Sự kiện - chuyên đề:

Phát triển trình độ lực lượng sản xuất ở huyện Nga Sơn hiện nay

VHDN:Trong sự nghiệp đổi mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ,công bằng, văn minh, hiện nay lực lượng sản xuất được coi là yếu tố quan trọng hàng đầu, quyết định sự phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững nền kinh tế. Khi lực lượng sản xuất (LLSX) biến đổi thì quan hệ sản xuất (QHSX) cũng biến đổi theo dẫn đến sự thay đổi của phương thức sản xuất. Vì vậy nhận thức và vận dụng đúng mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất để thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển là vấn đề hết sức quan trọng. Để thực hiện nhiệm vụ trên đòi hỏi cần phải đánh giá đúng thực trạng và tìm kiếm các giải pháp để phát triển lực lượng sản xuất.

Nga Sơn là một huyện đồng bằng ven biển của tỉnh Thanh Hóa. Nằm ở cực Đông bắc tỉnh Thanh Hoá, cách thành phố Thanh Hoá 42km. Diện tích tự nhiên là 144,95 km2, trong đó 80% diện tích là đồng bằng. Dân số huyện tính đến tháng 12 năm 2019 là hơn 141.114 người, huyện Nga Sơn có 24 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 1 thị trấn và 23 xã (trong đó có 8 xã vùng biển). Huyện có 39.800 hộ dân. Tổng số người trong độ tuổi lao động là 84.798 người chiếm 60,3% dân số.

Trong những năm qua, cấp uỷ, chính quyền huyện Nga Sơn đã tập trung lãnh đạo và tổ chức thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao trình độ của lực lượng sản xuất, như: phát triển quy mô giáo dục hợp lý; ban hành đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020; đẩy mạnh xã hội hóa đào tạo nghề; tập trung nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội; đẩy mạnh cơ giới hoá ở một số khâu trong sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản; quan tâm đầu tư phát triển công nghiệp – xây dựng; tích cực triển khai công tác dồn điền, đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn; tập trung quy hoạch các vùng nguyên liệu;… Nên đã, góp phần nâng cao trình độ lực lượng sản xuất nói chung. Tuy nhiên, thực tế trình độ lực lượng sản xuất trên địa bàn huyện cũng như ở các xã nói riêng chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, như: trình độ người lao động về phổ biến còn thấp, không đồng đều, công cụ cơ giới hoá ít, tốc độ ứng dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật chậm,… ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Nghiên cứu thực trạng trình độ lực lượng sản xuất ở huyện Nga Sơn những năm qua cho thấy, lực lượng sản xuất vừa có ưu điểm, tích cực; vừa có những hạn chế cần khắc phục. Cụ thể:

Thứ nhất, ưu điểm của trình độ lực lượng sản xuất

Tổng số lao động toàn huyện là 84.798 người, chiếm 60.3% dân số; trong đó lao động có việc làm là 81.803 người, lao động qua đào tạo là 53.945 người, chiếm 65,95%; lao động chưa qua đào tạo là 27.858 người chiếm 34.05%; mở 75 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân.

Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện đã quan tâm đến việc chuyển đổi các mô hình sản xuất; nâng cao trình độ người lao động; ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa giống cây trồng vật nuôi có hiệu quả, năng suất, chất lượng cao vào trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, cụ thể như:

– Về trồng trọt:

Nga Sơn là vùng đất có nghề truyền thống trồng cói, người dân cần cù chịu khó, loại cói chuyên dùng để dệt nên những tấm chiếu vừa đẹp lại vừa bền. Trải qua hơn 150 năm tồn tại với bao thăng trầm, giờ đây, người dân Nga Sơn không đơn thuần chỉ dệt chiếu cói, nhiều sản phẩm từ cói đã được đôi bàn tay tài hoa, khối óc giàu tính sáng tạo của những người thợ đã “nâng đời” trở thành những mặt hàng thủ công mỹ nghệ với những nét hoạ tiết, văn hoa khác nhau dành cho xuất khẩu. Những tấm thảm lót sàn, chiếu xe đan, làn, dép đi trong nhà, đồ dùng trang trí,… đã có mặt tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Ngoài ra người dân Nga Sơn xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất chất lượng hiệu quả cao ở 12 xã với tổng diện tích 1.800ha; trồng khoai tây liên kết sản xuất, tiêu thu sản phẩm 301,2 ha; năng suất 18.2 tấn/ha giá trị đạt 122.4 triệu /ha/vụ; diện tích dưa hấu được nhân rộng, năm 2018 gần 180ha, 6 tháng đầu năm 2019 diện tích dưa hấu là 117 ha năng suất đạt 28.5 tấn/ha/vụ, giá trị đạt 250 triệu đồng/ha/vụ; sản suất rau củ quả trong nhà kính, nhà lưới được 35.450m2; cho thu nhập từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm. Làm mô hình thí điểm khoai lang chế biến tinh bột diện tích 10.25 ha, năng suất 19tấn/ha, giá trị đạt 86 triệu đồng/ha/vụ; xây dựng vùng sản xuất rau an toàn chuyên canh tại 2 xã Nga Yên và xã Nga Thành với tổng diện tích 11ha cho giá trị thu nhập bình quân ngoài nhà lưới từ 250- 300 triệu đồng/ha/năm.

– Về chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản

Áp dụng khoa học kỹ thuật trong phòng trừ bệnh dịch cho đàn gia súc gia cầm cụ thể: Toàn huyện có 997 trang trại, gia trại tăng 701 trang trại so với năm 2010. Trọng lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2018 đạt 14.574 tấn, tăng gấp 2.08 lần so với năm 2010. Tỷ trọng nghành chăn nuôi trong nông nghiệp từ 27.8% năm 2010 lên 33.7% năm 2018. Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng năm 2018 đạt 7.018 tấn, trong đó sản lượng nuôi 4.482 tấn, sản lượng khai thác 2.536 tấn tăng 3.508 tấn so với cùng kỳ, gấp 2 lần so với năm 2010. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện 1.717,0 ha, trong đó diện tích nuôi nước ngọt là 920,0 ha, nước lợ là 427 ha, nước mặn (ngao) là 370 ha.

Kết quả toàn huyện đã duy trì tốc độ tăng trưởng khá, một số chỉ tiêu vượt so với cùng kỳ. Sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển ổn định và tương đối toàn diện. Lương thực bình quân đầu người đạt 417,8kg/người/năm, các loại cây trồng, vật nuôi hàng năm đều tăng, các giống lúa, ngô năng suất cao.

Ủy ban nhân dân huyện, các cấp uỷ, chính quyền địa phương chú trọng việc khuyến khích người dân đầu tư mua sắm máy móc, công cụ phục vụ sản xuất theo hướng cơ giới công nghệ, giảm dần công cụ lao động thủ công. Đến nay toàn huyện có 385 máy làm đất, 250 máy xay xát gạo, 57 máy cấy, 30 máy gặt đập liên hợp, có 217 tàu thuyền trong đó có 208 tào có chiều dài < 12m, 09 tàu có chiều dài > 12m…

Một số hộ liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài địa phương đầu tư mua sắm các phương tiện vận chuyển và sản xuất. Hiện toàn huyện có 250 ô tô vận tải vừa và nhỏ. Các loại máy móc trên đã góp phần giải phóng sức lao động, tăng thêm thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Hiện nay thu nhập bình quân đầu người là 44.1 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm còn 5 -7%/ năm.

Thứ hai, một số hạn chế của lực lượng sản xuất

Lực lượng sản xuất trên toàn huyện đã có sự thay đổi theo chiều hướng tiến bộ, nhưng thực tế hiện nay trình độ lực lượng sản xuất huyện Nga Sơn vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Cụ thể như:

Công cụ sản xuất vẫn còn thiếu và lạc hậu về chủng loại, chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân, đầu tư công cụ theo hướng công nghệ còn hạn chế: số lượng máy móc cơ giới trên địa bàn chưa đảm bảo yêu cầu sản xuất trong thực tế, chủ yếu là máy công suất nhỏ; kết cấu hạ tầng về thủy lợi, về giao thông, về điện tuy đã được đầu tư ở mức độ nhất định nhưng vẫn chưa đảm bảo tối đa nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống.

Do thu nhập thấp từ các nghề truyền thống của địa phương nên hầu hết người dân trong độ tuổi lao động có tay nghề đều đi ra các thành phố lớn làm ăn không còn mặn mà với đồng ruộng, lực lượng lao động trong độ tuổi tại huyện đông nhưng trình độ còn han chế, do đa số lao động chưa qua đào tạo, một số đã qua đào tạo nhưng chuyên môn kỹ thuật còn thấp nên nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất và các ngành nghề mới trong huyện. Trình độ lao động chủ yếu thông qua kinh nghiệm và tiếp thu từ các lớp tập huấn ngắn ngày, chủ yếu là đào tạo ngắn hạn (trình độ sơ cấp), thiếu lực lượng lao động có trình độ, kỹ năng,…số đã đào tạo gắn với trình độ phát triển của công nghệ còn ít. Vì vậy, rất khó khăn cho việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nhất là chuyển đổi cây tròng vật nuôi gắn thế mạnh của huyện. Bên cạnh đó, ý thức của người lao động chưa cao, nhất là ý thức trong việc sản xuất hàng hoá, thường là thấy cái gì có lợi trước mắt thì làm, không tính đến hiệu quả lâu dài; tốc độ, quy mô ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuấn còn nhiều hạn chế: do số lượng người có trình độ và được chuyển giao kỹ thuật nuôi, trồng, chăm sóc các loại cây, con mới rất ít; sự trông chờ ỷ lại của một bộ phận người lao động; các khu kinh tế tập trung, cụm công nghiệp chưa hình thành. Công tác đào tạo nghề còn nhỏ lẻ và không mang tính hiệu quả cao sau đào tạo.

Vì vậy, trong những năm tới, cấp uỷ, chính quyền và nhân dân huyện Nga Sơn cần thực hiện những giải pháp phù hợp hơn nữa để phát triển lực lượng sản xuất địa phương. Cụ thể:

Thứ nhất, đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiếp tục hợp tác xuất khẩu lao động.

Đẩy mạnh tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân nhận thức rõ ý nghĩa, mục đích của việc đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực, về lao động, việc làm giúp nhân dân có định hướng xác định nghề, xác định phương thức sản xuất kinh doanh. Trong việc đào tạo nghề cho nông dân cần chú ý đào tạo cả trình độ chuyên môn, kỹ thuật cả ý thức nghề; chú ý liên kết với các trung tâm dạy nghề và trung tâm đào tạo cộng đồng để mở các lớp chuyển giao kỹ thuật về giống, kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ cây trồng, vật nuôi; chế biến nông sản… Mở rộng loại hình và đối tượng đào tạo; đồng thời tăng cường đào tạo ngành nghề mới gắn với lợi thế của địa phương; đẩy mạnh công tác khuyến nông. Có chính sách khuyến khích, thu hút và sử dụng học sinh, sinh viên tốt nghiệp các trường trung cấp, cao đẳng, đại học về phục vụ ở địa phương.

Tăng cường và đẩy mạnh hợp tác xuất khẩu lao động với các thị trường truyền thống phù hợp với trình độ lao động của huyện, từng bước nâng cao chất lượng lao động phục vụ nhu cầu xuất khẩu và phát triển kinh tế địa phương.

Thứ hai, đổi mới cơ chế chính sách để thu hút đầu tư, tạo việc làm tại chỗ cho nhân dân; hỗ trợ đầu tư giúp các vùng khôi phục, bảo tồn và phát huy các ngành nghề truyền thống, đồng thời tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật và từng bước cơ giới hóa trong sản xuất.

Có cơ chế phù hợp thu hút đầu tư mua sắm máy móc phục vụ sản xuất, đồng thời tạo điều kiện cho người lao động học tập để có thể sử dụng các loại máy đó. Đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ cho sản xuất, nhất là tu bổ, nâng cấp và kiên cố hóa các công trình thủy lợi để bảo đảm chủ động tưới tiêu.

Chú trọng việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ hàng hóa nông sản; liên kết với các cơ sở, nhà máy thu mua, chế biến sản phẩm đảm bảo đầu ra để nhân dân yên tâm đầu tư sản xuất. Mở rộng chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng trang trại, gia trại. Chú trọng sản xuất những hàng hóa có thị trường rộng, truyền thống.

Có kế hoạch khôi phục nghề truyền thống như dệt chiếu, đồng thời tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm này.

Thứ ba, đổi mới cơ chế chính sách quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên hợp lý.

Tập trung lãnh đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Tuyên truyền hiệu quả mô hình cây dưa hấu, cánh đồng lớn và nhân ra diện rộng; tổ chức chỉ đạo tích tụ, tập trung đất đai theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TU; tiếp tục tổ chức thực hiện Nghị quyết 03-NQ/HU của BCH Đảng bộ huyện về “Nâng cao hiệu quả sản xuất ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện, giai đoạn 2016 – 2020; Nghị quyết 05-NQ/HU về “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thủ công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn huyện, giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025”. Chỉ đạo vận động nông dân cải tạo vườn tạp thành vườn hàng hóa; xây dựng tiêu chí vườn hộ, xây dựng thí điểm vườn mẫu ở các xã có điều kiện; tập trung phát triển sản xuất trên các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghệ cao;nhân rộng mô hình sản xuất cây trồng trong nhà lưới có hiệu quả kinh tế cao; thực hiện có hiệu quả Đề án củng cố nâng cấp công trình thuỷ lợi; thực hiện kế hoạch nạo vét kênh mương, đảm bảo cho việc tưới, tiêu phục vụ sản xuất.

Tập trung thực hiện tốt chủ trương đưa cơ giới hóa vào sản xuất ở những nơi có thể, đồng thời áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, tiến tới nuôi tập trung theo mô hình trang trại. Chú trọng quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chủ động quỹ đất để đầu tư xây dựng các trang trại, gia trại trồng các loại rau màu, hoa quả, các giống lúa lai, lúa thơm, nuôi tôm hoặc nuôi lợn siêu nạc, gà lai, cá lai… theo từng vùng quy hoạch trên cơ sở đặc điểm của đất, cung cấp sản phẩm cho thị trường xã nhà và các xã lân cận, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Thứ tư, hình thành các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp; kết hợp đa dạng các loại hình kinh doanh dịch vụ; có chính sách hỗ trợ vay vốn sản xuất ưu tiên các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp góp phần đưa tỷ lệ thu nhập từ lĩnh vực nông nghiệp tăng lên.

Huyện phải chú trọng hình thành các hợp tác xã dịch vụ, như: hợp tác xã dịch vụ cung ứng các loại giống lúa, giống gia súc, gia cầm, giống rau màu, chăm sóc diều trị bệnh cây trồng vật nuôi… phục vụ cho trồng trọt, chăn nuôi trên địa bàn và các khu vực lân cận; có chính sách hỗ trợ các hợp tác xã dịch vụ như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu… hoạt động thường xuyên, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu sản xuất.

Tóm lại, để phát triển trình độ lực lượng sản xuất tại huyện Nga Sơn hiện nay, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên. Bên cạnh đó, cần có những cơ chế, chính sách nhằm phát triển trình độ lực lượng sản xuất một cách tốt nhất góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.

TH.S DƯƠNG BÁ TIẾN

Khoa Lý luận cơ sở, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa

 

 

14:06:58 24-03-2020

VHDN:Trong sự nghiệp đổi mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ,công bằng, văn minh, hiện nay lực lượng sản xuất được coi là yếu tố quan trọng hàng đầu, quyết định sự phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững nền kinh tế. Khi […]

Đối tác của chúng tôi