Sự kiện - chuyên đề:

Tập trung hơn nữa để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp

Yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Trần Văn Sơn nhấn mạnh khi chủ trì Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023, vừa diễn ra chiều nay (3/6), tại Hà Nội.

Quang cảnh Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023. Ảnh: HỒNG NHUNG

5 tháng, tình hình kinh tế-xã hội có nhiều điểm sáng

Thông tin tại Họp báo, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, 5 tháng đầu năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 25 Nghị định, 101 Nghị quyết, 15 quyết định quy phạm pháp luật, 618 quyết định cá biệt, 36 công điện, 17 chỉ thị.

Đặc biệt, lần đầu tiên Chính phủ tổ chức 26 Đoàn công tác do các thành viên Chính phủ chủ trì làm việc trực tiếp với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đã tiếp nhận hơn 1.000 kiến nghị, trong đó giải quyết ngay 300 kiến nghị và tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết các kiến nghị còn lại.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương thống nhất nhận định, tình hình kinh tế-xã hội nước ta trong tháng 5 tiếp tục được duy trì ổn định, chuyển biến tích cực với nhiều lĩnh vực cải thiện hơn so với tháng 4.

Nổi bật là, lạm phát giữ xu hướng giảm dần qua các tháng. Tình hình sản xuất kinh doanh có nhiều khởi sắc, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 2,2% so với tháng 4 và tăng 0,1% so cùng kỳ. Sản xuất nông nghiệp ổn định, xuất khẩu 1 triệu tấn gạo, trị giá 0,53 tỷ USD, tăng 41,1% về lượng và tăng 53,1% về trị giá so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 1,5% so với tháng 4 và tăng 11,5% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường giảm 22% so với tháng 4…

Tính chung 5 tháng, tình hình kinh tế-xã hội có nhiều điểm sáng: Lạm phát được kiểm soát. CPI bình quân 5 tháng tăng 3,55% so với cùng kỳ năm trước.

Thu đủ chi, thu NSNN ước đạt 769,6 nghìn tỷ đồng, bằng 47,5% dự toán. Xuất đủ nhập, xuất siêu 9,8 tỷ USD. Làm đủ ăn, xuất khẩu gần 3,9 triệu tấn gạo, trị giá gần 2,1 tỷ USD, tăng 40,8% về lượng và tăng 52% về giá trị.

Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, lãi suất điều hành giảm 3 lần liên tiếp, lãi suất cho vay được điều chỉnh giảm; tỉ giá ổn định, phù hợp với diễn biến thị trường; chủ động điều hành chính sách tiền tệ theo hướng phù hợp, chắc chắn, linh hoạt, chủ động và kịp thời.

Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, lãi suất điều hành giảm 3 lần liên tiếp, lãi suất cho vay được điều chỉnh giảm; tỷ giá ổn định, phù hợp với diễn biến thị trường; chủ động điều hành chính sách tiền tệ theo hướng phù hợp, chắc chắn, linh hoạt, chủ động và kịp thời.

Đầu tư được thúc đẩy, giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 31/5 đạt trên 157 nghìn tỷ đồng, bằng 22,22% kế hoạch, tăng 41 nghìn tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ, qua đó đã đẩy một lượng vốn lớn ra nền kinh tế, hỗ trợ đầu ra cho nhiều ngành, lĩnh vực, giải quyết việc làm…

Bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cũng thẳng thắn đánh giá, nước ta còn không ít tồn tại, khó khăn, thách thức phải đối mặt, cần xử lý. Trong đó nổi lên là, ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Lạm phát có xu hướng giảm nhưng vẫn chịu nhiều sức ép. Doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp tục gặp khó khăn, nhất là về khả năng tiếp cận vốn, đơn hàng sụt giảm. Mặt bằng lãi suất cho vay dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn thông tin tại Họp báo. Ảnh: HỒNG NHUNG

Ưu tiên thực hiện hiện quả hơn nữa mục tiêu tăng trưởng

Thời gian tới, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, Thủ tướng đã nêu các nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn, yêu cầu các Bộ, ngành địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả:

Cụ thể, từ kết quả thực hiện tốt mục tiêu kiểm soát lạm phát, tạo thêm dư địa từ nay tới cuối năm, cần ưu tiên thực hiện hiện quả hơn nữa mục tiêu tăng trưởng, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường, tận dụng tốt các cơ hội và tạo không gian phát triển mới.

Tập trung đẩy mạnh 3 động lực tăng trưởng. Về tiêu dùng, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, khai thác và phát triển mạnh thị trường trong nước; đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Về đầu tư, quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, xử lý, giải quyết nhanh các khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư; tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư. Về xuất nhập khẩu, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, giữ vững và củng cố các thị trường truyền thống hiện có; tận dụng tốt các FTA đã ký kết và đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định FTA mới.

Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Bảo đảm thanh khoản hệ thống các tổ chức tín dụng; kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu phát sinh. Tăng cường quản lý thu NSNN, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên.

Thực hiện tốt công tác lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch, bảo đảm tiến độ, chất lượng. Tiếp tục sắp xếp, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả, phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước tham gia vào các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia.

Đẩy nhanh các dự án công nghiệp có quy mô lớn, khuyến khích doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu; mở rộng đầu ra cho sản phẩm công nghiệp. Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Triển khai thực hiện tốt Quy hoạch điện VIII, xử lý dứt điểm những vấn đề tồn tại của Quy hoạch điện VII; bảo đảm không để thiếu điện…

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung hơn nữa đối với nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh; xử lý công việc và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại địa phương theo thẩm quyền, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm.

Tại Họp báo, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cùng đại diện các Bộ, ngành đã trả lời câu hỏi của các nhà báo về nhiều lĩnh vực được dư luận xã hội quan tâm như: Kết quả tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản; giải pháp sở hữu nhà ở cho người thu nhập thấp; giải pháp thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế; vấn đề đảm bảo sách giáo khoa cho năm học mới; giải pháp cho vấn đề thiếu điện…/.

Nguồn: Báo Kiểm toán

Chia sẻ
09:11:46 06-06-2023

Yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Trần Văn Sơn nhấn mạnh khi chủ trì Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023, vừa diễn ra chiều nay (3/6), tại Hà Nội. 5 tháng, tình hình kinh tế-xã hội […]

Chia sẻ

Đối tác của chúng tôi