Sự kiện - chuyên đề:

Huyện Hòa Bình: Chung tay làm giàu từ con tôm

VHDN: Với lợi thế địa hình giáp biển, có nhiều cửa sông, kênh rạch lớn thông ra biển như: Chùa Phật, Cái Cùng; có hơn 20 km bờ biển và 8.591,7 ha đất bãi bồi ven biển (có trữ lượng tôm, cua, cá khá dồi dào, khai thác thủy sản diễn ra quanh năm), huyện Hòa Bình có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển nông nghiệp toàn diện (nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và công nghiệp chế biến). Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản hằng năm đạt trên 80.000 tấn (năm 2022 đạt 86.000 tấn) đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của huyện Hòa Bình nói riêng, tỉnh Bạc Liêu nói chung.

Ông Hồ Văn Linh, Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình (người bên phải) giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của huyện tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2022.

Một trong những thế mạnh đặc thù và dẫn đầu tỉnh Bạc Liêu của huyện Hòa Bình chính là phát triển nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh. Trong chiến lược xây dựng Bạc Liêu trở thành “thủ phủ” ngành công nghiệp tôm của khu vực và cả nước, huyện Hòa Bình được xác định là “mỏ tôm” của tỉnh với việc tập trung phát triển nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao và thật sự trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.

ĐỘT PHÁ TỪ CON TÔM

Xác định nuôi trồng thủy sản là một ngành kinh tế mũi nhọn và trọng điểm ở khu vực phía Nam của huyện; thời gian qua, vùng nuôi trồng thủy sản của huyện đã được quan tâm phát triển, diện tích nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao ngày càng tăng, ứng dụng khoa học công nghệ được chú trọng. Một số công nghệ đã và đang được ứng dụng trong mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao như: nuôi tôm không thay nước; nuôi tôm thay nước có kiểm soát; nuôi tôm sử dụng chế phẩm sinh học; nuôi tôm kết hợp các đối tượng lọc sinh học; nuôi tôm tuần hoàn nước; nuôi tôm ứng dụng công nghệ Semi biofloc/Biofloc; nuôi tôm thay nước liên tục; nuôi tôm nước xanh và tuần hoàn nước khép kín.v.v.. Đến nay đã có 04 Công ty (Chi nhánh Công ty Cổ phần Việt Úc – Bạc Liêu, Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam – Chi nhánh Bạc Liêu, Công ty TNHH Một thành viên Long Mạnh, Công ty Huy Long An) và 177 hộ gia đình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao, tổng diện tích là 991,27 ha; năng suất trung bình 24 tấn/ha, cao gấp 5-6 lần nuôi tôm truyền thống.

Nhằm khai thác thế mạnh này và góp phần cùng với Đảng bộ tỉnh xây dựng Bạc Liêu trở thành “thủ phủ” ngành công nghiệp tôm của cả nước, Đảng bộ huyện Hòa Bình xác định giữ vững và ổn định 16.465 ha diện tích canh tác thủy sản; trong đó khuyến khích phát triển mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao; tập trung xây dựng vùng sản xuất phía Nam Quốc lộ 1A trở thành Trung tâm nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao là 2.000 ha; có trên 30% diện tích nuôi trồng thủy sản được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm; sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt 95.000 tấn (trong đó tôm 71.800 tấn), sản lượng tôm nuôi 70.000 tấn; tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản bình quân từ 3,5 – 4,0%/năm; giá trị gia tăng bình quân từ 3,3 – 3,8%/năm.

NHỮNG GIẢI PHÁP

Để hoàn thành mục tiêu trên, nhiệm vụ tổ chức lại sản xuất theo “chuỗi giá trị ngành tôm” là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu; tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm từ con giống, vật tư đầu vào, nuôi tôm thương phẩm đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, trong đó, doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ và các hợp tác xã đóng vai trò hạt nhân liên kết. Tiếp tục triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định 98/2018/ NĐ-CP. Ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước và tăng cường thu hút, lồng ghép các nguồn lực để đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật như: giao thông, thủy lợi, điện cho các vùng sản xuất giống, vùng nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh,… thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, nhất là việc cung cấp dịch vụ đầu vào, tiếp cận thị trường và tiêu thụ sản phẩm. Thúc đẩy nghiên cứu, xúc tiến mạnh mẽ công tác chuyển giao ứng dụng các thành tựu của khoa học – công nghệ và kỹ thuật, phát triển các hình thức nuôi áp dụng tiêu chuẩn thực hành nuôi trồng thủy sản tốt, nuôi trồng thủy sản có chứng nhận (VietGAP, BAP, CoC, ASC,…); tổ chức đánh số vùng nuôi, để chủ động quản lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tổ chức tổng kết, đánh giá những mô hình sản xuất tôm áp dụng công nghệ mới, hiệu quả, thân thiện với môi trường thành công trong thực tiễn để phổ biến, nhân rộng. Khuyến khích, mời gọi sự tham gia của các thành phần kinh tế đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ cao; ưu tiên cho các dự án, đề tài nghiên cứu về công nghệ sản xuất giống chất lượng cao, sạch bệnh, công nghệ cao trong nuôi tôm, công nghệ nuôi tiết kiệm nước, nuôi an toàn sinh học, công nghệ xử lý nước thải trong nuôi trồng thủy sản với chi phí hợp lý, công nghệ bảo quản và chế biến nông sản… Qua đó, xây dựng những mô hình nuôi tôm bền vững, sản phẩm chất lượng, giàu tính cạnh tranh và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thu hoạch tôm công nghệ cao tại huyện Hòa Bình.

LUÔN ĐỒNG HÀNH CÙNG NHÀ ĐẦU TƯ

Huyện sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ và có hiệu quả các cơ chế, chính sách hiện hành liên quan đến thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp triển khai các dự án trên địa bàn, nhất là ưu tiên cho các dự án nuôi tôm công nghệ cao; dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; dự án xây dựng nhà máy chế biến các mặt hàng thủy sản; dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải, chất thải;… Đồng thời, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong quá trình tiếp cận, khảo sát và triển khai thực hiện dự án; thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng;…

Với mong muốn được hợp tác và liên kết sản xuất với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, Đảng bộ huyện Hòa Bình cam kết sẽ luôn đồng hành cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp, cùng chung tay làm giàu từ con tôm.

HỒ VĂN LINH, Chủ tịch UBND huyện

 

10:50:00 03-01-2023

VHDN: Với lợi thế địa hình giáp biển, có nhiều cửa sông, kênh rạch lớn thông ra biển như: Chùa Phật, Cái Cùng; có hơn 20 km bờ biển và 8.591,7 ha đất bãi bồi ven biển (có trữ lượng tôm, cua, cá khá dồi dào, khai thác thủy sản diễn ra quanh năm), huyện […]

Đối tác của chúng tôi