Sự kiện - chuyên đề:

Doanh nhân Lê Hoàng Dung “ hành trình khởi ngiệp và những được mất”

VHDN: “Thời điểm này, khi Tạp chí Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam đề nghị phỏng vấn tôi thì cũng thật là trùng hợp, tròn 10 năm kể từ dấu mốc thành công đầu tiên của tôi, 2007 – 2017. Đó là một hành trình 10 năm nhiều trải nghiệm, đủ mọi cung bậc cảm xúc, đắng cay, hạnh phúc. Đời người luôn có quy luật 10 năm. Và tôi biết rằng hành trình 10 năm tiếp theo của tôi sẽ là một hành trình đầy mới mẻ và vô cùng rực rỡ. Lần thành công này, tôi không còn cảm thấy cô đơn hay mông lung nữa. Tôi luôn thấy cuộc sống của mình trọn vẹn và viên mãn, ở mọi mối quan hệ và mọi khía cạnh của đời sống”.

Đó là những chia sẻ hết sức chân thành của nữ doanh nhân Lê Hoàng Dung – Giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn quốc tế HALO.

Lần thứ 3 được gặp lại chị trong một buổi chiều đông nắng ấm, lắng nghe những tâm sự về nghề và hành trình khởi nghiệp không ít gian nan mà cũng vô cùng đáng tự hào với một người phụ nữ làm kinh doanh và cũng thật trùng hợp khi đúng thời điểm 10 năm của chị, phóng viên Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam đã có buổi trò chuyện thú vị cùng chị về hành trình khởi nghiệp và những được mất.

Khởi nghiệp là một hành trình

Đã bao giờ chị hỏi vì sao mình làm công việc này mà không phải là công việc khác chưa? Chị có thấy công việc đang làm là phù hợp với chị không?

Doanh nhân Lê Hoàng Dung: Có ai đó đã đúng khi nói rằng: “Công việc đôi khi là cái duyên” hay “Nghề chọn người chứ không phải người chọn nghề”, rằng công việc này mặc định phải là bạn làm chứ không thể ai khác. Ngay từ khi còn là một học sinh, hình ảnh những doanh nhân – giám đốc mà tôi thường bắt gặp trên tivi đã khiến tôi thực sự bị thu hút và nể phục. Dù vậy, tôi chưa từng dám nghĩ sau này lớn lên mình sẽ có thể trở thành một chủ doanh nghiệp. Với tôi, điều ấy vô cùng xa vời vì gia đình tôi chỉ là một gia đình bình thường. Tôi luôn nghĩ khái niệm doanh nhân là chỉ một người rất to tát và giỏi giang. Và không chỉ tài năng, mà hẳn phải có rất nhiều tiền cũng như có gia đình giúp đỡ mới có thể làm được.

Khi mới tốt nghiệp ra trường, tôi cũng như bao bạn trẻ khác, chỉ dám mong tìm được một công việc với mức lương đủ sống mà không phải phụ thuộc vào gia đình. Công việc đầu tiên tôi bén duyên là một giáo viên dạy tiếng Trung cho một trung tâm xuất khẩu lao động. Tuy nhiên càng làm, tôi càng cảm thấy công việc ấy thật nhàm chán, chỉ là lặp đi lặp lại một việc hàng ngày. Tôi bỗng ra nảy ra ước mơ sẽ mở được doanh nghiệp riêng của mình sau 2 năm đi làm thuê, để có thể thỏa sức sáng tạo.

Chính bản thân tôi cũng không dám nghĩ là đúng 2 năm sau (tức năm 2006), trong khi hầu hết bạn bè tôi có người vừa mới ra trường, người vẫn ngồi trên giảng đường đại học, thì tôi đã bắt đầu những bước đi khởi nghiệp đầu tiên với khoảng 10 nhân viên và 1 văn phòng riêng tại đường Nguyễn Khánh Toàn, Cầu giấy, Hà Nội.

Tôi hay nói đùa rằng: Có lẽ với tôi đó là một sứ mệnh, hoặc là số phận đưa đẩy tôi đi như vậy. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại tôi thấy mình hoàn toàn đúng khi lựa chọn khởi nghiệp và trở thành một nữ doanh nhân. Tôi thấy mình luôn được “SỐNG’’ thực sự, được làm chủ số phận của mình và tôi luôn được sống tự do, sống là chính mình mà không phải phụ thuộc hay bị chi phối bởi bất cứ ai. Trên hết, tôi đang thấy mình rất thành công và hạnh phúc, dù rằng những thất bại tôi từng nếm trải cũng không phải là ít. Nhưng với tôi, thất bại chính là gia vị và trải nghiệm cần thiết để mỗi người hiểu được thế nào là thành công và biết quý trọng, gìn giữ sự thành công ấy cẩn thận hơn.

Theo chị, có sự khác nhau trong cách khởi nghiệp và mức độ thành công của nam giới và phụ nữ không?

Doanh nhân Lê Hoàng Dung: Theo tôi dù là đàn ông hay phụ nữ thì cách thức khởi nghiệp cũng không có quá nhiều khác biệt. Tất cả đều cần phải trải qua những khó khăn và thử thách trên thương trường như nhau. Không phải vì là phụ nữ mà khi khởi nghiệp sẽ được ưu ái nhiều hơn. Cũng không phải vì là đàn ông mà khởi nghiệp sẽ dễ dàng thành công hơn.

Tuy nhiên, để nói về những thử thách trên con đường khởi nghiệp thì có lẽ với phụ nữ sẽ đòi hỏi nhiều bản lĩnh và sự hy sinh hơn. Vì bản tính phụ nữ vốn dĩ là yếu mềm hơn đàn ông. Phụ nữ sống cảm tính hơn nam giới. Phụ nữ luôn khó tiết chế cảm xúc và điều hòa chúng. Vậy nên khi cùng đối mặt với những khó khăn, phụ nữ sẽ phải cố gắng gấp nhiều lần. Chưa kể việc nếu người phụ nữ quá mạnh mẽ và dành quá nhiều thời gian cho công việc cũng sẽ ảnh hưởng đến gia đình hay mối quan hệ tình cảm. Một người đàn ông khi toàn tâm toàn ý cho công việc, có thể trở về nhà rất muộn, nhưng xã hội và người phụ nữ của họ luôn cảm thông và thấu hiểu cho họ điều ấy. Còn một người phụ nữ nếu muốn thành công được như đàn ông, cũng cần phải toàn tâm toàn ý cho công việc, thậm chí là đặt trách nhiệm với công việc lên mối ưu tiên số 1, tuy nhiên không phải người phụ nữ nào cũng làm được điều đó, hoặc dám làm điều đó. Tôi biết nhiều phu nữ rất tài giỏi sau khi lập gia đình đều phải bỏ dở đam mê và sống toàn tâm với vai trò của một người vợ, người mẹ.

Còn về mức độ thành công, tôi nghĩ phụ nữ hay đàn ông cũng đều có khả năng thành công ngang nhau, ai đủ kiên tâm và bản lĩnh trên con đường khởi nghiệp, người đó nhất định sẽ đạt được thành quả xứng đáng.

Chị có lời khuyên gì với các bạn trẻ khởi nghiệp? Đâu là khó khăn lớn nhất khiến khởi nghiệp thất bại?

Doanh nhân Lê Hoàng Dung: Tôi không dám nói là khuyên các bạn trẻ, tôi chỉ dám chia sẻ qua những trải nghiệm khởi nghiệp của chính bản thân tôi. Với tôi, các bạn trẻ bây giờ rất giỏi, giỏi hơn thời của chúng tôi rất nhiều. Các bạn rất bản lĩnh, máu lửa, dám nghĩ dám làm. Thế hệ 8x của chúng tôi phần nhiều vẫn thụ động và bó buộc mình, không dám bứt phá. Còn các bạn trẻ 9x bây giờ, đôi khi chỉ cần 1 ý tưởng là các bạn sẵn sàng hành động ngay.

Tuy nhiên, tuổi trẻ có ưu điểm là luôn tự tin và dám hành động liều lĩnh, bất chấp khó khăn, thì cũng có nhược điểm là dễ chủ quan và nóng vội. Nhất là khi đạt được thành công quá sớm, với tuổi trẻ đôi khi lại là một cái bẫy chết người. Với nhiều bạn trẻ, thậm chí nếu thất bại ngay ở lần khởi nghiệp đầu tiên cũng dễ khiến các bạn nản chí và có thái độ tiêu cực với cuộc sống, khó đứng lên và làm lại, vì toàn bộ nhiệt huyệt đã dành hết cho lần khởi nghiệp đầu tiên.

Tôi thì không muốn nói dài dòng về lý thuyết, vì nói về khởi nghiệp và lời khuyên khởi nghiệp thì đã rất nhiều người nói rồi. Những câu đại loại như “thất bại là mẹ thành công’’ giờ không còn quá nhiều tác dụng với các bạn trẻ. Đôi khi nó là sáo rỗng và lý thuyết. Ai cũng hiểu như vậy, nhưng không phải ai cũng biết cách áp dụng để biến những thất bại làm bàn đạp cho thành công tiếp theo lớn lao hơn.

Nếu có thời gian và cơ hội, tôi chỉ muốn chia sẻ chính những trải nghiệm thành công – thất bại rồi lại thành công của chính bản thân mình. Bài học tôi tự đúc rút ra cho chính mình, và cũng muốn chia sẻ lại với các bạn trẻ khởi nghiệp là: Đừng bao giờ bỏ cuộc và luôn giữ hy vọng. Bạn có thể thất bại đến lần thứ 3, thứ 4 và thất bại đến nỗi nợ nần chồng chất, đến nỗi không còn ai tin tưởng bạn, hay không ai muốn giúp đỡ bạn, thì bạn cũng đừng vội nghĩ vậy là đã tới đường cùng. Nếu thấy quá mệt mỏi và không thể cố gắng được nữa, bạn có thể nghỉ ngơi và tìm lại sự yên tĩnh trong tâm hồn. Tôi nghĩ sự yên tĩnh và cân bằng trong chính nội tại lúc này rất quan trọng. Khi đã nhìn sâu hơn vào thế giới nội tâm của chính mình, bạn sẽ không còn bị những nhân tố hay khó khăn bên ngoài ảnh hưởng nữa. Bạn biết kìm mình lại và chờ đợi thời cơ. Tôi luôn tin thời cơ sẽ đến vào lúc nào đó, chỉ cần chúng ta không vội từ bỏ.

Trong cuộc sống mỗi con người bao giờ cũng có những giai đoạn thuận lợi – khó khăn. Chúng nhất thiết phải diễn ra, và giống như một quy luật vậy, như kiểu có âm thì phải có dương, có ban ngày phải có ban đêm, và lẽ dĩ nhiên có thành công sẽ phải có thất bại. Nếu muốn thành công càng lớn lao thì càng cần trải nghiệm thất bại, vì qua thất bại, những bài học rút ra được sẽ là rất quý giá. Điều đặc biệt là chúng không chỉ quý giá cho công việc, mà còn cho chính tâm hồn và trí tuệ của bạn. Tin tôi đi, qua  mỗi một lần thất bại là bạn sẽ trưởng thành lên và sâu sắc hơn rất nhiều lần đấy. Còn thành công sớm đôi khi chỉ giống như một viên kẹo ngọt mà đứa trẻ ngày nào cũng được nhận, ăn mãi cũng thấy chán và sẽ luôn không ngừng đòi hỏi những thứ khác.

Do vậy, cũng có thể hiểu khó khăn lớn nhất khiến khởi nghiệp thất bại chính là dễ dàng bỏ cuộc sau thất bại. Chúng ta chỉ có hai lựa chọn, một là đừng bao giờ khởi nghiệp, hai là nếu là đã chọn con đường khởi nghiệp – con đường trở thành một doanh nhân đích thực, thì hãy đủ kiên tâm để đi đến cùng. Cho dù trên đường đi có thể bạn dẫm phải rất nhiều gai, vấp ngã rất nhiều lần, hãy cho phép nghỉ ngơi một chút, rồi lại cố gắng tiếp tục hành trình. Rồi khi ngoảnh lại, bạn sẽ thấy hành trình mình vừa đi qua thú vị vô cùng. Sẽ không có gì trong cuộc sống này có thể thú vị hơn thế.

Hành trình khởi nghiệp của chị cũng trải qua nhiều thăng trầm, chị có những chia sẻ gì từ đó?

Doanh nhân Lê Hoàng Dung: Như tôi đã vừa chia sẻ ở trên, toàn bộ là đúc rút ra từ chính những thăng trầm trong quá trình khởi nghiệp của bản thân tôi. Và đó là những gì tôi muốn nói với các bạn trẻ đang ấp ủ giấc mơ khởi nghiệp.

Nói về hành trình của mình, tôi là một người trẻ thành công khá sớm. Năm 2006, tức khi tôi vừa tròn 24 tuổi, tôi chính thức khởi nghiệp với một công ty nhỏ và  10 nhân viên. Chỉ 1 năm sau, số lượng nhân viên của công ty tôi đã tăng lên con số 30. Và đến cuối năm 2007, tôi đã đạt được thành công không nhỏ về mặt tài chính. Thời điểm đó (cách đây đúng 10 năm) tôi đã kiếm được tiền tỷ, có thể tự mua nhà, mua xe cho bản thân.

Khi ấy mọi người đều nể phục tôi, từ gia đình, bạn bè và những người gặp tôi. Tôi luôn nhận được những lời khen nịnh. Tuy nhiên có một điều lạ là tôi lại không hề cảm thấy hạnh phúc. Tôi luôn thấy mình cô đơn, cực kỳ cô đơn. Giống như cái cảm giác một mình đứng trên đỉnh vinh quang mà không có ai chia sẻ cùng vậy. Mặc dù khi ấy tôi có người yêu, anh ấy luôn bên cạnh tôi, nhưng chúng tôi giống như 2 đường thẳng. Tôi càng thành công, anh ấy càng xa cách tôi.

Lúc ấy tôi không thể lý giải được. Tôi cũng không biết mình thực sự muốn gì và phải tiếp tục làm gì. Công ty tôi khi đó cũng đã khá ổn đinh, tôi có những nhân viên tốt. Tôi có thể nhiều ngày không cần phải đến công ty mà mọi việc vẫn suôn sẻ.

Năm 2008 là năm khủng hoảng kinh tế, nên lúc đó tiền gửi ngân hàng rất có giá, lãi suất lên tới 2%/ tháng. Với số tiền mình kiếm được, chỉ cần tôi gửi ngân hàng lấy lãi thôi, tôi cũng sẽ không cần phải làm việc nữa. Nhưng chẳng lẽ như vậy thì tôi sẽ dừng lại tất cả ở cái tuổi 26?

Tôi bỗng thấy mình nhàn rỗi và cuộc sống với tôi dần trở nên vô vị, bế tắc. Nhiều ngày liền tôi nằm dài trong phòng chỉ để xem tivi, đọc sách, xem hết những bộ phim mà tôi yêu thích. Nhưng rồi tôi lại càng thấy chúng tẻ nhạt. Khi ấy không có nhiều người tôi có thể nói chuyện cùng. Một phần vì họ cảm thấy tôi ở một thế giới khác họ, phần vì họ tự ti trước tôi. Mỗi ngày tôi đều đi ăn một mình, dù tôi có dư tiền chăng nữa thì việc ấy với tôi cũng thật vô nghĩa. Tôi thậm chí đã nghĩ đến việc đi tu và từ bỏ tất cả. Tôi còn hả hê nghĩ rằng, nếu tôi có chẳng may mắc phải 1 căn bệnh nan y nào đó thì sẽ thật tuyệt. Chẳng hạn nếu tôi chỉ còn 1 tháng để sống, tôi sẽ cố sống những ngày cuối cùng thật ý nghĩa chứ không phải 1 cuộc sống buồn tẻ như thế.

Vì không biết mình muốn gì, cần gì, nên tôi đã lãng phí thời gian sau đó để đi tìm kiếm những thứ mới mẻ hơn, như một kiểu lấp trống thời gian. Tôi muốn mình trở nên bận rộn và phải làm những thứ lớn lao hơn, chứ không phải chỉ là 1 công ty nhỏ bé như vậy. Tôi đã không biết quý trọng những thứ quý giá mà mình đã có ở thời điểm ấy.

Sự cô đơn và không hiểu rõ bản thân đã khiến tôi mụ mị, tôi tưởng rằng mình là kẻ tham vọng và tài giỏi đến cỡ muốn làm gì cũng được. Tôi bắt đầu chán nản công ty mà tôi đang có. Tôi không đến công ty, không quan tâm đến nhân viên. Một thời gian dài như vậy, các nhân viên của tôi cũng bắt đầu chán nản và bỏ đi.

Tôi bắt đầu tìm hiểu những mô hình kinh doanh mới và đổ tiền vào đó một cách vô tội vạ. Đầu tiên là tôi kinh doanh mỹ phẩm, một mảng mà tôi chẳng có chút kiến thức nào. Mất rất nhiều thời gian và tiền bạc vô ích, tôi mới nhận ra mình không hợp với ngành kinh doanh hàng hóa phải thu từng đồng lẻ và suốt ngày bận rộn với những thứ vụn vặt.

Sau đó tôi nhận được lời mời tham dự khóa học CEO – giám đốc điều hành chuyên nghiệp. Tôi đã đăng ký ngay lập tức vì thời điểm đó tôi đang khá nhàn rỗi và cũng muốn được học thêm về kỹ năng lãnh đạo, cũng như muốn tìm kiếm những mối quan hệ mới mà tôi nghĩ mình có thể sẽ gặp được ở lớp CEO.

Không ngờ chính bắt đầu từ khóa học ấy đã tiêu hết sạch tiền của tôi và khiến tôi rơi vào nợ nần. Trong quá trình đi học, được sự rủ rê của một em nhân viên của công ty tổ chức khóa học ấy, tôi đã ngay lập tức dùng toàn bộ số tiền còn lại để thành lập một công ty đào tạo tương tự. Tôi thấy hứng thú khi nghĩ đến việc mình có thể phát triển công ty thành một học viện hay một trường đào tạo danh tiếng, có thể đào tạo cho hàng ngàn các giám đốc, nhân viên của các công ty. Và mỗi ngày tôi đều được gặp gỡ những người sang trọng, đẳng cấp, giỏi giang như các giảng viên, các giám đốc doanh nghiệp.

Từ việc không hề nghiên cứu và tìm hiểu thị trường, tôi bắt chước mô hình của các doanh nghiệp đào tạo đi trước, thuê rất nhiều nhân viên và đầu tư cơ sở vật chất. Mỗi tháng chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng mà không hề có doanh thu. Việc tuyển được học viên không dễ như tôi tưởng. Một tháng cùng lắm 20 nhân viên đào tạo chỉ tuyển được 20 học viên với mức doanh thu 20 triệu đồng.

Chính thức khởi nghiệp từ năm 2006, đến nay chị Lê Hoàng Dung đã trở thành 1 nữ doanh nhân thành đạt, giám đốc và người sáng lập của Công ty cổ phần tập đoàn quốc tế HALO, một công ty hoạt động chính trong lĩnh vực tư vấn du học và với tầm nhìn trở thành một tổ chức chuyên về giáo dục hàng đầu của Việt Nam trong tương lai không xa.

Hiện tại công ty HALO có mối quan hệ hợp tác với hầu hết các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp có uy tín và thương hiệu trên thế giới. Đội ngũ nhân viên trẻ, năng động với bề dày kinh nghiệm, nhiệt huyết, có kiến thức về đào tạo và tuyển sinh du học, cùng những kinh nghiệm quý báu về hỗ trợ và quản lý du học sinh trong nhiều năm qua. Hơn ai hết, HALO hiểu rằng đầu tư cho con người chính là đầu tư cho một tương lai phát triển bền vững. Và gốc rễ của mọi sự phát triển chính là giáo dục đào tạo, vì vậy HALO luôn chú trọng vào yếu tố tri thức là hàng đầu. Khác biệt của HALO chính là khác biệt về đào tạo con người.

Dù thua lỗ liên tiếp, nhưng giống như con thiêu thân, tôi không biết cách dừng lại, hoặc không chịu dừng lại. Tôi nghĩ cần phải tiếp tục liều lĩnh. Thiếu tiền thì tôi đi vay ngân hàng.

Thất bại đầu tiên đến với tôi cũng chóng vánh như lần thành công đầu tiên vậy. Đến giữa năm 2009, tôi đã hoàn toàn trắng tay và rơi vào nợ nần. Tôi suy sụp và mất niềm tin hoàn toàn. Mọi người đều cười cợt tôi, nghĩ tôi là “ngựa non háu đá”, hoặc là trèo cao thì ngã đau.

Đương nhiên quá trình tôi đã vượt qua thất bại đó và rồi lại đứng lên làm lại vào năm 2010 cũng với 1 công ty hoành tráng, rồi lại thất bại, trắng tay vào cuối năm 2011 như thế nào là cả một câu chuyện dài kỳ và đủ để viết thành một cuốn sách.

Thời điểm này, khi Tạp chí Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam đề nghị phỏng vấn tôi thì cũng thật là trùng hợp, tròn 10 năm kể từ dấu mốc thành công đầu tiên của tôi, 2007 – 2017. Đó là 1 hành trình 10 năm nhiều trải nghiệm, đủ mọi cung bậc cảm xúc, đắng cay, hạnh phúc. Đời người luôn có quy luật 10 năm. Và tôi biết rằng hành trình 10 năm tiếp theo của tôi sẽ là một hành trình đầy mới mẻ và vô cùng rực rỡ. Lần thành công này, tôi không còn cảm thấy cô đơn hay mông lung nữa. Tôi luôn thấy cuộc sống của mình trọn vẹn và viên mãn, ở mọi mối quan hệ và mọi khía cạnh của đời sống.

Vậy nên, nếu tôi bỏ cuộc ở lần thất bại đầu tiên là vào năm 2009, hay lần thất bại tiếp theo là năm 2011, hay lần thất bại tiếp theo nữa là năm 2014 (sau khi tôi sinh con gái được 1 năm), tôi sẽ không bao giờ có được ngày hôm nay, và cả những ngày sau huy hoàng hơn nữa.

Theo chị, khi nào khởi nghiệp là phù hợp? Chị có thể chia sẻ một số những tố chất khác biệt để trở thành doanh nhân thành đạt?

Doanh nhân Lê Hoàng Dung: Không có độ tuổi phù hợp cho khởi nghiệp, nhưng nếu có thể tôi mong mọi người chọn khởi nghiệp sớm, để có nhiều hơn những trải nghiệm. Hơn nữa, như tôi nói thành công – thất bại là điều tất lẽ trong cuộc đời mỗi con người, vậy nên nếu có thể hãy trải nghiệm cảm giác thất bại khi còn sức trẻ, khi còn đủ bản lĩnh và thời gian để đối mặt, chiến đấu và vượt qua chúng một cách ngoạn mục. Tuy nhiên, nhiều người thích lựa chọn khởi nghiệp ở tuổi trung niên cũng không sao, trưởng thành rồi người ta sẽ chín chắn hơn và ít mắc sai lầm hơn tuổi trẻ.

Còn về khái niệm doanh nhân thành đạt thì có vẻ hơn to tát, xa lạ với nhiều người. Có thể nói đơn giản, doanh nhân là một người làm kinh doanh cho dễ hiểu. Với tôi, người làm kinh doanh thì khác biệt lớn nhất là bản lĩnh dám làm dám chịu. Để có bản lĩnh này đòi hỏi một nội lực lớn. Bạn không thể khi thành công thì ngạo nghễ, khi thất bại lại trốn tránh, chui mình vào vỏ ốc, hoặc kêu than thống thiết. Một doanh nhân khi sung sướng có thể nhiều người biết, có thể sẻ chia niềm vui với mọi người, nhưng khi khổ đau chỉ mình họ biết, những giọt nước mắt nuốt vào bên trong. Và doanh nhân phải là người có sức mạnh nội tại lớn để chịu đựng sự cô đơn, vượt qua những khó khăn để luôn hành động độc lập và vững vàng trong mọi hoàn cảnh. Nữ doanh nhân lại luôn cần sự gan lì và bản lĩnh lớn lao hơn cả đàn ông.

Quan niệm của chị về hạnh phúc tại thời điểm hiện tại khi mà chị đang rất thành công? Chị có thấy mình hạnh phúc và với sự bận rộn của một nữ doanh nhân thành đạt, chị làm thế nào để cân bằng được giữa công việc và gia đình?

Doanh nhân Lê Hoàng Dung: Đối với tôi khái niệm thành công thực ra là đã bao gồm cả hạnh phúc. Trước đây tôi từng thành công (về mặt công việc, tiền bạc) khi khởi nghiệp lần đầu, sở dĩ tôi không cảm thấy vui và không nghĩ mình là người thành đạt vì khi ấy tôi không cảm thấy hạnh phúc. Sau này tôi mới nhận ra, dù ai đó có kiếm được nhiều tiền đến thế nào và doanh nghiệp của họ có thành công đến bao nhiêu, mà bản thân họ không tìm được sự bình yên và hạnh phúc trong tâm hồn thì đó cũng không phải là thành công đích thực. Đó chỉ là thành công tạm bợ. Và nó sẽ nhanh chóng rời bỏ bạn đi.

Vậy nên tôi mới nói trải nghiệm thất bại lại giúp người ta nhận ra chính mình, tìm lại sự tĩnh lặng cho tâm hồn và trở nên sâu sắc hơn.

Tôi từng có quãng thời gian thất bại không làm gì, chỉ hàng ngày lui tới các quán café nhạc Trịnh và gặp gỡ, trò chuyện với những người bạn giản dị ở đó. Tôi đã thấy rất vui và ấm ấp. Chính thời gian ấy khiến tôi nhận ra đồng tiền không có quá nhiều giá trị như người ta tưởng, kể cả khi có rất ít tiền bạn vẫn có thể sống tốt và sống đàng hoàng. Quãng thời gian ấy giúp tôi nhìn sâu vào bên trong mình, sống với chính mình và trò chuyện với nội tâm mình nhiều hơn. Tôi dần tìm được sự cân bằng, thái độ sống tích cực, cái nhìn an nhiên với cuộc sống. Tôi có thêm nhiều bạn bè tốt, những người bạn mà dù bận rộn đến mấy, tôi cũng luôn ưu tiên thời gian cho họ. Đến bây giờ, những người bạn Trịnh vẫn được coi là những người bạn thân thiết và quan trọng với tôi. Khi mệt mỏi, chỉ cần ngồi bên họ và nghe những giai điệu Trịnh, mọi thứ sẽ đều tan biến.

Qua những ngày tháng thất bại đó, tôi cũng biết trân trọng hơn người bạn đời đã đồng hành cùng tôi suốt hơn 10 năm qua. Tuy không thể tránh khỏi những lúc mâu thuẫn, nhưng đều chỉ là những mâu thuẫn nhỏ, và chúng tôi đều nhanh chóng vượt qua. Chúng tôi cùng nhau quản lý công ty và trò chuyện hàng ngày về công việc. Nếu trước đây khi thấy tôi thành công quá sớm, anh đã xa lánh tôi vì mặc cảm, thì giờ đây anh luôn ủng hộ, lắng nghe và sẻ chia với những tâm tư của tôi. Anh cũng đã dần trưởng thành để song hành cùng tôi trong quá trình điều hành doanh nghiệp.

Có thể nói tôi đang có một gia đình lớn và 1 gia đình nhỏ hạnh phúc với 1 bé gái xinh xắn, ngoan ngoãn. Và tôi có kế hoạch sẽ sinh thêm 1 bé trai trong năm 2018.

Hiện tại Công ty tôi đang trên đà phát triển ổn định, nên tôi cũng không quá bận rộn đến nỗi không có thời gian dành cho gia đình. Tôi luôn dành trọn vẹn 2 ngày cuối tuần ở bên con gái. Tôi nghĩ mình có khả năng quản lý và sắp xếp thời gian tốt. Tôi có thể làm được nhiều việc cùng 1 lúc và giải quyết công việc nhanh gọn. Bởi vậy, tôi thậm chí luôn có thời gian dành riêng cho bản thân mình dù con còn nhỏ. Tôi vẫn thường xuyên lui tới các quán nhạc Trịnh gặp gỡ bạn bè, làm những việc tôi yêu thích và đi du lịch thường xuyên. Tôi đang rất hài lòng với cuộc sống hiện tại. Và tôi nghĩ như vậy là thành công.

Cám ơn chị về cuộc trao đổi !

Thùy Dương

Chia sẻ
15:32:35 25-01-2018

VHDN: “Thời điểm này, khi Tạp chí Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam đề nghị phỏng vấn tôi thì cũng thật là trùng hợp, tròn 10 năm kể từ dấu mốc thành công đầu tiên của tôi, 2007 – 2017. Đó là một hành trình 10 năm nhiều trải nghiệm, đủ mọi cung bậc cảm […]

Chia sẻ

Đối tác của chúng tôi