Sự kiện - chuyên đề:

Văn hóa, đạo đức doanh nghiệp, doanh nhân theo tư tưởng Hồ Chí Minh

VHDN: Chủ tịch Hồ Chí Minh – Vị Lãnh tụ thiên tài, Anh hùng giải phóng dân tộc, Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Ngừơi có những đóng góp to lớn cho cách mạng thế giới và sự nghiệp giải phóng của các dân tộc bị áp bức. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người luôn kế thừa những giá trị tinh hoa của truyền thống văn hóa dân tộc và thế giới. Tư tưởng của Hồ Chí Minh về văn hóa, sự nghiệp Người để lại là hiện thân của tinh thần, tài năng và tâm hồn nghệ thuật của nhân dân Việt Nam kết tinh những tư tưởng, tình cảm, ước mơ lớn của nhân loại.

Theo Hồ Chí Minh, văn hóa làm nên nguồn lực xã hội to lớn, thấm sâu vào quá trình phát triển xã hội. Sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân có dấu ấn sâu sắc của văn hóa. Bác Hồ cho rằng bốn lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội phải được coi là bốn vấn đề quan trọng như nhau trong xây dựng và phát triển đất nước. Văn hóa không chỉ là kết quả của sự phát triển nhanh, bền vững đối với kinh tế mà còn là yếu tố quan trọng thúc đẩy tạo nên sự phát triển nhanh và bền vững của bốn vấn đề đó. Phải đặt yêu cầu phát triển văn hóa ngang tầm với phát triển kinh tế và sự phát triển đó phải hài hoà với nhau và thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Phải làm cho văn hóa đi sâu vào tâm lý quốc dân, đi vào cuộc sống mới. Văn hóa phải làm cho mọi người dân Việt Nam, từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà, ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình và biết hưởng hạnh phúc mà mình nên được hưởng”[1]. Văn hoá đạo đức mà Người ứng xử vừa văn minh lịch sự, vừa khiêm tốn, giản dị. Khi Xí nghiệp May X10 (nay là Tổng Công ty May l0) gửi biếu Bác bộ quần áo mới, Bác nhận song lại gửi lại cho xí nghiệp kèm theo dòng chữ: “Cảm ơn các cô, các chú đã biếu Bác bộ áo, Bác đã nhận rồi. Nay Bác gửi bộ áo ấy làm giải thưởng cho một đợt thi đua”[2]. Khi các nhà điêu khắc trong và ngoài nước xin được tạc tượng Bác, Người nói: “Không có nhân dân thì không có Bác, các chú hãy nặn tượng đồng bào, chiến sĩ, nặn tượng thanh niên, thiếu niên anh hùng”[3]. Như vậy, văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân theo Bác không chỉ là xây dựng đời sống, lối sống và môi trường kinh doanh lành mạnh, có văn hoá, có sự phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực mà còn là phát huy và thực hành dân chủ rộng rãi. Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, thì dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó quan hệ chặt chẽ với nhau. Có dân chủ và có phát huy dân chủ rộng rãi mới làm cho cán bộ và quần chúng đưa ra sáng kiến. Mà sáng tạo và phát minh của con người tức là văn hóa. Những sáng kiến đó được áp dụng và khen ngợi, thì những người đó càng thêm hăng hái. Và khi tăng thêm sáng kiến và hăng hái hơn thì khuyết điểm cũng bớt dần đi và ưu điểm cũng được nhân lên nhiều lần.

Văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân trong hoạt động, sản xuất kinh doanh ngày nay theo Bác Hồ, cần chú trọng đến văn hóa đạo đức, với các giá trị cốt lõi là cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, chống tham ô, lãng phí, quan liêu, nâng cao tinh thần, ý thức trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Xây dựng doanh nghiệp trong nước với nhiều thương hiệu mạnh, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao. Mỗi doanh nghiệp cần xây dựng văn hoá đạo đức doanh nghiệp của mình như là nét riêng, bản sắc riêng của doanh nghiệp. Bảo vệ và cải thiện môi trường vừa là văn hóa doanh nghiệp vừa có tính phát triển bền vững.

Trong văn hóa doanh nghiệp thì văn hóa doanh nhân là hạt nhân. Bởi vì con người là gốc của doanh nghiệp. Mọi việc đều do con người làm ra. Mọi sự thành công và thất bại của doanh nghiệp đều do doanh nhân tốt hay kém. Vì vậy, theo Người, phải gắn văn hóa doanh nhân với văn hóa quản lý, văn hóa pháp luật, văn hóa kinh doanh, văn hoá trong tổ chức Đảng và các tổ chức chính trị-xã hội của doanh nghiệp. Đây là những vấn đề hết sức lớn, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và khai thác một cách hiệu quả trong các hội thảo chuyên sâu, chuyên ngành.

Ngày nay, những di sản tư tưởng của Người về doanh nghiệp và doanh nhân vẫn mang tính thời sự nóng hổi, mang giá trị trường tồn. Nếu biết vận dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng của Người về doanh nghiệp, doanh nhân, thì doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có đủ điều kiện không chỉ đứng vững, phát triển, mà còn có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế.

Sinh thời, Người thấy rất rõ vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong công cuộc kiến thiết, xây dựng đất nước. Trong bức thư gửi giới công-thương ngày 13/10/1945, Người viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong cuộc kiến thiết này”[4]. Người xác định sự toàn tâm, toàn ý với giới công thương trong công cuộc kiến thiết đất nước. Người khẳng định: Cán bộ quản lý kinh tế, Người ví như tiền vốn của đoàn thể. Đó chính là điều kiện quan trọng nhất của sản xuát kinh doanh và đảm bảo có lãi. Người quản lý kinh tế giỏi theo Bác cần phải có đủ các đức tính: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, có tri thức, kiến thức chuyên môn vững vàng, nắm vững lý luận, sâu sát thực tế, có lý trí vững chắc, tình cảm trong sáng, kết hợp nhuần nhuyễn giữa văn hoá, đạo đức, chính trị và khoa học, chấp hành đúng pháp luật, hiểu biết về pháp luật. Trong vấn đề quản lý kinh tế, Người đặc biệt quan tâm tới việc chống tham ô, lãng phí và quan liêu.

Ngày nay trong công cuộc đổi mới đất nước, vấn đề chống tham nhũng, lãng phí và quan liêu đang là vấn đề nóng hổi, không chỉ có ý nghĩa trong lĩnh vực kinh tế và quản lý kinh tế mà còn là uy tín chính trị của Đảng và Nhà nước, là sự tồn vong của chế độ xã hội. Những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là kim chỉ nam cho hành động của chúng ta hôm nay và mãi mãi về sau. Thực tế cho thấy lúc nào và ở đâu biết vận dụng đúng đắn tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề doanh nghiệp, doanh nhân và cán bộ, quản lý kinh tế thì ở đó sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và tránh được thiếu sót, tiêu cực xảy ra.

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều phải hoạt động theo cơ chế thị trường, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật. Khuyến khích đẩy mạnh quá trình khởi nghiệp kinh doanh”[5].  Đồng thời, Đảng cũng nhấn mạnh: “Khuyến khích phát triển các loại hình doanh nghiệp, các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh với sở hữu hỗn hợp, nhất là các doanh nghiệp cổ phần. Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế”[6].

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đảng ta khẳng định doanh nghiệp, doanh nhân là một trong bốn lực lượng chủ yếu trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân nước ta lớn mạnh về mọi mặt, sẽ là lực lượng quan trọng trong công cuộc xây dựng  Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Đại tá, PGS. TS KHQS Trần Nam Chuân

Nguyên cán bộ Viện Chiến lược Quốc phòng/BQP     

Chia sẻ
13:02:16 10-08-2018

VHDN: Chủ tịch Hồ Chí Minh – Vị Lãnh tụ thiên tài, Anh hùng giải phóng dân tộc, Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Ngừơi có những đóng góp to lớn cho cách mạng thế giới và sự nghiệp giải phóng của các dân tộc bị áp bức. Trong suốt cuộc đời […]

Chia sẻ

Đối tác của chúng tôi