Sự kiện - chuyên đề:

Thành Lập Trung Tâm Kiểm Soát Bệnh Tật

Cơ hội nâng cao chất lượng y tế dự phòng , y tế công cộng tại Thanh Hóa

VHDN: Với đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện có, việc thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước, hướng tới mô hình xây dựng một hệ thống kiểm soát bệnh tật thống nhất, hiệu quả cao.

Khai trương Phòng khám tư vấn sức khỏe cộng đồng và tiêm chủng vắc-xin dịch vụ tại Trung tâm YTDP tỉnh Thanh Hóa.

Ngày 19/4/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 1419/ QĐ-UBND về việc thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa. Đây là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế, được thành lập trên cơ sở tổ chức lại các Trung tâm Y tế tuyến tỉnh gồm: Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe và Trung tâm Phòng chống Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng tỉnh Thanh Hóa.

Việc thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh có những thuận lợi hết sức quan trọng, cơ bản và lâu dài để phát triển, đóng góp vào sự phát triển của ngành Y tế. Việc sớm ổn định tổ chức bộ máy và cán bộ, tạo được không khí phấn khởi, đoàn kết và hợp tác để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ, nhưng cũng đặt những yêu cầu phức tạp hơn đối với công tác chuyên môn; yêu cầu nâng cao năng lực, trình độ, tinh thần trách nhiệm, thay đổi tư duy, phương pháp quản lý, tổ chức, điều hành của đội ngũ cán bộ, viên chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Giám đốc Sở Y tế và Giám đốc TTYTDP thăm và chỉ đạo khắc phục bão lụt tại Trung tâm Y tế xã Trung Lý, huyện Mường Lát.

Thanh Hóa là tỉnh rộng, đông dân, giao thông chưa thuận lợi, nhất là vào mùa mưa lũ; trình độ dân trí không đồng đều, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn… Vì vậy công tác phòng chống dịch bệnh, quản lý bệnh tật, chăm sóc sức khỏe sinh sản,…còn là vấn đề cần quan tâm, giải quyết.

Hiện nay, Trung tâm có 224 cán bộ viên chức, lao động, trong đó số cán bộ có trình độ đại học và trên đại học y dược là 74 (chiếm 33%) được đào tạo theo chuyên ngành y tế công cộng, dịch tễ, sức khỏe sinh sản,… Trong những năm qua, các trung tâm đã cử các cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thuộc các lĩnh vực xét nghiệm, y học lao động, giám sát xử lý ổ dịch, dinh dưỡng, sức khỏe sinh sản, côn trùng – ký sinh trùng, do đó có đủ năng lực để tiếp nhận, làm chủ tiến bộ khoa học – kỹ thuật, ứng dụng vào công tác chuyên môn, các chương trình dự án quốc tế …

Trung tâm tăng cường chỉ đạo thực hiện các hoạt động chuyên môn. Trong công tác phòng, chống dịch bệnh: thực hiện giám sát, phát hiện bệnh sớm, khoanh vùng, xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh; xây dựng kế hoạch đáp ứng phòng chống dịch; đáp ứng đủ thuốc, hóa chất, vật tư, kinh phí để chủ động đối phó với dịch bệnh khi có tình huống khẩn cấp. Khống chế kịp thời các vụ dịch, hạn chế tỷ lệ mắc, không để xảy ra tử vong, không để dịch lây lan diện rộng. Triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động thuộc chương trình mục tiêu y tế – dân số và các hoạt động y tế khác: phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và các bệnh không lây nhiễm phổ biến; phòng chống HIV/AIDS; tiêm chủng mở rộng; chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em; y tế học đường; chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn, kiểm dịch y tế quốc tế; quản lý chất thải y tế, phun hóa chất diệt côn trùng… Xây dựng và từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của phòng khám đa khoa, chuyên khoa; thực hiện tốt phong trào đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh; triển khai thực hiện đầy đủ quy chế chuyên môn, kỹ thuật; đảm bảo cung ứng thường xuyên và đủ thuốc, vật tư hóa chất, sinh phẩm cho công tác phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh, các hoạt động y tế khác, phòng chống thiên tai thảm họa; quan tâm hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống bệnh tật, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe tại cộng đồng.

Ngành Y tế chỉ đạo xử lý sốt xuất huyết.

Bên cạnh nguồn lực về con người, Trung tâm đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và áp dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học phục vụ tốt nhiệm vụ chuyên môn. Hiện nay, Trung tâm đã được tiếp nhận nhiều trang thiết bị chuyên ngành như hệ thống máy ELIZA, máy sắc ký khí, máy sắc khí lỏng cao áp, máy UV-VIS, hệ thống máy xét nghiệm sinh học phân tử (PCR, Realtime PCR) và nhiều trang thiết bị chuyên môn khác. Các trang thiết bị này cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ triển khai nhiều kỹ thuật về huyết thanh, miễn dịch để chẩn đoán và phát hiện sớm các bệnh: Cúm A/H1N1, H5N1, sốt xuất huyết, HIV, viêm gan B, C, viêm não B, thương hàn, một số loại độc chất trong thực phẩm… Bên cạnh đó, Trung tâm cũng là đơn vị thực hiện các chỉ tiêu xét nghiệm về môi trường, y học lao động, thực phẩm. Hiện tại Trung tâm đã đáp ứng 100% nhu cầu xét nghiệm, đặc biệt là các ca nghi bệnh dịch xét nghiệm theo chỉ định và đã triển khai được các xét nghiệm dịch tễ chẩn đoán tác nhân gây bệnh dịch như: Cúm, sởi, viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết và một số loại vi rút khác; các loại vi khuẩn gây bệnh đường ruột như: tả, lỵ, thương hàn.

Lĩnh vực quan trắc môi trường lao động, Trung tâm đã có các trang thiết bị đo nhanh quan trắc tại thực địa, thiết bị có thể đáp ứng được 120 chỉ tiêu khí cơ bản; phòng xét nghiệm nước đạt 15 chỉ tiêu xét nghiệm nhóm A theo quy định của Bộ Y tế đạt tiêu chuẩn ISO duy trì từ năm 2014 đến nay. Đồng thời, Trung tâm đã triển khai được kỹ thuật xét nghiệm sinh học phân tử, kỹ thuật gen trong chẩn đoán dịch bệnh – là một trong số không nhiều các tỉnh, thành trong nước có thể xét nghiệm chẩn đoán các bệnh: Cúm A, cúm B, sốt xuất huyết; sởi; định lượng được nồng độ vi rút (viêm gan, viêm não Nhật Bản, HIV…); kiểm nghiệm các chỉ tiêu xét nghiệm về môi trường, y học lao động, thực phẩm.

Với đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện có, việc thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước, hướng tới mô hình xây dựng một hệ thống kiểm soát bệnh tật thống nhất, hiệu quả cao; đảm bảo đủ khả năng dự báo, kiểm soát các bệnh lây nhiễm, bệnh không lây nhiễm và các bệnh liên quan đến môi trường, lối sống. Trung tâm sẽ giúp nâng cao chất lượng phòng, chống bệnh tật, đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong tỉnh; giúp người dân thuận lợi hơn khi đến thăm khám, tiêm chủng và làm các kỹ thuật cao, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe ban đầu tại cộng đồng.

TTƯT, TS. LƯƠNG NGỌC TRƯƠNG – Giám đốc Trung tâm

14:21:08 12-08-2019

VHDN: Với đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện có, việc thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước, hướng tới mô hình xây dựng một hệ thống kiểm soát bệnh tật thống nhất, hiệu quả […]

Đối tác của chúng tôi