Sự kiện - chuyên đề:

Đại biểu Quốc hội: Các doanh nghiệp đang thiếu vốn nghiêm trọng

Thảo luận về vấn đề phát triển kinh tế – xã hội, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, mặc dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ và đồng hành, tuy nhiên các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, áp lực về thuế, biến động giá cả, khả năng tiếp cận vốn…

Chiều 31/10, tiếp tục Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận. 
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận. 

Các doanh nghiệp đang thiếu vốn nghiêm trọng

Nêu nên thực tế tại địa phương, đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Quảng Nam) cho biết, các doanh nghiệp trong địa bàn tỉnh hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, mặc dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ và đồng hành, tuy nhiên áp lực về thuế, biến động giá cả, khả năng tiếp cận vốn… đã tạo thành những thách thức lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Trong thời gian tới, đại biểu Dương Văn Phước mong muốn Nhà nước tiếp tục quan tâm đến những khó khăn hiện nay của doanh nghiệp, có những chính sách kịp thời, thiết thực hơn cho doanh nghiệp. Hiện các doanh nghiệp đang thiếu vốn nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần thiết kế gói tín dụng phục vụ cho sản xuất kinh doanh, trước mắt là tập trung khơi thông các nguồn vốn từ ngân hàng thông qua việc tiếp tục hạ lãi suất và nới lỏng các điều kiện cho vay vốn; đồng hành, chia sẻ những rủi ro đối với doanh nghiệp.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thuế, lắng nghe, chia sẻ các giải pháp giải quyết những kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến vấn đề về thuế; nghiên cứu các chính sách thuế phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong điều kiện khó khăn hiện nay, đại biểu lưu ý, cần chú trọng nuôi dưỡng nguồn thu, xem xét điều kiện từng doanh nghiệp để có chính sách giảm giảm thuế phù hợp.

Xem xét giảm giờ làm việc cho người lao động

Tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Lạng Sơn) đánh giá cao kết quả kinh tế – xã hội đạt được trong 9 tháng năm 2023, nhưng vẫn còn 5/15 chỉ tiêu Quốc hội giao chưa đạt kế hoạch, trong đó có chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội là năm thứ ba liên tiếp không đạt. Đại biểu lo ngại tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đang có xu hướng giảm và thấp hơn mức bình quân của giai đoạn trước. Vì vậy, đề nghị Chính phủ đánh giá bổ sung nguyên nhân, xác định trách nhiệm và có giải pháp quyết liệt đối với chỉ tiêu này.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) phát biểu tại phiên thảo luận. 
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) phát biểu tại phiên thảo luận. 

Về độ mở của nền kinh tế, theo đại biểu, Việt Nam là một trong những quốc gia có độ mở kinh tế tăng nhanh và lớn nhất thế giới. Từ đó, đại biểu nhấn mạnh, bên cạnh những mặt tích cực, nếu không có những giải pháp chính sách tốt sẽ đem lại nhiều hệ lụy, như nền kinh tế trở nên dễ bị tổn thương, nhạy cảm với các biến động từ bên ngoài, xuất nhập khẩu nhiều nhưng chủ yếu là hàng hóa thâm dụng lao động, giá trị gia tăng không cao, tăng trưởng cao nhưng vẫn ở vị trí cuối trong chuỗi giá trị toàn cầu, nguy cơ là công xưởng gia công, nguy cơ rơi vào bẫy trung bình là hiện hữu…

Đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể tác động của độ mở nền kinh tế ra sao; độ mở bao nhiêu là phù hợp với nước ta; nhu cầu và cơ chế kiểm soát độ mở của nền kinh tế thế nào. Từ đó có giải pháp để xây dựng nền kinh tế tự chủ hơn, có khả năng thích ứng tốt hơn theo quan điểm phát huy nội lực là yếu tố quyết định gắn với ngoại lực và sức mạnh thời đại.

Về giải pháp trong thời gian tới, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề xuất quan tâm đến 3 nhóm giải pháp: Thứ nhất, tăng cầu trong nước, phát triển thị trường nội địa; tiếp tục giảm thuế, phí, lệ phí cho người dân và doanh nghiệp; kéo dài thời gian giảm thuế VAT đến hết 30/6/2024. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Hội đồng tiền lương quốc gia tiến hành thương lượng sớm để tăng lương tối thiểu cho người lao động bảo đảm thực hiện từ 01/7/2024 cùng thời điểm với việc thực hiện cải cách tiền lương trong khu vực công.

Thứ hai, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đề nghị trong Kỳ họp này, Quốc hội yêu cầu tổng soát thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực; trong đó, tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến đầu tư, sản xuất kinh doanh, đến đổi mới, sáng tạo để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.

Thứ ba, tăng cường liên kết vùng. Năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 Vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quốc hội đã thông qua 2/3 quy hoạch quan trọng cấp quốc gia, nhằm định hướng không gian phát triển của đất nước.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội ban hành luật hoặc nghị quyết về phát triển vùng, tăng cường liên kết vùng làm cơ sở pháp lý cho việc thể chế hóa các quan điểm của Đảng vào cuộc sống.

Ngoài ra, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cũng đề nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội giảm giờ làm việc bình thường cho người lao động trong khu vực tư từ 48 giờ/1 tuần xuống 44 giờ/ 1 tuần, tiến tới 40 giờ/1 tuần như trong khu vực công (đã được thực hiện từ 1999). Đây cũng là xu hướng tiến bộ của đa số các quốc gia trên thế giới. Đại biểu cũng mong các vị ĐB Quốc hội quan tâm, ủng hộ quy định này.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Tây Ninh) phát biểu tại phiên họp. 
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Tây Ninh) phát biểu tại phiên họp. 

Cùng quan tâm đến vấn đề cải thiện, tăng năng suất lao động, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Tây Ninh) cho biết, bước vào năm 2023, mặc dù đã chủ động dự báo nhưng tác động tiêu cực của kinh tế thế giới đã ảnh hưởng không nhỏ tới nước ta. Vượt lên khó khăn, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Điểm ra một số thành tích nổi bật như, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát; thu ngân sách có khả năng vượt mục tiêu đề ra… đại biểu cũng nêu ra một số khó khăn, thách thức như 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu vẫn trong tình trạng phát triển chậm; áp lực giải ngân vốn đầu tư công chậm… Tình trạng ô nhiễm vẫn diễn ra nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe, đời sống Nhân dân.

Bày tỏ thống nhất với nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế xã hội năm 2024, đại biểu đề nghị quan tâm cải thiện, tăng năng suất lao động, là con đường ngắn nhất đưa nền kinh tế phục hồi và phát triển bền vững.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương cũng đề nghị Chính phủ cần có giải pháp căn cơ để xây dựng văn hóa, hình ảnh con người Việt Nam trong thời kỳ hiện nay. Văn hóa phải đặt ngang hàng với kinh tế.

Xử lý đồng bộ, cụ thể đối với các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả

Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Bắc Giang) nhận định, năm 2023, cử tri, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận Quốc hội và Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như đã liên tục 4 lần giảm lãi suất điều hành, tăng cường khả năng tiếp cận vốn, thúc đẩy tín dụng tiêu dùng, giảm phí, lệ phí trước bạ, giảm thuế giá trị gia tăng, giảm thuế đất. Qua đó giúp doanh nghiệp và người dân giảm bớt khó khăn và phục hồi sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, doanh nghiệp đã và đang đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng, khả năng hấp thụ vốn giảm; một bộ phận doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm sản lượng và số doanh nghiệp giải tán, phá sản cũng tăng lên.

Tại kỳ họp này, Chính phủ đã có báo cáo về tình hình kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả (12 dự án). Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Lâm nhận thấy, tiến độ thực hiện còn rất chậm, nhiều vấn đề tồn tại chưa được xử lý, đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan cần khẩn trương, quyết liệt hơn nữa, có biện pháp xử lý đồng bộ, cụ thể cả trước mắt và lâu dài đối với 12 dự án.

Nguồn: Báo Kinh tế & Đô thị

16:00:39 31-10-2023

Thảo luận về vấn đề phát triển kinh tế – xã hội, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, mặc dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ và đồng hành, tuy nhiên các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, áp lực về thuế, biến động giá cả, khả năng tiếp cận […]

Đối tác của chúng tôi