Sự kiện - chuyên đề:

Đầu xuân trò truyện với chủ vườn lan

VHDN:Cái giá lạnh những ngày cuối năm không làm chậm bước chân của các ông chủ vườn lan đi tìm giống cho vụ sau. Vừa điều khiển chiếc Mercedes Maybach S 450 mới mua hơn 8 tỷ đồng, Doanh nhân Nguyễn Bá Toan – Chủ vườn lan An Phú ở thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao sôi nổi cùng tôi câu chuyện về “vua của các loài hoa”…

Từ trái sang phải: GS-TSKH Nguyễn Duy Quý – Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác KHKT châu Á-Thái Bình Dương và Chủ vườn lan An Phú Nguyễn Bá Toan trong chuyến khảo sát một số vườn lan (11-2020).

Trò chuyện dọc đường, ông Toan chia sẻ: Đã hơn sáu chục tuổi, kinh nghiệm chơi lan cũng không đến nỗi nào nhưng mình cũng khâm phục những “tuổi trẻ tài cao” quanh vùng. Bốn chục tuổi, Chính Trương từ làm lan mà có nhiều cống hiến cho cộng đồng. Hải Hà sinh năm 1991, hiện sở hữu vườn lan có giá trị cao. Ở xã Thạch Sơn, gần nhà tôi, hai chàng trai tuổi 30: Quản Ngọc Bích, Trần Vinh bằng trồng lan mà khởi nghiệp rất thành công. Tôi cho rằng đó là điều rất đáng mừng! Tương lai luôn thuốc về thế hệ trẻ.

Tôi gợi chuyện: Giữa tháng 12-2020, tỉnh Phú Thọ có tổ chức hội thảo tư vấn, phản biện và giám định xã hội về “Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững nghề trồng hoa lan trên địa bàn tỉnh”. Tham gia cuộc hội thảo này có nhiều nhà quản lý, nhà khoa học uy tín. Với tham luận: “Hoa lan đột biến vừa có tính thẩm mỹ, vừa có giá trị kinh tế cao”, ông muốn gửi đi thông điệp gì tới cộng đồng?

– Tôi đến với cây hoa lan ban đầu chỉ là một thú chơi. Trong các chuyến điền dã, tôi sưu tầm được loài lan có 5 cánh trắng từ làng Cổ Tiết (nay là xã Vạn Xuân), huyện Tam Nông. Sau đó, giới chuyên môn xác định đây là dòng lan đột biến và được định danh là lan 5 cánh trắng Phú Thọ. Tự hào bởi chính quê hương đất Tổ là nơi xuất hiện và phát triển một loài lan quý, tôi càng nỗ lực ươm nhân, chăm sóc để vườn lan của mình trở thành một thương hiệu: Hoa lan An Phú.

Những năm gần đây, thị trường hoa lan đột biến khá phát triển. Tôi nghĩ rằng, một khi xã hội có nhu cầu, thì không vì lẽ gì mà người kinh doanh không tìm cách đáp ứng. Không ít người nghĩ rằng, lan cũng chỉ là một loài hoa, như bao loài cây cỏ trong tự nhiên, chẳng có gì đặc biệt! Nếu vậy, thử hỏi tại sao nhiều người “săn lùng” lan đột biến đến thế? Trong giới chơi lan, mức giá vài trăm triệu, vài tỷ, thậm chí cả chục tỷ đồng cho một mầm lan đột biến không phải là điều gì quá khó hiểu. Bởi vì thực tế, giống hiếm nên mới quý, cung không đủ cầu nên giá cao. Trong tương lai, khi các nhà vườn ươm nhân được nhiều giống lan quý hiếm như Người đẹp không tên, Bạch tuyết, Đôi Mắt Pleiku, Bảo Duy, Hồng Minh Châu… thì tôi tin rằng sẽ có nhiều người được sở hữu các loài hoa quý, để làm đẹp cho cuộc sống.

Qua nội dung các báo cáo tại Hội thảo về lan ở Phú Thọ, ông tâm đắc điều gì?

– Tôi cho rằng đề dẫn của ông Chủ tịch Liên hiệp các hội KH&KT tỉnh tôn vinh lan 5 cánh trắng Phú Thọ, từ đó hướng tới mục tiêu phát triển bền vững nghề trồng hoa lan. Hoặc tham luận của Hội Sinh vật cảnh và làm vườn tỉnh đã cung cấp cái nhìn toàn cảnh về sưu tầm, sản xuất, kinh doanh hoa lan ở Phú Thọ với khoảng hơn 1 nghìn vườn lan lớn nhỏ, 13 CLB hoa lan ở các huyện, thành, thị… Hoạt động SXKD sinh vật cảnh là 1 trong 7 nhóm ngành nghề cần khuyến khích phát triển ở nông thôn; hoa lan hoàn toàn có thể trở thành sản phẩm OCOP của một số địa phương. Cung cấp thông tin đa chiều và mở rộng là báo cáo của GS-TSKH Nguyễn Duy Quý. Để ngành hoa lan Việt Nam phát triển, GS cho rằng cần đảm bảo 7 yếu tố về giống, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ bảo quản sau thu hoạch và dịch vụ sản xuất, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, hỗ trợ tín dụng, các văn bản luật và tiêu chuẩn sản phẩm. Nói tóm lại, cả 9 báo cáo trong Hội thảo này đều hướng đến chủ đề làm sao cho ngành lan phát triển bền vững. Đó là một Hội thảo kịp thời, bổ ích và thiết thực.

Chủ vườn lan An Phú Nguyễn Bá Toan.

Một mùa xuân mới đang tới. Trước thềm xuân, điều gì là mong muốn của ông?

– Như chủ đề cuộc hội thảo về hoa lan, tôi mong ngành lan phát triển bề vững, sớm trở thành ngành kinh tế, trong đó người sản xuất ứng dụng các thành tựu KH-CN để có sản phẩm ngày càng chất lượng, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Trong niềm vui vừa được anh em chia sẻ một số giống quý cho vườn nhà, đầu Xuân, tôi muốn gửi đến người yêu lan lời chúc tốt lành qua những vần thơ: Năm cũ vừa mới đi qua /Năm mới đã tới khiến ta nhớ nàng/ Yêu sao năm cánh mơ màng/ Khai sinh ở cạnh đình làng Vạn Xuân/ Họ hàng phi điệp xa gần / Em xin hiến cả tấm thân cho đời/ Mặt hoa, da phấn ngời ngời/ Đôi môi chúm chím nói lời tình yêu/ Đôi mắt sắc, dáng yêu kiều/ Công – dung – ngôn – hạnh đủ điều nết na/ Nguyện làm con của mọi nhà/ Dâng người tài lộc, tạo đà đi lên/ Từ nhành lan chẳng rõ tên/ Thành năm cánh trắng quê miền Tam Nông/ Linh thiêng đất Tổ vua Hùng/ Gọi tên Phú Thọ sánh cùng chị em/ Đài các Người đẹp không tên/ H.O, Bạch Tuyết thôi miên bao chàng/ Năm cánh Phú Thọ dịu dàng/ Làm dâu ở phố, ở làng đều khen/ Phải đâu phận gái nghèo hèn/ Em là công chúa ủ men cho đời/ Giao thừa gõ cửa chàng ơi/ Cả kie lẫn gốc bật chồi mà lên/ Trai anh hùng, gái thuyền quyên/ Đẹp tình xuân mới, thắm duyên Tết về/ Vui xuân vui đủ mọi bề/ Mau mở cửa, đón Lan về cùng Xuân…

Năm mới, xin chúc Doanh nhân Nguyễn Bá Toan sức khỏe và thành công trong chinh phục vẻ đẹp yêu kiền của… nàng lan và đóng góp để ngành lan trở thành ngành kinh tế, đưa thương hiệu hoa lan Việt Nam ra thị trường thế giới!

Nguyễn Văn

 

 

14:03:56 25-01-2021

VHDN:Cái giá lạnh những ngày cuối năm không làm chậm bước chân của các ông chủ vườn lan đi tìm giống cho vụ sau. Vừa điều khiển chiếc Mercedes Maybach S 450 mới mua hơn 8 tỷ đồng, Doanh nhân Nguyễn Bá Toan – Chủ vườn lan An Phú ở thị trấn Hùng Sơn, huyện […]

Đối tác của chúng tôi