Sự kiện - chuyên đề:

Nâng cao chất lượng hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường tại cục quản lý thị trường tỉnh Nghệ An

VHDN: Kinh tế thị trường và những đặc trưng của nó đã mở ra những điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, thúc đẩy quan hệ giao thương buôn bán giữa các quốc gia. Cơ chế kinh tế mở đã tạo ra những điều kiện thuận lợi cho Việt Nam nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng trong tiến trình hội nhập với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu to lớn do nền kinh tế thị trường mang lại thì nạn buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại đang là mặt trái, mặt tiêu cực của nền kinh tế thị trường, gây ra những tác hại nghiêm trọng đến sản xuất trong nước, gây thất thu cho ngân sách, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, làm mất trật tự an toàn xã hội và tác động xấu tới môi trường kinh doanh. Chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại là nhằm bảo vệ và góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, bảo vệ người tiêu dùng, tác động tích cực đến quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta.

Lực lượng QLTT Nghệ An kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn quản lý -Ảnh: PV

Nghệ An là tỉnh lớn với 21 huyện, thành thị trong đó có 10 huyện miền núi, có biên giới biển và tiếp giáp với nước Lào, có đường sắt, đường bộ, hàng không thuận lợi cho giao thương hàng hoá trong nước và quốc tế. Trong những năm gần đây, hoạt động buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại ngày càng diễn biến phức tạp, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, người tiêu dùng, tác động tiêu cực đến môi trường kinh doanh và đầu tư của tỉnh. Xuất phát từ mục đích và động cơ chiếm đoạt lợi nhuận, đối tượng buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại không từ bất cứ thủ đoạn nào nhằm che giấu hành vi vi phạm, ngoài ra chúng còn mua chuộc, lôi kéo, đe dọa, thậm chí dùng cả vũ lực để thực hiện. Mặt khác do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan làm cho buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại là một quá trình với nhiều khó khăn. Để tổ chức tốt cuộc đấu tranh này yêu cầu đặt ra là chúng ta phải kiên trì, kiên quyết sử dụng đồng bộ các biện pháp trên cở sở phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, lực lượng chức năng và vai trò giám sát của người dân.

Trước tình hình trên, cuộc đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại ở nước ta hiện nay đang đặt ra những vấn đề hết sức cấp thiết, đòi hỏi cơ quan Quản lý thị trường phải có những chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa cả về nhận thức và hành động, trong đó nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng nhất là hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

Hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường là việc xem xét tình hình thực tế để đánh giá, nhận xét, phát hiện, và sử dụng các biện pháp hành chính nhằm ngăn chặn, chấm dứt kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại. Ngày 9/5/2015, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 41/NQ-CP về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới. Đặc biệt từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 389/QĐ-TTg ngày 19/3/ 2014 thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và Hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia), công tác này đã có chuyển biến rõ rệt và bước đầu đạt được những kết quả rất tích cực, nhận thức của các cấp, các ngành được nâng lên, vai trò, trách nhiệm của các lực lượng chức năng được đề cao.

Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Nghệ An là tổ chức trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường, được tổ chức, sắp xếp lại trên cơ sở Chi cục Quản lý thị trường Nghệ An theo Quyết định số 3649/QĐ-BCT ngày 11/10/ 2018 của Bộ trưởng Bộ Công thương. Cục có chức năng quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các hành vi gian lận thương mại theo quy định pháp luật trên địa bàn tỉnh Nghệ An; thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

Theo thống kê, hiện trên địa bàn Nghệ An có 150.000 hộ kinh doanh và 19.000 doanh nghiệp là các đối tượng thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của lực lượng QLTT trong quá trình thực thi công vụ. Thời gian qua, hoạt động của các đối tượng vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu qua địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau để trốn tránh việc kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng như: hợp thức hóa hàng nhập lậu bằng hóa đơn bán hàng trực tiếp của các tiểu thương tại các chợ biên giới, chợ đầu mối, quay vòng hóa đơn; sử dụng xe đầu kéo và sơ mi rơ moóc có niêm phong kẹp chì, gia cố thêm ngăn, vách hầm bí mật trên xe để vận chuyển; chia nhỏ, xé lẻ hàng hóa, vận chuyển vào thời gian cao điểm hoặc là vào đêm khuya, sáng sớm, ngày nghỉ, ngày lễ; sử dụng đường chuyển phát nhanh của bưu điện, các hãng vận chuyển và các nhà xe Bắc-Nam; buôn lậu xe ô tô từ Lào, Thái Lan về Việt Nam với thủ đoạn cắt đôi xe ô tô nguyên chiếc hoặc tháo rời các phụ tùng, linh kiện, trà trộn với hàng hóa thông thường khác nếu được vận chuyển trót lọt thì sẽ được gia cố lại đưa ra bán ở thị trường nội địa, cá biệt có một số đối tượng khi bị phát hiện không chịu hợp tác, chống trả quyết liệt, sử dụng các phương tiện ghi âm, ghi hình đưa các thông tin sai lệch lên mạng xã hội để gây khó khăn, uy hiếp lực lượng chức năng trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Cùng với đó, công tác chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ; công tác chống gian lận thương mại (xăng dầu, y tế tư nhân, thuế); công tác chống vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; vi phạm khác trong kinh doanh về điều kiện đăng ký kinh doanh, các thủ tục pháp lý trong kinh doanh, vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; vi phạm về chỉ dẫn địa lý của sản phẩm, vi phạm các quy định liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và các vi phạm khác… Kết quả kiểm tra, kiểm soát thị trường tổng thể giai đoạn từ năm 2017 đến hết năm 2019, đã tổ chức kiểm tra: 17.630 vụ,  xử phạt hành chính 15.315 vụ; chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra 8 vụ/4 đối tượng (4 vụ việc vắng chủ); tổng giá trị thu phạt 40 tỷ 447 triệu đồng.

Thời gian tới, để nâng cao chất lượng kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng QLTT Nghệ An tiêp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm; đẩy mạnh công tác phối hợp các lực lượng; quan tâm công tác tổ chức, xây dựng lực lượng; hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách. Bên cạnh đó chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị và bổ sung biên chế, kinh phí để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn.

NGUYỄN VĂN HƯỜNG – Phó Cục trưởng Cục QLTT Nghệ An

11:21:10 12-06-2020

VHDN: Kinh tế thị trường và những đặc trưng của nó đã mở ra những điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, thúc đẩy quan hệ giao thương buôn bán giữa các quốc gia. Cơ chế kinh tế mở đã tạo ra những điều kiện thuận lợi cho Việt Nam nói chung và tỉnh […]

Đối tác của chúng tôi