Sự kiện - chuyên đề:

Kết quả bầu cử Mỹ 2020: Ông Trump giữa ranh giới của thực tế và viễn tưởng

Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi khi phát biểu tại Vườn Hồng hôm 13/11 (giờ Mỹ), ông Trump gần như thừa nhận một thực tế rằng, nhiệm kỳ tổng thống của mình sắp kết thúc.

Trong bài phát biểu mới đây, ông Trump gần như thừa nhận một thực tế rằng nhiệm kỳ tổng thống Mỹ của mình sắp kết thúc. Kết quả bầu cử Mỹ 2020 gần như đã rõ. (Nguồn: Reuters)
Bầu cử Mỹ 2020: Trong bài phát biểu mới đây, ông Trump gần như thừa nhận một thực tế rằng, nhiệm kỳ tổng thống Mỹ của mình sắp kết thúc. (Nguồn: Reuters)

“Chính quyền này sẽ không thực hiện biện pháp phong tỏa”, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sau một tuần các ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ tiếp tục tăng lên chóng mặt. “Hy vọng rằng, bất cứ điều gì xảy ra trong tương lai, ai mà biết được đó là chính quyền nào, tôi đoán là thời gian sẽ trả lời, nhưng tôi có thể nói rằng chính quyền đó sẽ không phong tỏa”, ông Trump nhấn mạnh.

Đây là một sự thay đổi nhanh chóng trong giọng điệu của Tổng thống Trump cho thấy rằng, thực tế về chiến thắng của ứng cử viên Dân chủ Joe Biden đang tác động mạnh vào tâm lý của ông ngay cả khi ông và các cố vấn của mình vẫn công khai phủ nhận điều đó.

Hậu quả của việc chuyển giao quyền lực chậm trễ

Đảng Dân chủ hiện đang có 306 phiếu đại cử tri so với 232 phiếu đại cử tri của đảng Cộng hòa do chiến thắng ở hai bang thuộc đảng Cộng hòa lâu năm, Arizona và Georgia. Số phiếu này vượt xa ngưỡng 270 mà ông Biden cần có để giành chức Tổng thống Mỹ. Nhưng phép toán không thể chối cãi đã không ngăn được Tổng thống Trump tiếp tục cố gắng khơi dậy sự phẫn nộ của những người ủng hộ ông trên Twitter, với những cáo buộc rằng cuộc bầu cử đã bị “đánh cắp” bởi đảng Dân chủ.

Bài phát biểu hôm 13/11 tại Vườn Hồng đã cho thấy những thách thức pháp lý của ông Trump đối với kết quả bầu cử dường như không khả quan. Nhiều ý kiến cho rằng, điều người Mỹ đang cần ở chính phủ Mỹ không phải là giả thuyết về những âm mưu, những lá phiếu bầu bị “đánh cắp” mà là những hành động thiết thực để ngăn chặn đại dịch Covid-19 đang hoành hành khắp nước Mỹ.

Cả Tổng thống Trump và những người hỗ trợ ông vẫn từ chối thừa nhận một thực tế rằng, họ đang tạo ra những rủi ro an ninh quốc gia trong tương lai bằng cách ngăn chặn việc chuyển giao quyền lực. Cựu Chánh văn phòng Nhà Trắng của Tổng thống Trump, John Kelly đã không ngần ngại cảnh báo trong một tuyên bố cùng ngày 13/11, rằng hậu quả của sự thiếu kiên nhẫn của ông Trump có thể sẽ “rất thảm khốc”.

Ông John Kelly cảnh báo: “Sự chậm trễ trong quá trình chuyển giao chính quyền sẽ dấn tới một cuộc khủng hoảng an ninh và sức khỏe quốc gia ngày càng tăng. Chính quyền Mỹ hiện tại sẽ không mất gì khi bắt đầu bàn giao cho ông Biden cùng bà Kamala Harris và tất cả các thành viên nội các, nhân viên cấp cao đã được xác định trong những tuần tới . “Ông Trump nên ra lệnh cho tiến trình chuyển tiếp bắt đầu tức thì. Đó là điều đúng đắn và hợp đạo đức. Nếu không làm vậy, sẽ là thảm họa đối với người dân Mỹ bất kể họ đã bỏ phiếu cho ai”, ông Kelly nói.

Ủy ban 11/9 của lưỡng đảng cũng trích dẫn sự chuyển giao tổng thống chậm trễ, qua loa sau cuộc bầu cử gây tranh cãi năm 2000 là lý do tại sao Mỹ không chuẩn bị sẵn sàng cho các cuộc tấn công khủng bố, dẫn tới hậu quả thảm khốc ngày 11/9/2001. Tuy nhiên, các lập luận an ninh quốc gia dường như không làm ông Trump lo ngại.

Vụ khủng bố 11/9/2001 là hậu quả do chuyển giao quyền lực chậm trễ. (Nguồn: Reuters)
Vụ khủng bố 11/9 là hậu quả do chuyển giao quyền lực chậm trễ. (Nguồn: Reuters)

Những giả thuyết được cho là vô căn cứ

Trước và sau bài phát biểu tại Vườn Hồng, ông Trump chủ yếu đưa ra những giả thuyết để phủ nhận kết quả bầu cử. Ông đổ lỗi cho phần mềm bỏ phiếu bị trục trặc có thể đã thay đổi phiếu bầu ở các bang, ngay cả khi các quan chức bầu cử hàng đầu trong chính quyền của ông đã bác bỏ những giả thuyết đó.

Dominion Voting Systems, một công ty phần mềm bầu cử, đã bị ông Trump cáo buộc “bằng cách nào đó” đã thay đổi kết quả bầu cử ở bang Arizona. Cáo buộc này vừa qua đã bị cơ quan bầu cử địa phương và liên bang, trong đó có Cơ quan an ninh mạng và an ninh hạ tầng (CISA), trực thuộc bộ An ninh Nội địa Mỹ, khẳng định là vô căn cứ. “Không có một chứng cớ nào cho thấy hệ thống bầu cử đã xóa, làm mất, đánh tráo lá phiếu, hay bị tin tặc dưới bất cứ hình thức nào”, cơ quan này cho biết trong một tuyên bố.

Ông Ben Hovland, một đảng viên Dân chủ được Tổng thống Trump chỉ định phục vụ trong Ủy ban Hỗ trợ Bầu cử, người bị cáo buộc sai phạm trong việc kiểm tra và chứng nhận các máy bỏ phiếu, đã gọi các thuyết âm mưu của ông Trump là “khó hiểu” và xúc phạm các chuyên gia điều hành bầu cử trên khắp đất nước.

Trong một cuộc phỏng vấn với CNN, ông Ben Hovland chỉ ra rằng, nhiều tuyên bố của Tổng thống không xuất hiện trong các hồ sơ pháp lý của đội ngũ của ông Trump tại tòa án một phần vì không có bằng chứng.

Ông Ben Hovland cũng tin rằng, với 306 phiếu đại cử tri hiện có của ông Biden, “rất khó để tưởng tượng làm thế nào một chiến thắng tầm cỡ đó sẽ bị đảo ngược”.

Rõ ràng, Tổng thống Trump đang đứng giữa ranh giới của thực tế và viễn tưởng. Với tư cách một nhà lãnh đạo nước Mỹ, ông Trump cần xem xét đến những hậu quả có thể xảy ra nếu chuyển giao quyền lực chậm trễ hay không?

Đây cũng là điều mà ứng cử viên tổng thống Al Gore từng vượt qua vào năm 2000. Sau một quá trình khiếu nại phiếu bầu, ông Al Gore đã tuyên bố thua cuộc vì không muốn đất nước bị chia rẽ thêm vì đấu đá đảng phái. Tuy nhiên, sự “thức tỉnh” muộn màng của ông Al Gore đã dẫn đến quá trình chuyển giao chính quyền qua loa, gián tiếp gây lỗ hổng an ninh quốc gia, tạo sơ hở cho vụ khủng bố 11/9 xảy ra. Đây là những điều ông Trump cần cân nhắc thay vì sa đà vào những giả thuyết.

Theo TGVN

11:53:36 15-11-2020

Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi khi phát biểu tại Vườn Hồng hôm 13/11 (giờ Mỹ), ông Trump gần như thừa nhận một thực tế rằng, nhiệm kỳ tổng thống của mình sắp kết thúc. Bầu cử Mỹ 2020: Trong bài phát biểu mới đây, ông Trump gần như thừa nhận một thực tế rằng, […]

Đối tác của chúng tôi