Sự kiện - chuyên đề:

Kiến Thụy, Hải Phòng: Phát triển nuôi ngao cần sự quy hoạch bền vững từ chính quyền

VHDN: Với tấm lòng của những người con yêu quê hương, luôn mong muốn nâng cao đời sống của người dân địa phương, anh Vũ Trí Tuân – một người con đất Cảng lớn lên tại xã Minh Tân, huyện Kiến Thụy, hiện đang là Hội trưởng cùng hai Hội phó là chị Nguyễn Thị Yến và anh Bùi Văn Tuyền với những người tâm huyết nghề nuôi ngao đã thành lập nên Hội Nuôi ngao Kiến Thụy, Hải Phòng.

Sinh ra và lớn lên ở miền quê thuần nông, Anh Tuân – một người nuôi thủy sản dày dạn kinh nghiệm, sau bao tháng ngày trăn trở việc phát triển kinh tế bằng những thuận lợi sẵn có tại địa phương, qua khảo sát thực tế vùng cửa sông Văn Úc, anh đã nhìn thấy nơi đây là một bãi bồi rất phù hợp với điều kiện sống tự nhiên, sạch sẽ của loài ngao, hơn nữa loài ngao trắng này bà con lại có thể dễ dàng chủ động nhân giống được. Chính vì thế, anh đã đứng lên xây dựng mô hình nuôi ngao trắng ngay trên sông Văn Úc và Hội Nuôi ngao của anh cũng bắt đầu hình thành từ đó.

Hội nuôi ngao Kiến Thụy được quyết định thành lập vào năm 2010. Mục đích là để tập hợp những cá nhân có cùng chung chí hướng, ủng hộ phong trào nuôi ngao tại địa phương, nhằm hỗ trợ, giúp đỡ nhau về kinh tế – kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh. Ngày đầu thành lập, lúc ấy phong trào mới được mở ra, chưa lan truyền rộng rãi nên Hội có tổng là 15 người với tổng diện tích nuôi ngao là 700 hecta. Đến nay, Hội đã có bước trưởng thành rõ rệt, liên kết cùng với các tỉnh như: Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa… Được sự quan tâm của bà con địa phương và thu hút được đông đảo người dân tham gia, thời điểm hiện tại đã có tới hơn 200 người với diện tích mở rộng lên đến 2980,8 hecta.

Trước kia, nghề đi biển đánh bắt xa bờ vô cùng khó khăn, không những nhiều rủi ro, nguy hiểm, nó còn gây ảnh hưởng lớn đến môi trường và làm tận diệt các nguồn thủy hải sản. Khắc phục điều đó, mô hình nuôi ngao trắng của anh Tuân và những người cùng tâm huyết thành lập nên đã đưa ra phương án, giải pháp lâu dài để định hướng, chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân. Giờ đây, mô hình này đã được lan rộng, giúp bà con có công việc thuận lợi và thu nhập ổn định hơn, tạo công ăn việc làm cho người lao động địa phương cũng như cả lao động của các tỉnh bạn.

Tuy nhiên, nghề nuôi ngao này chưa được các cấp chính quyền quan tâm, giúp đỡ toàn diện. Dù bà con địa phương đã nhiều lần kiến nghị mong được thuê bãi triều lâu dài để có thể yên tâm đầu tư cho công việc được phát triển thuận lợi, hiệu quả hơn và cũng một phần để đóng góp thuế cho Nhà nước. Song nhiều vấn đề bất cập còn xảy ra. Hiện nay, thành phố có cấp phép trồng lấn vào khu vực bãi nuôi ngao của bà con, dẫn đến các tàu xâm lấn thường xuyên múc cát bừa bãi, trái phép. Việc này gây ô nhiễm môi trường nước nặng nề, ngao chết hàng loạt, đe dọa đến kế mưu sinh của người dân và mất trật tự an ninh khu vực. Người dân nơi đây đang ngày đêm thấp thỏm lo lắng cho cuộc sống cũng như công việc mưu sinh của mình và càng thêm nỗi hoang mang, bức xúc về sự quy hoạch không thỏa đáng của cấp chính quyền.

Hiểu được nỗi lòng của bà con nhân dân cũng như những ưu tư của anh Tuân, để đảm bảo cho các quy trình nuôi ngao được an toàn và ổn định, Hội đã nỗ lực tìm kiếm nhiều giải pháp nhằm chung tay tháo gỡ khó khăn cho người nuôi ngao, đẩy mạnh nghề nuôi ngao phát triển theo hướng hiệu quả và bền vững. Rất mong muốn các cơ quan chức năng, các đơn vị có thẩm quyền nhanh tay vào cuộc, giải quyết đơn khiếu nại của các hộ dân nuôi ngao. Sớm cấp phép cho người dân được sản xuất trên bãi triều cửa sông Văn Úc. Tạo điều kiện để chính thức thành lập Hội Nuôi ngao, truy xuất nguồn gốc nuôi ngao sớm nhất có thể, góp phần mang lại giá trị kinh tế và ổn định đời sống bà con.

Tuyết Trần

15:02:08 12-02-2020

VHDN: Với tấm lòng của những người con yêu quê hương, luôn mong muốn nâng cao đời sống của người dân địa phương, anh Vũ Trí Tuân – một người con đất Cảng lớn lên tại xã Minh Tân, huyện Kiến Thụy, hiện đang là Hội trưởng cùng hai Hội phó là chị Nguyễn Thị […]

Đối tác của chúng tôi