Sự kiện - chuyên đề:

Tiền Giang phát huy tiềm năng, lợi thế trong nông nghiệp

Tiền Giang là địa phương có rất nhiều đặc sản truyền thống nổi tiếng ở thị trường trong và ngoài nước trong đó có nhiều thương hiệu riêng có của Tiền Giang, nhưng việc phát triển các sản phẩm này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại Tiền Giang được kỳ vọng là “cú huých”, góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm truyền thống, nâng cao giá trị sản phẩm.

Tiền Giang phát huy tiềm năng, lợi thế trong nông nghiệp

Thu mua bưởi da xanh tại xã Tân Mỹ Chánh, TP Mỹ Tho.

Tiềm năng của các sản phẩm chủ lực

Chương trình OCOP Tiền Giang đã được nhiều người dân và đơn vị sản xuất tại địa phương nhiệt tình đón nhận. Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi – Thủy sản Gò Công Nguyễn Quốc Kiệt cho biết: “Khi tỉnh triển khai chương trình OCOP, HTX tham gia ngay vì đây là cơ hội để sản phẩm của mình được nhiều người biết hơn. Hiện, HTX có 30 hộ ở 13 xã thuộc hai huyện: Gò Công Tây, Gò Công Ðông và thị xã Gò Công với tổng đàn gà khoảng 80 nghìn đến 120 nghìn con. Các trang trại đều chăn nuôi theo mô hình chuỗi giá trị, an toàn sinh học, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nên tôi tự tin sản phẩm gà ta Gò Công có thể đạt tiêu chuẩn 3 sao. Ðiều quan trọng là đầu ra sản phẩm của nông dân được bảo đảm vì HTX đã liên kết tiêu thụ trong các siêu thị như: Co.op Mart, BigC và nhiều cửa hàng tiện ích. Chúng tôi đang chuẩn bị tiếp đón đoàn đối tác In-đô-nê-xi-a tới khảo sát để ký hợp đồng xuất khẩu. Ðồng thời đang có kế hoạch triển khai tua du lịch tham quan mô hình chăn nuôi và thưởng thức các món ăn chế biến từ gà Gò Công”.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè Nguyễn Văn Tú, huyện hiện có hai sản phẩm thế mạnh là xoài cát Hòa Lộc và sản phẩm du lịch làng cổ Ðông Hòa Hiệp. Xoài cát Hòa Lộc là sản phẩm chủ lực của huyện đang tiêu thụ rất ổn định, giá cao ở thị trường trong nước và xuất khẩu đi Trung Quốc, Nhật Bản. Huyện đang kiên trì thực hiện đề án nhân rộng mô hình chuyển đổi cây trồng sang trồng xoài cát Hòa Lộc theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để giúp nông dân tăng thu nhập, phát triển kinh tế. Riêng sản phẩm du lịch làng cổ Ðông Hòa Hiệp, làng đã được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và hằng năm thu hút khoảng 200 nghìn khách du lịch, chủ yếu là khách nước ngoài. Mục tiêu của huyện là đến năm 2020, hai sản phẩm OCOP này sẽ được xếp hạng tiêu chuẩn 3 sao.

Dù các sản phẩm được chọn phát triển, chuẩn hóa trong Chương trình OCOP Tiền Giang đều là những thương hiệu đã được biết đến không chỉ trong và ngoài nước, nhưng việc chế biến, tiêu thụ sản phẩm còn gặp không ít khó khăn, trở ngại khi nhắm tới mục tiêu phát triển bền vững và mang lại thu nhập ổn định cho người dân tham gia sản xuất.

Bí thư Ðảng ủy xã Tân Mỹ Chánh (thành phố Mỹ Tho) Lê Ngọc Hóa cho biết, xã đã đăng ký tham gia Chương trình OCOP Tiền Giang cho sản phẩm bưởi da xanh Mỹ Tho. Lợi thế của sản phẩm này là đã có vùng trồng chuyên canh theo tiêu chuẩn VietGAP. Toàn xã hiện có 150 ha bưởi da xanh, trong đó diện tích đang cho thu hoạch khoảng 100 ha. Với mức giá bình quân 30 nghìn đồng/kg, thu nhập từ bưởi cao gấp 10 lần trồng lúa. Các tổ hợp tác ở đây làm đầu mối để các hộ nông dân giao hàng cho Công ty Hương Miền Tây mỗi tháng ba lần. Tuy nhiên, đây chưa phải là cách làm mang hiệu quả lâu dài vì xã vẫn chưa có nhà máy sơ chế, đóng gói sản phẩm. Nông dân phải “tự bơi”, tự lo đầu ra sản phẩm bằng cách bán thô qua trung gian nên chưa nâng cao được giá trị bưởi da xanh. Tương tự, tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Nguyễn Hồ, xã Long An, huyện Châu Thành, Giám đốc Trần Nguyễn Hồ cho biết, dù trứng cút Nguyễn Hồ của HTX đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản nhiều năm nay với sản lượng 300 nghìn quả trứng mỗi ngày, nhưng thị trường trong nước vẫn chưa phát triển tương xứng do thiếu kênh phân phối sản phẩm. Vì vậy, Chương trình OCOP của tỉnh Tiền Giang sẽ là cơ hội tốt để tiêu thụ sản phẩm của HTX với việc kết nối thuận tiện trong giao dịch và chi phí rẻ hơn.

Cần sự vào cuộc tích cực hơn

Chương trình OCOP giai đoạn 2019 – 2020 của tỉnh Tiền Giang vừa được triển khai với đa mục tiêu, trong đó hướng tới phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, ưu tiên phát triển HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế, đạt tiêu chuẩn quốc gia; có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh… Trước mắt, Chương trình OCOP Tiền Giang tiêu chuẩn hóa ít nhất 10 sản phẩm chủ lực hiện có trên địa bàn như: xoài cát Hòa Lộc; sầu riêng và các sản phẩm chế biến từ sầu riêng; khóm tươi, mứt khóm; bánh bún hủ tiếu Mỹ Tho; lạp xưởng tươi Cai Lậy; thanh long Chợ Gạo; gà ta Gò Công; mắm tôm chà Gò Công… Ðồng thời, phát triển ít nhất hai làng văn hóa du lịch đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí sản phẩm OCOP là làng cổ Ðông Hòa Hiệp ở xã Ðông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè; du lịch Thới Sơn ở xã Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Tiền Giang Dương Văn Bon nhận định, mô hình OCOP cần khuyến khích người dân sử dụng nguồn nguyên liệu có sẵn tại chỗ, dựa vào tri trức truyền thống bản địa để làm ra sản phẩm đặc trưng của địa phương mình. Với ý tưởng này, các sản phẩm OCOP đã và sẽ được hỗ trợ đăng ký thương hiệu và quảng bá để nâng cao giá trị gia tăng. Dựa trên cơ sở đó, nếu có sự hướng dẫn, hỗ trợ của Nhà nước, của các nhà khoa học, biết tổ chức và kết hợp các điều kiện tự nhiên, xã hội và có được sự hưởng ứng, tham gia của cộng đồng, thì sẽ tạo ra các sản phẩm đặc trưng riêng cho từng địa phương, sản phẩm OCOP, góp phần tăng thu nhập và xóa đói, giảm nghèo cho người dân. Vừa qua, Sở KH&CN đã hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho nhiều sản phẩm thuộc danh mục phát triển sản phẩm OCOP. Ðơn cử như cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý xoài cát Hòa Lộc cho HTX Hòa Lộc. Dự kiến trong tháng này, Sở sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “sầu riêng Cai Lậy” cho Hội làm vườn huyện Cai Lậy. Trong quý II-2019, Sở sẽ làm việc với các địa phương để xây dựng các nhãn hiệu “lạp xưởng Cai Lậy”, “bưởi da xanh Mỹ Tho”, “gạo VD20 Gò Công”…

Theo Bí thư Ðảng ủy xã Tân Mỹ Chánh (thành phố Mỹ Tho) Lê Ngọc Hóa, người dân trồng bưởi ở Tân Mỹ Chánh rất mong muốn Nhà nước có chiến lược phát triển sản phẩm bưởi da xanh thật rõ ràng. Ở thành phố Mỹ Tho có khu vực xã Ðạo Thạnh và Tân Mỹ Chánh có diện tích bưởi da xanh rất lớn thì phải tập trung đầu tư có chiều sâu để phát triển thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm, phải tăng cường liên kết, củng cố hạ tầng giao thông… Những việc này lâu nay đã triển khai nhưng chưa đạt kết quả thực chất, cho nên chưa nâng cao được giá trị sản phẩm. Dù rất quyết tâm nâng tầm các tổ hợp tác lên thành HTX vào cuối năm nay nhưng nỗi lo tìm nguồn kinh phí để trả lương vận hành bộ máy vẫn đang canh cánh trong lòng những người trong cuộc.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn cho rằng, Chương trình OCOP Tiền Giang cần sự vào cuộc của các cấp, ngành để khơi dậy được tiềm năng, lợi thế từng vùng, địa phương phát triển sản phẩm của mình. Lâu nay, các sản phẩm chủ yếu sản xuất theo cách truyền thống, tiêu thụ qua các kênh truyền thống nhưng nay sản phẩm được quảng bá rộng rãi, được tiếp cận các kênh tiêu thụ hiện đại như Co.op Mart giúp sản phẩm được nhiều người biết đến hơn. Do đó, phải thực hiện sản xuất theo chuỗi mới mang lại hiệu quả, đồng thời, tỉnh cần tập trung công tác chỉ đạo, triển khai kế hoạch. Trong đó, các sở, ngành có vai trò quan trọng hỗ trợ địa phương và cơ sở. Ngược lại, các địa phương phải có kế hoạch rà soát trên địa bàn tất cả các sản phẩm truyền thống, lựa chọn những sản phẩm có ưu thế để phát triển, chuẩn hóa sản phẩm OCOP của tỉnh. Ðến năm 2020, tỉnh sẽ định hình được những sản phẩm chủ lực, sau đó sẽ nhân rộng ra nhiều sản phẩm mới.

theo ND

13:58:17 08-04-2019

Tiền Giang là địa phương có rất nhiều đặc sản truyền thống nổi tiếng ở thị trường trong và ngoài nước trong đó có nhiều thương hiệu riêng có của Tiền Giang, nhưng việc phát triển các sản phẩm này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Chương trình mỗi […]

Đối tác của chúng tôi