Sự kiện - chuyên đề:

Doanh nhân Nguyễn Đức Lạc-Chủ tịch CLB Doanh nhân CCB Vũng Tàu: Nước lã mà vã nên hồ

VHDN: Nhà báo Phạm Quốc Toàn ở thành phố Vũng Tàu là “nhịp cầu” để tôi quen biết Doanh nhân CCB Nguyễn Đức Lạc khi ông kể về một người đồng hương vào lập nghiệp ở thành phố biển phương Nam. Không chỉ vậy, cây đại thụ làng báo, người từng là Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, còn cùng tôi đến thăm gia đình CCB Nguyễn Đức Lạc…

Doanh nhân Nguyễn Đức Lạc.

Bề ngoài, Doanh nhân CCB Nguyễn Đức Lạc phong độ hơn mường tượng của tôi về tuổi 70. Đang dở dang công trình nhà từ đường nên ông Lạc say sưa câu chuyện thờ cúng gia tiên, chia sẻ những điều tâm huyết của mình về gia đạo, gia phong; mong muốn cháu con kế tục sự nghiệp của ông bà, cha mẹ, làm rạng danh dòng họ cụ cố Nguyễn Nhược ở làng Thuận Hòa, xã Đức Vinh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Ông Lạc kể: Đang học Đại học Sư phạm Ngoại ngữ thì tôi theo lệnh tổng động viên nhập ngũ, vào bộ đội Biên phòng. Sau giải phóng miền Nam, tôi được điều vào Biên phòng Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo, một thời gian sau, đưa luôn vợ và con gái cùng vào đây để hợp lý hóa gia đình.

Ông Lạc trầm bổng kể chuyện đời mình bằng chất giọng miền Trung. Xâu chuỗi những thông tin qua lời kể của ông và của nhà báo đồng hương Đức Thọ, tôi có được những nét chấm phá ban đầu để phác thảo chân dung vị Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân CCB tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu…

Sau 14 năm quân ngũ, với vốn tiếng Anh từ thời học sư phạm, ông Lạc chuyển ngành, về làm phiên dịch ở Công ty Xuất nhập khẩu Hải sản Vũng Tàu. Thời gian tiếp xúc, giao dịch với các doanh nhân lọc lõi nước ngoài, ông học được nhiều điều; trong đó có cả bí truyền về cách bảo quản, đóng gói, giữ cho hải sản tươi lâu của người Nhật, khiến vị thương gia đến từ xứ sở mặt trời mọc bàng hoàng, đành ra giá “biếu” ông nghìn đô để đổi lấy sự bí mật công nghệ. Bí mật mà họ thỏa thuận là không phổ biến, chứ không thể “cấm” ông làm theo. Vậy là từ nghìn đô ấy, cộng với khoản vay ngân hàng 20 triệu đồng, ông Nguyễn Đức Lạc khởi nghiệp kinh doanh hải sản nội địa. Ông ra Cà Ná buôn tôm hùm về thành phố, mua tôm sú trứng mang ra bán cho người sản xuất tôm giống ở Nha Trang. Một vốn không chỉ bốn lời mà có khi tới chín, mười lời; lãi gộp tăng theo cấp số nhân. Khi tổ chức xuất khẩu hải sản tươi sống sang Hồng Kông, Đài Loan, ông Lạc có những “thương vụ” nhớ đời. Chẳng hạn, biết con ốc lông có giá trị dinh dưỡng rất cao, nhưng bà con vùng Bình Thuận, Khánh Hòa chỉ mua về làm thức ăn cho gia súc, gia cầm với giá chỉ vài trăm đồng 1 kg, ông Lạc liền tổ chức thu mua với giá 2 nghìn đồng/kg. Được giá cao gấp cả chục lần, bà con tập trung khai thác, ông gom mỗi lần được hàng chục tấn, đủ để xuất khẩu sang Đài Loan với tên gọi mới là ốc đặc sản tuyết nhung. Bạn mua với giá cao ngất ngưởng, tới 4-5 USD/kg! Khi thu nhập của người khai thác ốc lông tăng 10 lần thì mức lãi từ xuất khẩu ốc tuyết nhung của ông Lạc tăng 20 lần – đó là một mức lãi rất đáng nể!

Lặng lẽ kinh doanh, lặng lẽ phát triển; từ kinh doanh, xuất khẩu hải sản, vợ chồng ông Lạc mua được đất mở cửa hàng, thành lập Công ty Hải Phương với hệ thống nhà hàng có diện tích lên tới 13.000 m2, cùng lúc có thể phục vụ 5 – 6 đám cưới, hội nghị với khoảng trên dưới 3 nghìn thực khách. Ngoài nơi chính, Công ty còn có thêm cơ sở 2 bên Long Hải…

Doanh nhân Nguyễn Đức Lạc trao quà cho CCB có hoàn cảnh khó khăn.

Gần bốn chục năm bươn chải, va đập, học tập từ thương trường, Doanh nhân Nguyễn Đức Lạc đã tích lũy được không chỉ vốn liếng mà quan trọng hơn là bản lĩnh, trí tuệ và văn hóa kinh doanh. Đó là biết chia sẻ lợi ích với ngư dân, nông dân; là quan tâm lợi ích của đối tác, khách hàng và người lao động của mình. Vững niềm tin vào Đảng, CCB Nguyễn Đức Lạc định hướng cho các con phấn đấu, rèn luyện để trở thành đảng viên; phát huy vai trò lãnh đạo của tổ chức sơ sở Đảng và phẩm chất người đảng viên làm động lực phát triển doanh nghiệp; người đảng viên gương mẫu không chỉ là hạt nhân cho xã hội và doanh nghiệp mà còn là người có đạo lý, thủy chung, hiếu nghĩa gia đình. Điều ấy lý giải vì sao Hải Phương là doanh nghiệp sớm thành lập tổ chức cơ sở Đảng và sớm có tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên; quan tâm công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, năng lực và trình độ kinh doanh, văn hóa ứng xử cho cán bộ, người lao động.

Bồi đắp nội lực cho doanh nghiệp, Doanh nhân CCB Nguyễn Đức Lạc – vị thuyền trưởng con tàu Hải Phương – đã định hướng phát triển kinh doanh gắn với các hoạt động vì đồng đội, vì cộng đồng. Đó là việc thành lập và duy trì hoạt động CLB doanh nghiệp CCB với gần 70 hội viên; hỗ trợ xây dựng 4 CLB CCB giúp nhau phát triển kinh tế; phụng dưỡng 6 bà mẹ VNAH ở Vũng Tàu, Tây Ninh; hỗ trợ làm hàng chục căn nhà cho thân nhân liệt sĩ, gia đình CCB, ủng hộ các quỹ nhân đạo, từ thiện. Từ tháng 1- 2019, Công ty Hải Phương mua Báo CCB Việt Nam tặng 82 cơ sở hội xã, phường, thị trấn và các huyện, thị, thành hội trong tỉnh… Là người con xa quê nặng lòng với nơi “chôn rau cắt rốn”, gia đình ông Lạc bỏ tiền của làm 1 km đường liên xã, công đức 1 tỷ đồng tôn tạo đình làng thôn Thuận Hòa, xã Đức Vĩnh. Trong buổi chiều tôi đến thăm gia đình, ông Lạc còn kể chuyện Hội đồng hương Đức Thọ ở Vũng Tàu cùng CLB CCB đang đóng gói 11 tấn gạo để sớm chuyển ra Hà Tĩnh giúp đồng bào bị ngập lụt ở quê nhà…

Nhớ lại ngày đầu vào Vũng Tàu, vợ chồng ông thiếu thốn trăm bề, có quả mướp nhỏ cũng phải cắt đôi chia đều cho hai bữa. Bà Lý – vợ ông cùng chồng sáng cuốc đất trồng rau, chiều ra biển nhặt nhạnh con tôm con tép. Từ tay trắng khởi nghiệp thành công, giờ các con của ông bà: Chị cả Nguyễn Thúy Anh, trưởng nam Nguyễn Hải Nam và hai trai song sinh Thanh Bình – Thái Bình, đã “đủ lông đủ cánh” gánh vác công việc kinh doanh thay cha mẹ. Năm nay tròn tuổi “thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du củ” – 70 tuổi người ta đã hoàn hảo về xử sự, xử thế – khi xây dựng nhà từ đường, ông Lạc kỳ công vào Nam ra Bắc lựa gỗ, chọn thợ, sắm bộ ngũ sự và các đồ thờ cúng ưng ý nhất, để gửi gắm vào đó cả tấm lòng tri ân tiên tổ.

Trước thành tâm ấy của ông bà, tôi đã viết tặng gia đình Doanh nhân CCB Nguyễn Đức Lạc – bạn vong niên tri âm tri kỷ của Nhà báo Phạm Quốc Toàn – đôi câu đối mà mình tâm đắc: Cha Mẹ tạo nền – Tay trắng dựng xây – Bền quả phúc; Cháu con kế nghiệp – Bút hoa tô điểm – Đẹp gia phong!

N.S

 

14:48:52 10-11-2020

VHDN: Nhà báo Phạm Quốc Toàn ở thành phố Vũng Tàu là “nhịp cầu” để tôi quen biết Doanh nhân CCB Nguyễn Đức Lạc khi ông kể về một người đồng hương vào lập nghiệp ở thành phố biển phương Nam. Không chỉ vậy, cây đại thụ làng báo, người từng là Phó Chủ tịch […]

Đối tác của chúng tôi