Sự kiện - chuyên đề:

Lương tâm và trách nhiệm

VHDN: Kinh doanh là để chia sẻ với cộng đồng, ấy vậy mà thời gian vừa qua một số nhà thuốc kinh doanh vật tư y tế và thuốc tây rải rác ở một số nơi, thậm chí cả giám đốc bệnh viện đã lợi dụng nhu cầu cao của mọi người dùng khẩu trang, nước sát trùng đã đầu cơ khi dịch bệnh đang có xu hướng bùng phát để trục lợi. Mọi sự ngụy biện cho việc kinh doanh như vậy là vô cảm, thiếu lương tâm và trách nhiệm trước cộng đồng.

Hành vi “găm” khẩu trang của một số nhà thuốc khiến dư luận bức xúc.

Thời gian vừa qua, dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) gây ra là vấn đề nóng được toàn xã hội quan tâm hàng đầu ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới. Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp ra nhiều chỉ thị, tổ chức nhiều cuộc giao ban chỉ đạo các Bộ, ngành TW cũng như địa phương với nhiều giải pháp tích cực, chủ động ngăn chặn phòng dịch, không để dịch lây lan nhanh đã mang lại hiệu quả tích cực. Phát biểu chiều ngày 4-2 tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia PCDB đường hô hấp cấp Covid-19 cho biết – Đến nay nước ta đã kiểm soát tốt tình hình, được quốc tế đánh giá cao. Ngành Y tế, Quân y, Công an đã chuẩn bị sẵn sàng trong mọi tình huống để triển khai đến tận cơ sở. Khi kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Các cấp, các ngành và nhân dân thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ về PCDB. Chúng ta đã huy động được đông đảo đội ngũ cán bộ, chuyên gia vào cuộc tích cực và đã chữa khỏi cho một số bệnh nhân nhiễm Covid-19… Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các địa phương huy động cả hệ thống chính trị, toàn dân vào cuộc PCDB với tinh thần không được để dịch bệnh lây lan, phải “Chống dịch như chống giặc”.

Việc chỉ đạo cùng các giải pháp của Chính phủ được các ngành, các địa phương triển khai rất quyết liệt. Chiều ngày 4-2 Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về công tác phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng vi rút corona mới gây ra đã làm việc với Ban chỉ đạo của thành phố Hà Nội về điều hành chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Tại đây, Cục trưởng quản lý thị trường Hà Nội – ông Chu Xuân Kiên cho biết : “Trên địa bàn thành phố có 6.018 nhà thuốc, trên 20 cơ sở sản xuất khẩu trang. Từ 31/1 đến 3/2 đã kiểm tra và xử lý 86 cơ sở kinh doanh thực hiện không đúng quy định niêm yết giá với mặt hàng khẩu trang y tế, phát hiện cửa hàng kinh doanh khẩu trang, nước rửa tay có dấu hiệu làm giả nguồn gốc. Sở Y tế Hà Nội cũng đã kiểm tra 256 nhà thuốc, 2 cơ sở sản xuất khẩu trang, đã xử lý vi phạm 1 cơ sở và đang xử lý 11 cơ sở khác…

Cùng thời điểm ấy, ở một số quầy thuốc thuộc phạm vi Chợ thuốc Hapulico (số 1 Nguyễn Huy Tưởng – là chợ thuốc lớn nhất miền Bắc), lượng người tìm mua khẩu trang và nước rửa tay vẫn rất đông. Trước cơn sốt về loại vật tư này, một số quầy kinh doanh thiết bị vật tư y tế đã dựng khẩu hiệu trên mặt quầy thuốc: “Không bán khẩu trang, nước rửa tay, miễn hỏi”. Sau khi bị nhắc nhở và phản ứng của cộng đồng họ đã gỡ bỏ, tuy nhiên khi được hỏi mua mặt hàng này đều được nhân viên bán hàng trả lời hết hàng. Chủ một quầy thuốc còn cho biết “Mặt hàng này có cũng không muốn bán, bán đắt thì bị phạt và bán giá nhập thì không bõ công”. Còn ở các quầy thuốc trên phố Sơn Tây, Nguyễn Trãi, Cầu Giấy khi người dân đến mua thì nhân viên chỉ “lắc đầu”. Tại tỉnh Đắc Lắk, Cục quản lý thị trường đã kiểm tra và phát hiện Nhà thuốc Ngọc Giang, huyện EaKar lợi dụng dịch bệnh nâng giá từ 37.000đ lên 120.000 đ/ hộp/50 cái, đã bị xử lý. Liên quan đến việc không bán khẩu trang trên Facebook, Cục trưởng Cục quản lý thị trường Hà Nội – ông Chu Xuân Kiên cho biết: “Cục sẽ phối hợp với Công an Hà Nội kiểm tra và xử lý nghiêm việc kêu gọi không bán khẩu trang trên facebook. Trong lúc cả xã hội đang nỗ lực chống lại dịch bệnh thì hành vi đó là hành động vô đạo đức”. Mới đây nhất có một doanh nghiệp đã gom nhặt khẩu trang đã thải loại về tái chế và bán ra thị trường kiếm lời. Khi cơ quan chức năng phát hiện và xử lý thì được trả lời rất vô cảm là họ đã góp phần làm giảm sự mệt nhọc của người thu gom rác thải.

Cũng tương tự hành vi như vậy, ngày 29-2 Công an huyện Sóc Sơn, Hà Nôi đã kiểm tra nhà trọ của Nguyễn Minh Nguyên ở thôn Đa Hội, xã Bắc Sơn, phát hiện thu gom tập kết 620 kg khẩu trang y tế, găng tay cao su đã qua sử dụng. Qua đấu tranh, ngày 23-2 Nguyên đã khai nhận mua tại Công ty TNHH Dịch vụ môi trường Anh Đăng, trụ sở tại thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình, Thái Nguyên với mục đích mua về để bóc tách viền nhựa polime ở khẩu trang để bán kiếm lời.

Tại cuộc họp Chính phủ vừa qua, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã phát biểu “Cần tập trung tuyên truyền để nhân dân nâng cao ý thức PCDB. Không để tình trạng mua bán tích trữ, nhất là khẩu trang, nước sát trùng.” Với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ quyết liệt như vậy thì việc thu gom khẩu trang, nước rửa tay… của một số đối tượng là rất thiếu lương tâm và trách nhiệm, họ rất vô cảm trước mọi nỗ lực của cả cộng đồng đang tập trung PCDB – loại dịch nguy hiểm đang lan nhanh trên phạm vi toàn cầu.

Theo nhận địch của Ban Chỉ đạo Quốc gia, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) còn kéo dài, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, không để dịch bệnh lây lan, các Bộ, ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị, toàn dân vào cuộc PCDB, kịp thời ngăn chặn có hiệu quả, không để dịch bệnh tiếp tục xảy ra… Song song với việc các doanh nghiệp đang dồn sức để sản xuất khẩu trang, nước rửa tay bán đúng giá, rất cần những tấm lòng vàng, những nghĩa cử cao đẹp với việc chia sẻ của các doanh nhân, các mạnh thường quân, các tổ chức xã hội, đoàn thể, cá nhân cùng chung tay hỗ trợ cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh, ổn định cuộc sống cũng như tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Vũ Tư Khoa

14:10:40 13-03-2020

VHDN: Kinh doanh là để chia sẻ với cộng đồng, ấy vậy mà thời gian vừa qua một số nhà thuốc kinh doanh vật tư y tế và thuốc tây rải rác ở một số nơi, thậm chí cả giám đốc bệnh viện đã lợi dụng nhu cầu cao của mọi người dùng khẩu trang, […]

Đối tác của chúng tôi