Sự kiện - chuyên đề:

Trí tuệ, đức hy sinh và tinh thần vượt khó sự kiết tinh trong tâm hồn người lính người thầy

VHDN:Cách đây hơn 40 năm, trước Lệnh Tổng động viên của Chủ tịch nước khi chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, tại Trường sư phạm 10+ 3 Thái Bình, đa số nam sinh đã nhận lệnh lên đường nhập ngũ. Tuy chuyển sang một môi trường hoàn toàn khác, nhưng ở đâu, làm việc gì, họ đều là những người luôn mang trong mình trí tuệ của người thầy, tinh thần vượt khó và đức hy sinh của người lính. Nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Tạp chí Văn hóa Doanh nghiệp Việt nam xin trân trọng giới thiệu bài viết của ông Phạm Ngọc Quốc, cựu giáo sinh Sư phạm, tham gia quân ngũ tháng 12/1978.

Cựu giáo sinh Sư phạm 10+3 Thái Bình gặp mặt nhân Kỷ niệm 40 năm ngày ra trường.

Cách đây hơn 40 năm, chúng tôi những giáo sinh sắp ra trường của Trường Sư phạm 10+3 Thái Bình (nay là Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình) nhận lệnh nhập ngũ lên đường bảo vệ Tổ quốc. Vinh dự là lớn lao, trách nhiệm thật nặng nề, sự đổi thay là quá lớn và khó lường hết được. Ngày 7/12/1978- ngày bước chân vào quân ngũ thực sự là dấu mốc nhớ nhất trong chuỗi kỷ niệm về Trường Sư phạm thân yêu, là ký ức không phai mờ của những người lính khi phải xa trường, xa thầy, xa bạn. Và cũng là kỷ niệm thật khó quên của người ở lại- một khoảng trống thật khó lấp đầy !

40 năm, giờ nhớ lạị, thấy cuộc sống, sự nghiệp, đời lính của 33 giáo sinh chúng tôi chính là những ký ức đẹp, không thể phai mờ. Còn nhớ, ngày đầu nhập ngũ và cả 3 tháng huấn luyện tân binh, chúng tôi cùng ở, cùng học tập, cùng rèn luyện trong một đơn vị (C11, D3, E856), đóng quân tại Thái Xuyên- xã giáp Thái Đô- nơi thầy cô, bạn bè tôi vẫn ngày ngày lên lớp. Phải chuyển sang một môi trường hoàn toàn khác mà trong đó đầy sự gian khó, vất vả, kỷ luật lại nghiêm minh, những “cậu ấm” chúng tôi không khỏi không có lúc dao động, chán nản. Những khi như vậy, thường chúng tôi nghĩ về mái trường, bạn bè, thầy cô mình. Thật kỳ diệu, chính môi trường giáo dục Sư phạm đã thực sự là sự khởi nguồn, là cứu cánh, là niềm tin nâng đỡ chúng tôi trong mọi suy nghĩ và hành động của mình.

Chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra vào tháng 2- 1979, báo hiệu sự bắt đầu cuộc chia ly của tập thể 33 chiến sỹ Sư phạm. Đêm 18- 2- 1979, chỉ sau một ngày chiến tranh biên giới xảy ra, tất cả chúng tôi nhận lệnh lên đường, trong đó có 13 chiến sỹ lên biên giới Lạng Sơn- nơi đang diễn ra cuộc chiến ác liệt giữa bộ đội và nhân dân ta với bọn Bành trướng xâm lược Trung Quốc. Số còn lại được tiếp tục cử đi học Tiểu đội trưởng tại E856 thuộc BCHQS tỉnh Thái Bình và về các đơn vị thuộc Quân chủng Phòng không. Cả 3 môi trường mà chúng tôi được nhận về làm nhiệm vụ đều rất gian khổ, hy sinh. Mồ hôi và nước mắt đã đổ trên thao trường. Máu đã đổ trên chiến trường. Chính tại biên giới Lạng Sơn, kẻ thù đã cướp đi đôi chân của người bạn, người đồng chí đồng đội Tăng Văn Hải. Gian khó là vậy, hy sinh là thế, nhưng không ai bỏ cuộc. Ý thức rằng vì đã được đào tạo trong môi trường Sư phạm nên mỗi chúng tôi đều biết vượt khó đi lên, và quan trọng hơn đều biết sử dụng kiến thức đã học từ nhà trường Sư phạm áp dụng hiệu quả vào thực tế cuộc sống nơi thao trường và trên chiến trường chống quân bành trướng Trung Quốc. Những tri thức đó không chỉ có ích cho thời gian trong quân ngũ, mà thực sự đã là nền tảng, là gốc rễ cho sự phát triển nhân cách, lối sống về sau của mỗi chúng tôi.

Cựu giáo sinh – thương binh 1/4 Tăng Văn Hải (ngồi) cùng các thầy giáo và bạn đồng môn Sư phạm 10+3 Thái Bình.

Vài năm sau khi chiến tranh dần qua đi, đa số chúng tôi được xuất ngũ (số này chủ yếu là bộ đội chiến đấu tại biên giới Lạng Sơn) được trở lại môi trường giáo dục, làm nghề mình đã chọn. Và từ đó đến nay, điểm đến của những người lính, con chữ của những người thầy đã chắp cánh cho bao thế hệ học sinh được bay cao, bay xa. Nhiều người đã trở thành nhà quản lý, hiệu trưởng có uy tín, giáo viên dạy giỏi, nhà giáo mẫu mực, có nhiều đóng góp thiết thực cho sự nghiệp trồng người.

Một số ít còn lại do chưa thật có duyên với nghề giáo và cũng là do mệnh mình nên chuyển sang công tác ở lĩnh vực khác thuộc các cơ quan pháp luật, tư tưởng văn hóa, báo chí và kinh doanh. Số này, đất “dụng võ” rộng hơn, đi xa hơn, nên cũng khá thành đạt trong sự nghiệp. Đa số công tác ở các cơ quan Trung ương, được giữ trọng trách cán bộ quản lý cấp vụ.Kiên định hơn là các bạn công tác trong môi trường quân đội. Đây là nhóm thành đạt hơn, đều trở thành Sỹ quan cao cấp, là Chỉ huy các đơn vị Quân đội, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là trụ cột cho hoạt động của Hội.

40 năm đã qua, đó là quãng đời có ý nghĩa nhất. Ở đó ghi dấu sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của mỗi cá nhân; ở đó ghi nhận sự cống hiến nhiều nhất, tinh túy nhất của mỗi chúng tôi cho xã hội, cho cuộc đời. Không gì khác, làm được như vậy vì chúng tôi đã từng được học tập và rèn luyện trong môi trường Sư phạm và môi trường quân đội.

40 năm đã trôi qua, kể từ ngày ấy, mỗi chúng tôi đã trải qua khá nhiều môi trường công tác, thuận lợi có, khó khăn có, thành công có, thất bại cũng từng gặp…điều đó như một lẽ thường tình. Nhưng những gì hôm nay chúng tôi có, những gì chúng tôi đã làm, dường như không ai phải day dứt hoặc ân hận, bởi trong công việc, trong xử thế, mỗi việc làm được đều in đậm đức hy sinh của người lính, trí tuệ của người thầy, tinh thần nhân văn của nhà giáo- người lính.

Phạm Ngọc Quốc

 

10:13:57 07-11-2019

VHDN:Cách đây hơn 40 năm, trước Lệnh Tổng động viên của Chủ tịch nước khi chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, tại Trường sư phạm 10+ 3 Thái Bình, đa số nam sinh đã nhận lệnh lên đường nhập ngũ. Tuy chuyển sang một môi trường hoàn toàn khác, nhưng ở đâu, làm […]

Đối tác của chúng tôi