Sự kiện - chuyên đề:

Chuyện về những bậc thày bên dòng sông Ô Lâu

VHDN: Trời miền Trung sang đầu tháng 12 mà mưa cứ xối sả, nước mưa tràn ngập đường phố, có nơi ngập cả lên nóc nhà. cơn mưa lịch sử kéo dài gần cả tháng. Ấy vậy mà, ngày18/12/2018, mưa ngừng rơi, để Ban Tổ chức xây dựng làm lễ an vị, khai quang tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Đền tưởng niệm.

Hôm sau là Ngày Quốc phòng toàn dân19/12/2018, trời hửng nắng, cựu chiến binh đại tá Trần Đức Bình, giám đốc Lâm Ngọc Minh cùng đại diện Đảng bộ, chính quyền nhân dân, bà con cô bác xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, Ban liên lạc Quân đoàn 2, cựu chiến binh Sư đoàn 304, Hội Nhân Điện, bà Võ Hạnh Phúc – con gái út Đại tướng cùng dự lễ khánh thành Đền thờ Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các anh hùng liệt sĩ.

Toàn cảnh khu tưởng niệm

Được biết, khu Đền tưởng niệm này rộng 5.000m2, tọa lạc bên dòng sông Ô Lâu, ở quốc lộ 1A, cảnh hữu tình trên bến dưới thuyền. Đài Tri ân các anh hùng liệt sĩ cao 21 mét, đế có hình bánh chưng, bánh dày,chầu xung quanh có 8 cụ rồng đời nhà Trần. Nhà thờ các anh hùng liệt sĩ rộng 185m2 rất bề thế, tường hoa bao quanh, có bến thả hoa đăng,… Đền thờ lãnh tụ Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp rộng160m2. Nhà đón khách rộng 35m2. Không gian thoáng rộng được quy hoạch uy nghi, hài hòa cảnh vật tổng thể. Khu Đền rợp mát bóng cây. Có cây Sala mang ở nơi Đức Phật thành Đạo bên Ấn Độ về, rất nhiều cây xanh, cây đa và có 10 cây bồ đề. Bà Võ Hạnh Phúc trồng cây bồ đề thứ 10 mang từ Huế vào, lưu dấu tích nơi xưa chạm súng của bộ binh Việt Nam và Hoa Kỳ. Cuộc chiến đã đi vào dĩ vãng… Bây giờ, nơi đây là điểm tụ văn hóa Phật học “Bát Chính Đạo” dưới gốc Bồ Đề theo mô típ ở chùa Trấn Quốc, Hà Nội…

Điện thờ lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Thầy giáo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Ngày 21/01/2019, Ban Tổ chức đã tiến hành hàn long mạch, thực hiện đúng, đầy đủ tinh thần dân nguyện. Khu Đền thờ là tâm nguyện của lòng dân, từ các em nhỏ, các cụ già 80 – 90 tuổi, thân nhân các gia đình liệt sĩ, các cựu chiến binh, nhà hảo tâm đối với Người Thầy giáo là lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

Cũng đúng khu vực này, trên mảnh đất Phong Điền bên dòng Ô Lâu còn có ngôi mộ “Thế gian sư” Lê Văn Miến. Tìm hiểu kĩ mới rõ ngọn nguồn ông là người thầy của thiên hạ. Ông sinh năm 1874, ở làng Ông La, xã Kim Khê, huyện Nghi Lộc, Nghệ An là Người Thầy giáo của trang thiếu niên Nguyễn Tất Đạt, Nguyễn Tất Thành khi học ở trường Quốc học Huế, đã có ảnh hưởng sâu sắc đến việc hình thành nhân cách, ý tưởng viễn dương của Người Thanh niên Văn Ba sau này!

Các cựu chiến binh trồng cây

Cụ Lê Văn Miến sinh ra trong một dòng họ khoa bảng, phụ thân là quan Án Lê Nghiệm giàu lòng yêu nước có tiếng xứ Nghệ. Năm 14 tuổi, người thanh niên Lê Văn Miến khai tăng lên 2 tuổi là 16 tuổi để “xung phong” sang Paris học Trường thuộc địa (escole Coloniale) thay huynh trưởng. Lê Văn Miến học cùng khóa năm 1888 với Hoàng Trọng Phu, Thân Trọng Huề. Sau khi tốt nghiệp Trường thuộc địa (1892), Lê Văn Miến học tiếp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Paris, tốt nghiệp đạt loại xuất sắc tất cả các môn: phấn màu, sơn dầu, bút chì, điêu khắc, kiến trúc … Tài học đạt xuất sắc ấy, lẽ ra, với hai tấm bằng xuất sắc, năm 1895 về nước, Lê Văn Miến thừa sức hưởng quyền cao chức trọng nếu trung thành với bộ máy cai trị xứ Đông Dương; nhưng người thanh niên 21 tuổi lại chọn nghề thầy giáo để mở mang dân trí, thực hiện giáo dục là để đào tạo hiền tài. Lê Văn Miến được bổ làm Đốc học ở Nghệ An, thực hiện công truyện nghề Thầy cho một sự nghiệp “trồng người” mới, cho lớp thế hệ trẻ nhận thức, ý thức đúng, tiếp cận với văn hóa giáo dục phương Tây.

Triều đình nhà Nguyễn quyết định sử dụng chữ quốc ngữ phổ cập giáo dục năm 1900.

Đài tưởng niệm

Năm 1902, Thượng thư Đào Tấn tuyển Lê Văn Miến vào làm việc ở Bộ Công. Ở đây, nhà sư phạm, họa sĩ Lê Văn Miến đã vẽ mẫu súng mà vua Thành Thái muốn đúc, vẽ chân dung vua Thành Thái, cụ Thượng Đào Tấn, vẽ kiệt tác “Bình văn”,… kêu gọi lòng yêu nước. Công việc chuẩn bị chống Tây của vua Thành Thái bị bại lộ:

“Sống thừa nào biết có hôm nay
Nhìn thấy non sông đất nước này
Sừng ngựa chưa quên câu chuyện cũ
Ruột tằm đòi đoạn mối sầu Tây.
Thanh xuân nghìn dặm mây mù mịt
Bể Cấp tứ bề sóng bủa vây
Tiếng súng đì đùng như khúc nhạc
Dẫu cho sắt đá cũng chau mày…”

Năm 1907, cụ Nguyễn Sinh Sắc đưa cả gia đình vào Huế, gặp lại thầy Lê Văn Miến dạy Pháp văn và hội họa ở Trường Quốc học Huế, là bạn học cùng trường ở quê Nghệ An. Cụ đã hỏi bạn nhiều điều về nước Pháp quốc thù. Biết bao anh hùng đã xả thân vì nước. Trong số các vị tao nhân mặc khách thường hay lui tới nhà cụ Nguyễn Sinh Sắc có cụ Phan Bội Châu, Đào Tấn, thầy Lê Văn Miến,… Nghe cha và các bậc cao nhân đàm đạo, cậu Nguyễn Sinh Cung nói với anh trai Nguyễn Tất Đạt: – “Cái ngày vô đây em mới lên năm tuổi mà đã đi từng ấy đường đất cũng là “á chúa” chứ phải chơi đâu anh? Giá như bằng tuổi chú Văn bây giờ em cũng sẽ đi như chú được.

– Chắc không?

– Mẹ vừa mới nhắc anh em mình là “ngôn hành tương cố”. Nói và làm phải đi đôi chứ anh.
Khuya rồi, Nguyễn Sinh Côn vẫn ngồi khuất bóng cha, lắng nghe câu chuyện, bỗng đứng phắt dậy. Tay nắm. Ánh đèn lấp lánh trong ánh mắt nẩy lửa, gương mặt ngây thơ đã biến sắc, giọng đanh:

– Kính cụ Thượng, thưa chú, thưa cha… lẽ nào … chẳng lẽ … – Côn nghẹn ngào- nước Nam ta răng lại có Tây?”…

Năm 1911, công truyện cách mạng giáo dục ở Việt Nam đã là chuyện lớn rồi!

Và từ đây con đường cách mạng, con đường giáo dục… ở Việt Nam được dần mở ra cho đến ngày nay. Dòng nước sông Ô Lâu vẫn chảy .

Trần Minh Thu

09:57:40 25-01-2019

VHDN: Trời miền Trung sang đầu tháng 12 mà mưa cứ xối sả, nước mưa tràn ngập đường phố, có nơi ngập cả lên nóc nhà. cơn mưa lịch sử kéo dài gần cả tháng. Ấy vậy mà, ngày18/12/2018, mưa ngừng rơi, để Ban Tổ chức xây dựng làm lễ an vị, khai quang tượng […]

Đối tác của chúng tôi