Sự kiện - chuyên đề:

Đưa đặc sản đến tay người tiêu dùng: Khai thác hiệu quả yếu tố đặc trưng văn hóa, đặc sản vùng miền

VHDN: Để đưa được sản phẩm đặc sản Việt Nam mà phần nhiều trong số đó đến từ các khu vực trọng yếu, vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo tới người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu thì trước hết cần có chính sách khai thác hiệu quả yếu tố đặc trưng văn hoá, dân tộc, đặc sản vùng miền, tinh hoa sản phẩm của mỗi địa phương bởi đây là yếu tố cốt lõi để đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối.

Theo bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ phần mềm AUTOAGRI, để phát triển nông nghiệp Việt Nam và tiềm năng làm giàu thì 3 vùng của chúng ta cần hỗ trợ phát triển nhiều nhất đó là Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ. Hiện, chúng ta đang cho đó là các vùng khó khăn bởi giao thông, hạ tầng để các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản phẩm. Nhưng, vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Tiềm năng đầu tiên chúng tôi nhận thấy đó là những ưu việt về thiên nhiên, ví dụ như là chênh lệch nhiệt độ ngày – đêm, những khoáng chất tự nhiên trong các vùng đất đấy; đặc biệt những vùng đất ấy chưa bị ô nhiễm nhiều và bản thân những con người ở những vùng đất ấy còn giữ nhiều kinh nghiệm truyền thống, những kỹ năng khác biệt về thu hái, chế biến món ăn…

“Chính những điều ấy tạo nên sự khác biệt, với kinh nghiệm của chúng tôi nhận thấy giá trị lớn nhất trong chuỗi giá trị chính là giá trị thương hiệu và cái yếu tố cốt lõi để xây dựng nên giá trị thương hiệu chính là cái tính khác biệt. Yếu tố khác biệt là yếu tố vô cùng quan trọng, là nguồn nguyên liệu, chất liệu để chúng ta tạo nên giá trị cho sản phẩm lớn nhất”, bà Thực nhấn mạnh.Vậy tại sao sản phẩm ở những vùng miền núi, hải đảo vẫn chưa có được những thương hiệu tốt hay đem lại lợi ích cho bà con? Bà Thực cho rằng, bởi vì cơ bản trong giai đoạn hiện nay, chúng ta thấy nếu những doanh nghiệp có kinh nghiệm đầu tư và làm thương hiệu rồi làm thương mại thì hầu hết ở những khu vực kinh tế phát triển. Việc đầu tư đến những vùng sâu, vùng xa thật sự có mức độ rủi ro và chi phí rất cao bởi vì phụ thuộc vào một số yếu tố. Yếu tố lớn nhất là yếu tố con người; ví dụ như chúng tôi ở Hà Nội không hiểu được tiếng của đồng bào dân tộc ở trên Tây Bắc hay là không hiểu được tiếng đồng bào của dân tộc Êđê thì vấn đề nhân sự làm việc đó rất là khó khăn.

Ở góc độ địa phương, ông Phạm Đức Toàn, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Điện Biên cho biết, đối với nông sản, khu vực miền núi có rất nhiều nông sản hàng hóa mà ở các thị trường lớn rất thích. Tại Điện Biên có sản phẩm gạo của Điện Biên hiện nay cũng khá nổi tiếng ở thị trường trong nước; những sản phẩm nông sản như là dưa của đồng bào mà ở địa phương gọi là “dưa mèo” khi đưa về thị trường thì cũng được tiếp nhận rất tích cực; hay các sản phẩm nông sản như bí xanh, lạc, cà phê, chè,…Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp cung ứng đặt vấn đề về tiêu thụ sản phẩm, ký hợp đồng để bao tiêu sản phẩm với khối lượng ổn định hàng tháng lên tới vài chục tấn thì thường không có, không thể đáp được. Bởi đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa thì vẫn sản xuất theo phương thức tự cung tự cấp, khi nhà dùng không hết thì mang ra bán, nên tính ổn định không cao. Hơn nữa, nông sản lại có tính chất mùa vụ, nên khi vào vụ thu hoạch có thể rất nhiều nhưng khi kết thúc vụ thu hoạch thì lại không có sản phẩm để bán nữa. Trong khi đó chuỗi không ngừng ở các thị trường lớn thì đòi hỏi phải có một nguồn hàng đảm bảo về số lượng, đảm bảo về phẩm cấp, về chất lượng. Vậy nên, đến hiện tại, khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa như Điện Biên hầu chưa tham gia vào các chuỗi cung ứng của các sản phẩm nông sản ở các thị trường lớn, đặc biệt như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Chia sẻ về việc gia tăng giá trị cho sản phẩm từ dừa, bà Thạch Thị Chal Thi, Giám đốc Công ty TNHH Trà Vinh Farm cho biết, năm 2019 thì không có người dân Việt Nam nào biết mật hoa dừa là gì. Chúng tôi xây dựng cả một nhà máy, nhưng phải cầm chai sản phẩm đi bán, mỗi năm tăng trưởng 2-3% nhờ vào mô hình quảng bá của mình và nhờ vào nhu cầu thị trường. Trước khi làm, chúng tôi sẽ nghiên cứu xem thế giới đánh giá ngành mật hoa dừa là ngành có nhu cầu tiêu dùng bền vững, người tiêu dùng càng ngày càng tìm kiếm chất ngọt giống như mật hoa dừa ngọt tự nhiên để thay chế độ đường tinh luyện, nhờ vào đi đúng xu hướng tiêu dùng của thế giới nên đến nay tăng trưởng Công ty khoảng 200% mỗi năm.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực cho rằng, thương mại điện tử (TMĐT) là xu hướng rất lớn và đặc biệt để đảm bảo được TMĐT hiện nay thì khâu quan trọng nhất là khâu hoàn thiện và đóng gói sản phẩm tùy theo điều kiện. Do vậy, cần phải ứng dụng công nghệ thông tin trong vấn đề truy xuất nguồn gốc và đầu tư công nghệ bảo quản chế biến sản phẩm.

Làm sao có thể xuất khẩu hàng hóa, những đặc sản của Việt Nam xuyên biên giới thông qua nền tảng Amazon, về vấn đề này, ông Trịnh Khắc Toàn – Giám đốc Khu vực miền Bắc Amazon Global Selling Việt Nam cho rằng, Việt Nam có rất nhiều những sản phẩm có sự khác biệt, thân thiện với môi trường, những sản phẩm không nước nào có được, đấy là chất liệu chúng ta có thể xây dựng những câu chuyện liên quan đến thương hiệu, có thể chia sẻ và đấy cũng là một điểm mạnh. Thời gian qua, rất nhiều những doanh nghiệp, thương hiệu đã đưa được sản phẩm nông sản Việt Nam, sản phẩm thủ công mỹ nghệ thành công lên trên sàn Amazon.

Theo ông Trịnh Khắc Toàn, câu chuyện TMĐT, thương mại xuyên biên giới có thể tương đối xa vời đúng đối với cả tất cả bà con nông dân miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo nhưng mà nó sẽ trở thành một câu chuyện khá dễ dàng với những doanh nghiệp hiện tại đang hỗ trợ sản phẩm nông nghiệp Việt Nam vươn ra quốc tế.

Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất đối với doanh nghiệp Việt Nam trong việc đưa những sản phẩm nông sản, thủ công mỹ nghệ nói chung và sản phẩm từ miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo nói riêng ra thị trường chính là vấn đề liên quan đến tâm lý và kiến thức. Những nhà bán hàng Việt còn đang e ngại trước sự rộng lớn của thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới và lo lắng về khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ ngành, địa phương, đã kết nối được hơn 60 doanh nghiệp với trên 80 hợp đồng tiêu thụ các sản phẩm, hàng hóa là lợi thế phát triển của các địa phương tại các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ngãi, Kiên Giang, Quảng Ninh trong nước và xuất khẩu.

Bộ Công Thương cũng đã phối hợp và cấp kinh phí xây dựng 2 mô hình phân phối đặc thù phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng tại 2 huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi và huyện đảo Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn huyện đảo sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của huyện đảo…

Phan Đức

09:12:58 10-11-2022

VHDN: Để đưa được sản phẩm đặc sản Việt Nam mà phần nhiều trong số đó đến từ các khu vực trọng yếu, vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo tới người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu thì trước hết cần có chính sách khai thác hiệu quả yếu tố […]

Đối tác của chúng tôi