Sự kiện - chuyên đề:

Thượng tướng Hoàng Minh Thảo và chiến dịch giải phóng Tây Nguyên

VHDN: Cuộc đời của Giáo sư, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo gắn liền với sự nghiệp giải phóng dân tộc, đi đến thống nhất nước nhà. Ông chính là vị Tư lệnh đánh mở cửa trận thắng vang dội ở Buôn Ma Thuột – một chiến thắng có ý nghĩa chiến lược, ảnh hưởng trực tiếp đến thắng lợi của chiến cục Mùa Xuân năm 1975.

Ngày 10/2/2017, tôi đến thăm bác sĩ Nguyễn Đình Lễ ở khu tập thể Nam Đồng, phố Trần Hữu Tước, Hà Nội. Ông là người trực tiếp phục vụ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên Hoàng Minh Thảo từ tháng 11/1974 đến năm 1980. Bác sĩ niềm nở đón tôi bằng nụ cười tươi, ông kể: Tháng 11 năm 1974, tôi đang công tác ở Viện 108, được đi chi viện chiến trường. Đồng chí ở Cục cán bộ hỏi thăm sức khỏe cha mẹ tôi. Tôi nói cha mẹ tôi khỏe cả. Thực ra, lúc đó cha mẹ tôi đang đau yếu, nhưng tôi biết, những người đi B được đơn vị, hậu phương quan tâm tốt tới gia đình, nên tôi thấy yên tâm. Tôi vào Trạm 66 ở Phan Đình Phùng (Hà Nội), mới biết mình được đi phục vụ, chăm sóc sức khỏe cho Tư lệnh Hoàng Minh Thảo. Là người trực tiếp chăm lo sức khỏe cho tướng Hoàng Minh Thảo trong những ngày chuẩn bị chiến dịch Tây Nguyên, tôi thấy Tướng Thảo vẫn điềm tĩnh, sinh hoạt ngủ nghỉ điều độ như thường lệ… Buổi sáng, đánh răng rửa mặt xong, ông hay cầm cái ca tưới nước nhè nhẹ lên giò hoa phong lan đai châu trắng muốt. Mỗi khi di chuyển vị trí, ông buộc giò hoa phong lan chắc chắn ở sau xe ô tô. Buổi tối, châm thuốc lá xong ở ngọn đèn dầu, ông vẫn thường dùng quyển sách lùa ánh sáng đèn hướng về một phía để cho tôi ngồi đọc sách. Bước vào chiến dịch, Tướng Hoàng Minh Thảo, tôi và Bí thư Nguyễn Xuân Yêm cùng ngồi trên chiếc U-oát chạy dưới vòm le, rừng săng lẻ, khi đi vào rừng khộp có tiếng tắc kè chậm rãi điểm nhịp,… rồi cả khu rừng vang rộn bản hòa tấu: Tắc kè, tắc kè… Có khi xe lại chạy trên những gốc cây mới cưa sát gốc, xóc nẩy người đụng đầu lên trần xe, cứ nghĩ là có khi đi bộ còn dễ chịu hơn…

Ở hầm tiền phương, quá đêm 9/3/1975, không thấy Tướng Thảo về ngủ, tôi nghĩ là ông bận họp. Đến rạng sáng ngày 10/3/1975, đang nghỉ ở trong hầm chữ A, tự nhiên nghe tiếng đạn choét, cheo, chéo… rất gần, hỏi anh em bảo vệ mới biết là ta đang đánh nhau với địch – đó là trận Buôn Ma Thuột, trận chiến mở màn cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Chiến dịch Tây Nguyên toàn thắng, quân ta tiến về đồng bằng. Tướng Thảo là Chủ tịch Ủy ban quân quản Mặt trận Quảng Đà. Đường phố ngổn ngang xe cộ, vật dụng, quân trang, quân dụng, khí tài, đạn dược, tàu bay, tàu chiến, bến cảng, v.v,… “Giữa đống tro tàn, tay ta nhóm lửa”, cách gìn giữ lửa cách mạng trong mỗi người dân, nung nấu trong người chiến sĩ Hoàng Minh Thảo. Tướng Thảo có lúc trao đổi tâm tư với anh em, rồi lại toan tính, nghĩ suy cho phù hợp thế trận, phải tăng gia, thực túc binh cường. Ấy, là “ngự nông ư binh” nhuần nhuyễn trong người chiến sĩ cách mạng. Quân đội nhân dân là môi trường đào tạo, rèn luyện ý chí, bản lĩnh người chiến sĩ đi qua trận mạc, tự hào lớn lên theo nhịp sống cách mạng. Phải xây dựng chính quyền cách mạng. Tiến hành ngay công tác quân quản cách mạng ngay khi kết thúc chiến tranh chỉ vài tuần để ổn định đời sống xã hội. Phải áp dụng ngay thể chế Nhà nước Dân chủ.

Lo cho cuộc sống bộ đội đã khó khăn, nay phải lo cho đời sống dân sinh, sẽ có nhiều bỡ ngỡ? Phải giữ nghiêm kỷ luật đạo đức quân nhân cách mạng “không được tơ hào cái kim, sợi chỉ của dân” là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt. Ông và những đồng đội của ông đã thực hiện rất tốt điều đó. Từ đội quân chiến đấu vì chính nghĩa, nay trở về đội quân công tác và đội quân chiến đấu, càng thấy sự nhuần nhuyễn uyển chuyển từ trong con tim, khối óc nghĩa tình truyền thống của “Ông cha ta đánh giặc” đã thấm vào binh sĩ dưới quyền của Chủ tịch Ủy ban Quân quản, đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử quân sự, cũng như lịch sử dân tộc. Quốc gia Việt Nam do nhân dân Việt Nam tự quyết, tự giải quyết tình trạng thực tế của mình. Các nước khác không được can thiệp vào.

Đây là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, đổi đời chưa từng có đối với mỗi con người ở vùng I chiến thuật chế độ Mỹ – Thiệu. Chính vì thế, Tướng Hoàng Minh Thảo lúc bấy giờ cũng như sau này “không công thần, tư lợi, vun vén,…”, “quyết sách chiến lược cho đến sau này…” (Nhận xét của Quân ủy Trung ương).

Nhờ vậy, chính quyền nhân dân từ Bắc chí Nam đứng vững. Quảng Đà tiêu biểu cho tinh thần độc lập, tự do của Tổ quốc. Tướng Thảo giọng vang như chuông, tự nhận xét: Về kinh nghiệm tác chiến chỉ huy trong chiến tranh nhân dân ở Tây Nguyên, và tự phê vùng chiến thuật I có cả biển đảo thì kinh nghiệm hiểu biết vùng I này còn ít, cần phải nghiên cứu nhiều hơn binh pháp thủy chiến Lý – Trần, bám sát thực tế hơn, ngư dân còn nhiều hạn chế, nhà nước kinh tế còn eo hẹp lắm,… Nó là thực tế! Tướng Thảo cười, nói lời từ tâm khảm… mình yếu ở mặt đó: “Thủy chiến đời Lý – Trần phải nói đệ nhất!”. Các anh lãnh đạo cất nhắc Tướng Thảo, nhưng ông khiêm tốn nói rằng: Tôi cần học tập, bổ túc thêm mới đóng góp tổng kết chiến tranh được. Vì phải liên tục trận mạc, nhớ vợ con gia đình, chứ đánh nhau là nghiệp không thể để đến đời con cháu phải khổ.

Cố học tập ông cha, bạn bè! Thua thầy một vạn không bằng kém bạn một ly!… Kỉ luật quân đội rất nghiêm minh! Nghiền ngẫm Hiến pháp năm 1946 chỉ đạo chủ quyền nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa – là nền tảng đầu tiên cực kì quan trọng của thể chế quốc gia dân chủ nhân dân tại Việt Nam, là cơ sở để ta củng cố chính quyền trong khi thực hiện quân quản. Đà Nẵng là thành phố có vị trí địa chính trị rất lớn, vững – có sức mạnh to lớn, là ý chí không lay chuyển của khối đoàn kết toàn dân quyết tâm giữ vững quyền làm chủ, đánh bại mọi âm mưu thủ đoạn chia rẽ và lật đổ, là cơ sở để bộ đội hoàn thành nhiệm vụ. Các nước khác không được can thiệp.

Các thế lực thù địch, phản động buộc phải công nhận chính nghĩa cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước Việt Nam. Cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975, chúng ta có nhiều cơ sở pháp lí cho cuộc đấu tranh chính trị, ngoại giao, kinh tế với kẻ thù, tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ, đoàn kết của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới đối với cuộc chiến đấu chính nghĩa của quân đội, của nhân dân cả nước ta. Nó thực sự nâng tầm người chiến sĩ quân nhân cách mạng Việt Nam – Quân nhân cách mạng với Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa trên trường quốc tế. “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”, lời Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đọc tại Lễ truy điệu Bác Hồ ngày nào như còn vang vọng và được khắc ghi trong trái tim Tư lệnh Hoàng Minh Thảo! Phải kiên trì, kiên trì nguyên tắc tôn trọng toàn dân, tôn trọng quốc tế. Đoàn kết, đại đoàn kết quốc tế để giữ vững độc lập, tự do cho Tổ quốc. Thật sâu lắng trong tôi khi suy nghĩ viết ra đây những dòng này về Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo. Ông đúng là Người Thầy phương Đông “Tiến vi quan, lui vi sư”!

Trần Minh Thu

 

15:05:27 17-04-2020

VHDN: Cuộc đời của Giáo sư, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo gắn liền với sự nghiệp giải phóng dân tộc, đi đến thống nhất nước nhà. Ông chính là vị Tư lệnh đánh mở cửa trận thắng vang dội ở Buôn Ma Thuột – một chiến thắng có ý nghĩa chiến lược, ảnh hưởng trực […]

Đối tác của chúng tôi