Sự kiện - chuyên đề:

Đẩy mạnh kết nối giữa Hà Nội – Quảng Ninh để hỗ trợ doanh nghiệp

Hanoisme đưa ra một thông điệp: Giải pháp tăng cường, đẩy mạnh kết nối, giao thương giữa Hà Nội với Quảng Ninh sẽ hỗ trợ doanh nghiệp 2 địa phương phát triển trên mọi lĩnh vực.

TS Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch Tổng Thư ký Hanoisme (ngoài cùng bên phải) chia sẻ tại sự kiện.
TS Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch Tổng Thư ký Hanoisme (ngoài cùng bên phải) chia sẻ tại sự kiện.

Tích cực hợp tác

Việc hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước là việc làm hết sức quan trọng. Quảng Ninh và Hà Nội có mối quan hệ gắn bó mật thiết, thường xuyên hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực.

Trong đó, hai địa phương phối hợp, cập nhật thông tin trong quá trình lập, triển khai thực hiện các quy hoạch của vùng, tiểu vùng trên cơ sở các Quy hoạch tổng thể Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ; triển khai các chương trình mục tiêu thực hiện kết nối và phát triển tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.

Một góc Vinh Hạ Long. Ảnh: Khắc Kiên
Một góc Vinh Hạ Long. Ảnh: Khắc Kiên

Những năm qua, ngành văn hoá, du lịch Hà Nội và Quảng Ninh đã ký kết và triển khai hiệu quả Chương trình hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2016 – 2020 và đang triển khai nhiều dự án trong giai đoạn 2021 – 2025.

Hai địa phương đều tập trung vào các nội dung chính: Phối hợp, hỗ trợ trong công tác quản lý Nhà nước về du lịch; hợp tác tổ chức các hoạt động hỗ trợ khách du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch nghiên cứu xây dựng sản phẩm liên vùng; kết nối tour, tuyến bảo đảm chất lượng và có sức cạnh tranh cao; tổ chức và phối hợp xây dựng và xuất bản bản đồ du lịch chung 3 địa phương Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh…

Ngoài ra, Hà Nội và Quảng Ninh đã ký Bản ghi nhớ hợp tác phát triển thương mại, cùng với các tỉnh, thành khai thác hiệu quả tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; phối hợp khai thác hiệu quả tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long, kết nối với với trục cao tốc Lào Cai – Hà Nội thành liên tuyến đường cao tốc dài nhất Việt Nam, tạo ra vành đai giao thương quan trọng với Trung Quốc và thế giới.

Hai bên cũng đã tích cực phối hợp, tham gia thúc đẩy phát triển các ngành du lịch, thương mại, nông nghiệp, giao thông vận tải theo các chương trình hợp tác, biên bản ghi nhớ chung với các tỉnh, thành trong vùng, hành lang kinh tế…

Nâng tầm quan hệ

Các nội dung hợp tác giữa Hà Nội và Quảng Ninh đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, với tiềm năng, thế mạnh của hai địa phương, Hà Nội và Quảng Ninh cần nâng tầm quan hệ hợp tác toàn diện và hiệu quả hơn nữa.

Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội ký kết hợp tác với Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham) tại sự kiện.
Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội ký kết hợp tác với Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham) tại sự kiện.

Thời gian tới, hai bên thúc đẩy hợp tác toàn diện trên 7 nhóm nội dung phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, hai bên sẽ phối hợp thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ trong các lĩnh vực có lợi thế của mỗi địa phương; tăng cường trao đổi thông tin thương mại, xuất nhập khẩu; liên kết, phát triển mạng lưới logistics.

Hà Nội cũng cần hỗ trợ Quảng Ninh tích cực hơn nữa nhằm thực hiện hiệu quả việc phát triển các ngành kinh tế, chuyển đổi sang tăng trưởng xanh, trên nền tảng mô hình tổ chức không gian phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực” đã định hình, phát huy tác dụng trong những năm qua.

Trong quá trình chuẩn bị, hai bên cần tập trung phối hợp xây dựng văn kiện bảo đảm tính khả thi cao, nhất là thể hiện rõ vai trò, vị trí và trách nhiệm trong vùng và cả nước khi xác định các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ. Bên cạnh đó, hai địa phương cần tập trung phối hợp chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị; đào tạo tăng năng suất lao động; nâng hiệu quả kết nối phát triển kinh tế lên tầm cao mới…

Ngoài ra, cần đẩy mạnh hơn nữa việc kết nối phát triển du lịch giữa Hà Nội và Quảng Ninh. Điều này sẽ hỗ trợ 2 bên cùng phát huy lợi thế của mình để phát triển du lịch. Hai địa phương có thể sử dụng tài nguyên du lịch của nhau để cùng xây dựng sản phẩm du lịch và xúc tiến du lịch.

Trước hết, cùng tạo nên những sản phẩm du lịch bổ trợ cho nhau; chia sẻ dữ liệu các điểm đến tham quan du lịch, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn và các loại hình dịch vụ khác trên địa bàn. Cũng như kết nối các thông tin tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch của Hà Nội và Quảng Ninh, cùng nhau tham gia các hoạt động xúc tiến thị trường nội địa và quốc tế…

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hoạt động của các doanh nghiệp du lịch để tạo hình ảnh tốt đẹp về điểm đến… Để mô hình liên kết phát huy hiệu quả thì phải có thêm nhiều động thái tích cực từ nhiều phía.

Quan trọng hơn là sự phối hợp, kết nối đồng bộ giữa doanh nghiệp và địa phương nhằm xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc tế tầm cỡ và liên kết với các địa phương trong vùng hình thành cụm ngành du lịch với các sản phẩm độc đáo, sức cạnh tranh cao; giữ vững sự ổn định và phát triển ngành than gắn với đẩy mạnh dịch chuyển năng lượng; tạo đột phá trong thu hút có chọn lọc nguồn vốn FDI thế hệ mới…;  phát triển công nghiệp, nông nghiệp sinh thái, đa giá trị, góp phần phục vụ trực tiếp cho phát triển du lịch.

Liên kết là hướng đi cần thiết

Trong bối cảnh thời cơ và thách thức đan xen như hiện nay, các giải pháp nêu trên được xem là rất thiết thực, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp tăng cường sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, giới thiệu và quảng bá những mặt hàng tiêu biểu có tiềm năng xuất khẩu của Hà Nội và Quảng Ninh.

Đây là nền tảng kết nối đa bên quan trọng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nắm bắt thị hiếu đa dạng của nhiều thị trường, tiếp cận những giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa trực tiếp vào các mạng lưới phân phối nước ngoài, giúp hàng hóa, sản phẩm xuất khẩu của chúng ta vươn xa trên trường quốc tế, từ đó tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng và cao hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Với vai trò của mình, Hanoisme thường xuyên giao lưu, giới thiệu sản phẩm, chia sẻ thông tin và giải pháp chuyển đổi số trong kinh doanh để đạt hiệu quả tốt nhất. Đặc biệt, Hanoisme cũng thường xuyên đẩy mạnh kết nối các doanh nghiệp giữa các Hiệp hội của Hà Nội và Quảng Ninh, chia sẻ thông tin bạn hàng trong chuỗi giá trị sản phẩm và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại giữa hai tỉnh, thành phố cũng như giao lưu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong quản trị doanh nghiệp.

Có thể nói, việc tăng cường sự liên kết phát triển giao thương giữa hai địa phương là Hà Nội với Quảng Ninh là hướng đi cần thiết hiện nay. Việc liên kết phát triển thương mại, du lịch tạo thêm khả năng cạnh tranh, nhằm kích cầu tiêu dùng, thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch đến mỗi địa phương.

Đây là yếu tố quan trọng để phát triển thương mại trong cơ chế thị trường. Hy vọng các doanh nghiệp từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh và góp phần giúp Hà Nội và Quảng Ninh tăng cường, đẩy mạnh kết nối giao thương, xúc tiến thương mại.

Nguồn: Báo Kinh tế & Đô thị

10:49:56 26-08-2023

Hanoisme đưa ra một thông điệp: Giải pháp tăng cường, đẩy mạnh kết nối, giao thương giữa Hà Nội với Quảng Ninh sẽ hỗ trợ doanh nghiệp 2 địa phương phát triển trên mọi lĩnh vực. TS Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch Tổng Thư ký Hanoisme (ngoài cùng bên phải) chia sẻ tại […]

Đối tác của chúng tôi