Sự kiện - chuyên đề:

Ngang nhiên buôn bán ngà voi: Chợ ảo, chợ thật đều nhộn nhịp

Khảo sát rộng khắp các “chợ ngà voi” từ Tây Nguyên tới TPHCM (như ở chợ An Đông, chợ Bến Thành), từ chợ trên mạng Internet, ở nhiều điểm du lịch tư nhân và của Nhà nước, chúng tôi đều ghi nhận tình trạng ngang nhiên rao bán ngà voi và sản phẩm từ ngà voi. Dung túng cho các hành vi trên, chính là tiếp tay cho tàn sát đàn voi.

Ngay tại Đắc Lắk, thành phố Buôn Ma Thuột hay tại kinh đô của du lịch liên quan đến truyền thống săn bắt và thuần dưỡng voi rừng trong nhiều thế kỷ là Bản Đôn (xã Krong Ana, huyện Buôn Đôn), chúng tôi ghi nhận tình trạng buôn bán ngà voi trắng trợn. Ở khu vực Cầu Treo nổi tiếng của Bản Đôn, có nhân viên đeo thẻ, làm nhiệm vụ bán vé cho khách tham quan, tự nhận mình là nhân viên phục vụ du lịch hẳn hoi, chị ta và chồng nói mình bán rất nhiều vòng, nhẫn làm bằng ngà voi.

Muốn mua ngà voi là có

Khi chúng tôi đòi xem hàng thật. Hai vợ chồng đưa ra một nắm vòng và nhẫn. Thậm chí, chúng tôi còn được họ gửi qua mạng xã hội cả hình ảnh những khúc ngà, những chiếc ngà voi lớn, trị giá (chợ đen) nhiều trăm triệu đồng. “Hàng nào cũng có, to bé có cả. Vấn đề là anh chị có nhu cầu không. Và có đồng ý với hàng em gửi qua Zalo không thôi. Đặt hàng là có”, họ nói khi gửi ảnh cho chúng tôi.

Cán bộ của tổ chức điều tra về bảo tồn vào vai du khách đi cùng chúng tôi khẳng định: Vợ chồng H bán ngà voi thật. Còn người bán vé tham quan kiêm bán hàng cũng cho biết: Họ vừa hứa bán một chiếc ngà dài gần 1,6m trị giá hơn một tỉ đồng, khách đã đặt tiền nhưng chưa dám chuyển vì sợ bị lộ.

Trên bàn làm việc của nhân viên khu du lịch tên H là bưu kiện chuẩn bị chuyển qua đường bưu điện cho một khách hàng ở Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp. Đủ địa chỉ người gửi người nhận kèm theo số điện thoại. Vợ chồng H cam kết, nếu khách mua mà không đem được hàng lên máy bay, họ sẵn sàng đền bù sản phẩm mới, dù là hơn 5 triệu đồng một cái vòng tay ngà voi thật. Bởi họ bán đã nhiều năm và chuyển cho khách đã nhiều lần. Chồng H người Hà Tĩnh, anh ta cho biết, đã về quê và mang cả nắm vòng về bán cho người quê, anh ta cầm hàng lên máy bay vô tư. Chị H thì thường xuyên chuyển hàng cho khách qua bưu điện, xem hàng qua Zalo, cam kết hàng không đúng chất lượng (ngà thật) thì sẽ đền bù và chịu mọi đền bù.

“Cái vòng tay ngà voi này có giá 5,5 triệu đồng. Ở đây có thợ gia công chế tác, làm theo ý của khách. Mẫu gì em cũng có, em hay đăng lên Zalo để bán. Nếu đeo mà vòng nó lên màu vàng thì mới là ngà thật. Có màu trắng vân, có huyết vân, tức là vân đo đỏ như mạch máu”.

Theo xác định ban đầu, các khúc ngà và sản phẩm từ bộ phận cơ thể voi trên đều là hàng thật; người rao bán cũng thừa nhận là hàng thật 100%, công an cũng bắt nhiều vụ, đi giám định từ Viện Khoa học hình sự, rằng nó là hàng thật. Thử hỏi, với sự tràn lan và dường như công khai trên, thì luật pháp đứng ở đâu?
Theo xác định ban đầu, các khúc ngà và sản phẩm từ bộ phận cơ thể voi trên đều là hàng thật; người rao bán cũng thừa nhận là hàng thật 100%, công an cũng bắt nhiều vụ, đi giám định từ Viện Khoa học hình sự, rằng nó là hàng thật. Thử hỏi, với sự tràn lan và dường như công khai trên, thì luật pháp đứng ở đâu?

Chợ ảo, chợ thật đều nhộn nhịp

Ở khu du lịch Biệt điện Bảo đại 3, tại Đà Lạt (Lâm Đồng), cũng trong dịp khảo sát này, chúng tôi còn ghi nhận, thậm chí người ta còn trưng bày tủ kính, treo biển bán “Lông đuôi voi” trước hàng vạn khách trong và ngoài nước. Ở Bản Đôn, chị Gi, một chủ cửa hàng đồ lưu niệm giới thiệu cả nghệ nhân chế tác các sản phẩm từ ngà voi, chị khoe vừa bán các khúc ngà hàng trăm triệu đồng, vài chục triệu đồng một kilogram. Cả rổ vòng nhẫn ngà voi vô tư đưa ra cho khách chọn.

Tại cửa hàng đồ lưu niệm rất to, bán đủ thứ mặt hàng đắt đỏ và khá sang trọng tên là Minh Tùng ở phố Nguyễn Văn Cừ, TP.Buôn Ma Thuột. Người bán hàng tự giới thiệu mình tên là N, vô tư mở tủ kính cho khách xem đủ thứ hàng từ ngà voi. Cũng không nên thận trọng nói “cái giống như ngà voi” ở đây, mà chắc chắn là ngà voi. Bởi anh ta đem ra cả khúc nặng mấy cân, to như bắp đùi người ta. Đó là ngà voi Châu Phi nguyên khối nặng 2,2kg. Anh ta cho biết bán với giá 70 triệu đồng/kg.

Tại phố Y Ngông, TP.Buôn Ma Thuột, chúng tôi đã xâm nhập vào một cửa hàng đồ lưu niệm, mỹ nghệ, buôn bán xương và ngà “khét tiếng”. Ở phòng khách, có anh bạn trẻ tuổi cặm cụi lấy thước ngoàm đo bán kính của từng chiếc vòng ngà voi. Hàng nghìn sản phẩm được giới thiệu, cam kết là từ ngà voi, từ răng, xương của động vật hoang dã quý hiếm như gấu được trưng bày. Người bán hàng khẳng định, hàng vô thiên lủng. “Nếu anh mua nhẫn, vòng ngà voi ở đây, dùng vài năm mà phát hiện ra nó là hàng rởm đến đây, mỗi vòng em đền 100 triệu đồng”.

Nếu cho nhà báo chúng tôi cái quyền bắt quả tang và tịch thu tang vật, lập biên bản hoặc khởi tố hình sự các đối tượng, thì chỉ trong 2 ngày có lẽ… chúng tôi đã “tóm” được cả “mớ”.

Phổ biến không kém là tình trạng buôn bán “ngà voi” qua mạng xã hội, hoạt động tinh vi, khó bắt giữ hơn, giao hàng lẩn lút kín đáo hơn. Nhưng chúng tôi đặt hàng qua mạng và hẹn gặp họ, họ cũng đồng ý giao dịch ngay.

Vậy là, nếu chúng ta thật sự muốn triệt phá các đường dây, xử lý các đối tượng kia thì rất dễ.

Chúng tôi đã gửi toàn bộ các bức ảnh, tư liệu về các địa điểm rao bán ngà voi vi phạm pháp luật kể trên tới C49 – Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về Môi trường, Công an tỉnh Đắk Lắk và C49, Công an TPHCM. Thời gian chờ đợi của chúng tôi đã đủ lâu để có thể công bố các kết quả điều tra của mình trên báo chí. Trước những tài liệu, các video không thể chối cãi trên, chúng tôi chờ đợi việc điều tra xử lý nghiêm minh của cơ quan hữu trách!

Buôn bán ngà voi phạm tội gì?

Bộ luật Hình sự Điều 190 về Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm quy định, người nào sản xuất, buôn bán hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng, chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 248, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Căn cứ vào danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh ban hành kèm theo của Nghị định số 19/VBHN-BCT của bộ Công Thương năm 2014 quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện và khoản 2 Điều 11 Nghị định 32/2006/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thì voi (bao gồm cả vật sống và các bộ phận của chúng như ngà voi…) được xếp vào nhóm những động vật đặc biệt quý hiếm là hàng hóa bị cấm buôn bán ở nước ta.

Một số vụ tàng trữ, buôn bán ngà voi nổi vật

* Ngày 29.8.2018, VKSND tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị vừa phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Thành Lợi (trú phường Tân Lập, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) để điều tra về tội Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm. Nguyễn Thành Lợi có hành vi buôn bán trái phép 10,9kg các loại nhẫn đeo tay, vòng tay, vòng cổ… nghi được chế tác từ ngà voi.

*Tháng 8.2018, văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP.Hà Nội phát hiện, khám xét xét khẩn cấp và bắt quả tang đối với 2 đối tượng gồm: Nguyễn Hữu Tiễn (35 tuổi) và Lê Chí Thuận (58 tuổi, cùng trú ở xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, TP.Hà Nội) về hành vi mua bán, vận chuyển tàng trữ trái phép ngà voi. Tại nhà hai đối tượng, cơ quan chức năng thu 179kg vật phẩm nghi là ngà voi.

*Ngày 26.3.2019, Cục Hải quan TP.Đà Nẵng cho biết, phát hiện hơn 9,1 tấn hàng hóa nghi là ngà voi được cất giấu, ngụy trang trong các thanh gỗ xẻ.

Theo LD

21:39:06 07-04-2019

Khảo sát rộng khắp các “chợ ngà voi” từ Tây Nguyên tới TPHCM (như ở chợ An Đông, chợ Bến Thành), từ chợ trên mạng Internet, ở nhiều điểm du lịch tư nhân và của Nhà nước, chúng tôi đều ghi nhận tình trạng ngang nhiên rao bán ngà voi và sản phẩm từ ngà […]

Đối tác của chúng tôi