sinh cây dâu: Tang ký sinh (Thuốc quý chữa phong tê thấp); 6. Tổ bọ ngựa: Tang phiêu tiêu (Chữa dương nuy); 7. Con tằm vôi: Bạch cương tàm (chữa gan); 8. Phân tằm: Tàm sa (chữa quái bệnh).

Theo dân gian, dâu là thứ dược liệu huyền bí, bóng dáng cây dâu thấp thoáng trong văn hoá tâm linh được tương truyền từ đời này qua đời khác. Kể rằng: Roi dâu dùng để trừ ma quỷ, trùng tà; khi có người chết không tìm thấy xác, thấy mộ, thầy phù thủy lấy gáo dừa làm sọ, lấy cành dâu làm xương để an táng tạo mộ với mục đích nhằm cho tai qua, nạn khỏi, để hồn phách có nơi trú ngụ không bị vất vưởng.

Thật là nghịch lý khi người bệnh đi khám bệnh thầy lang cùng chung huyết thống đồng bào Việt, vị thuốc cũng được trồng trên dải đất tổ tiên người Việt, nhưng câu cửa miệng người đời lại thường gọi là thuốc Bắc (thuốc Trung Quốc nằm ở phương Bắc). Trên thực tế, người phương Bắc mua dược liệu thô của người Việt với giá rẻ mạt, rồi mang về phương Bắc phơi sấy, sao tẩm đem bán lại cho người Nam dùng với giá cao ngất ngưởng. Đúng là ta phải có kế hoạch đào tạo sơ chế, chế biến. Đồng thời phải có biện pháp ngăn chặn chảy máu dược liệu quý, đi đôi với bảo tồn và nhân rộng. Hơn bao giờ hết người Việt Nam phải nhớ đời câu danh ngôn của Thiền sư, Đại danh y Tuệ Tĩnh nói: “Nam dược trị Nam nhân(thuốc Nam chữa bệnh cho người Nam). Người đi đầu minh chứng cho danh ngôn bất hủ này là thầy Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đông nam dược Vĩnh Lộc và Công ty cổ phần Đông dược Phúc Thịnh Đường. Trên tinh thần là một người công dân yêu nước, vì sức khỏe người Việt, thầy bước lên giảng đường, thành lập lớp học thuốc Nam miễn phí tại đền Bia Tuệ Tĩnh, người đến theo học ngày một đông, miền xuôi có, miền ngược có, trẻ có, già có, các nhà tu hành có.

 

Học viên của thầy, từ lớp học đã tỏa đi khắp nơi, tiếng vang ngày một lan rộng từ trong tỉnh ra ngoài tỉnh. Có người nói: Hải Dương là thủ đô của thuốc Nam, cũng mong là như vậy. Qua hình ảnh lớp học thuốc Nam mà thầy Anh Tuấn là người đứng mũi chịu sào, khó khăn gian khổ là tất nhiên vì vạn sự khởi đầu nan. Đổi lại thành quả to lớn thầy Tuấn khởi tạo từ lớp học thuốc Nam đã nằm trong tầm tay. Đúng là: Bước đầu tuy chẳng là bao/ Nhưng mà đã lớn đã cao vô cùng. Cơ đồ thuốc Nam đã trỗi dậy, hoành tráng. Tương lai Nam Dược đã có từ ngày hôm nay tại Đền Bia Hải Dương.

 

Với diện tích đất to lớn nằm rải rác trên các vùng nông thôn, sườn núi, những nương dâu rộng bao la thẳng cánh cò bay, chạy theo suốt hai bên bờ sông, ven đê, dâu đã có mặt trên khắp cả nước, từ ngàn xưa dâu là tầm vóc của cả dân tộc, dâu là nguồn lợi to lớn vừa ích nước, vừa lợi nhà, do đó phần nói về cây dâu ở trên là chưa đủ, nó chỉ là phần nổi của tảng băng ngầm. Hy vọng sau tiêu chí “Cây dâu trong đời sống văn hoá dân tộc” sẽ được toàn thể các nhà khoa học và nhân dân cả nước tiếp tục phát hiện để cây dâu trở thành thế mạnh trợ lực cho nền y học Nam y phát huy hết công suất.

Có bước qua quá khứ mới thấy được tương lai, đến với tổng kho dược liệu cổ truyền nước nhà cân nhắc cẩn thận, tỷ mỉ, mới thấy cây dâu xứng đáng trở thành “Quốc dược“.

Việt Nam có thể làm giàu từ “kho báu” dược liệu như lời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc căn dặn.

Đúng là: “Quốc dược thang tang sinh tráng khí/Nam y vị thảo cổ linh truyền“.

Văn Tài

Chia sẻ
09:09:36 17-10-2017

VHDN: Ngay từ buổi đầu bình minh lịch sử, vị thế giá trị cây dâu đã thăng hoa, thông qua tích sử Quốc mẫu Vương phi Ỷ Lan. Có thể nói hình ảnh quen thuộc của cây dâu là một phần hồn Việt. Âm sắc cây dâu là những nốt nhạc thăng trầm trong bản […]

Chia sẻ

Đối tác của chúng tôi