Sự kiện - chuyên đề:

Văn hóa doanh nghiệp & văn hóa doanh nhân

VHDN:Văn hóa doanh nghiệp và văn hóa doanh nhân không thể tách rời nhau. Một doanh nghiệp có cả hai loại văn hóa đó hòa quyện vào nhau sẽ làm nên sức mạnh của doanh nghiệp. Một nước có nhiều doanh nghiệp như thế sẽ là nền tảng của một nền kinh tế giàu mạnh.

Trước đây, người ta quan niệm văn hóa và kinh doanh là hai lĩnh vực khác biệt, giữa chúng không có mối quan hệ nào cả. Người ta lập luận rằng, văn hóa hướng tới các giá trị của chân – thiện – mỹ, còn kinh doanh không có mục đích nào khác ngoài việc kiếm tiền. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, quan niệm này không còn phù hợp nữa. Văn hóa không chỉ là thứ phúc lợi tinh thần, là cái đẹp để thưởng thức mà còn có mối quan hệ hữu cơ với kinh doanh. Văn hóa gắn bó chặt chẽ với các hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ.

Đối với một doanh nhân, ngoài những phẩm chất cần có như tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, chấp nhận mạo hiểm, hiểu biết, nhanh nhạy trong kinh doanh, có đạo đức, có cái tâm trong sáng, biết tổ chức, hợp tác, tôn trọng mọi người nhằm tạo ra hiệu quả cho xã hội thì những ứng xử với cấp dưới, với đồng nghiệp, với bạn hàng sẽ góp phần tạo nên văn hóa doanh nhân.

Doanh nhân ngày càng có vị trí cao trong xã hội, đóng góp phần quan trọng cho sự phát triển của đất nước, do đó đề cập đến văn hóa doanh nhân là để các doanh nhân có thể góp phần vào phát triển kinh tế xã hội đất nước bền vững, cũng như để bản thân các doanh nghiệp phát triển bền vững, đó là điều mà doanh nhân nào cũng mong muốn. Trong thời kỳ phát triển và hội nhập, văn hóa doanh nhân phải góp phần tạo nên tâm hồn, khí phách và bản lĩnh của lớp doanh nhân Việt Nam trong quá trình hội nhập.

Theo Michael Porter- GS Kinh tế- Đại học Harvard: Tài sản của một quốc gia phụ thuộc rất lớn vào sự cạnh tranh của nước ấy. Nhưng muốn cạnh tranh thành công, ngoài điều kiện cần là phải có một nền kinh tế vĩ mô như môi trường chính trị và cơ sở pháp lý ổn định, lại phải có điều kiện đủ là ưu tiên chăm sóc nền kinh tế vi mô như các cơ sở kinh doanh năng động và môi trường kinh doanh lành mạnh. Nếu phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam chưa tự trang bị cho mình đầy đủ tri thức cần thiết và không có tầm nhìn xa và rộng thì thực khó lòng có đủ sức cạnh tranh với thế giới. Muốn làm một doanh nhân lãnh đạo một doanh nghiệp không phải dễ. Văn hóa doanh nhân chính là nền tảng đạo đức của tất cả cá nhân trong một doanh nghiệp.

Văn hóa doanh nghiệp và văn hóa doanh nhân không thể tách rời nhau. Một doanh nghiệp có cả hai loại văn hóa đó hòa quyện vào nhau sẽ làm nên sức mạnh của doanh nghiệp. Một nước có nhiều doanh nghiệp như thế sẽ là nền tảng của một nền kinh tế giàu mạnh. Chính vì thế, muốn mạnh, muốn đủ sức để cạnh tranh với thế giới, các doanh nhân lãnh đạo của Việt Nam không thể không xây dựng những nét văn hóa trên, đi từ những điều bình thường trong gia đình đến những nguyên tắc nghiêm ngặt của một doanh nghiệp.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế thì việc xây dựng văn hóa doanh nhân trở nên quan trọng và đầy ý nghĩa. Trên thế giới, các doanh nhân bên cạnh mục đích lợi nhuận kinh tế, họ vẫn chú ý đến yếu tố bền vững là việc bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội. Trong hội nhập kinh tế thế giới càng nhấn mạnh đến yếu tố văn hóa trong kinh doanh. Từ doanh nhân đến văn hóa doanh nhân đang còn một khoảng cách khá xa mà các doanh nhân cần rất nhiều sự phấn đấu và sàng lọc.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: Văn hóa là một cái đạo, một con đường, một phương cách … suy ra thì văn hóa doanh nhân chính là một cái đạo làm giàu. Còn theo nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Thiết, văn hóa doanh nhân là khái niệm chỉ những doanh nhân có tổ chức lao động làm ra nhiều của cải vật chất và tinh thần cho xã hội. Nhằm nâng cao hơn nữa nhu cầu sống và hạnh phúc cho xã hội, không phá hoại môi trường tự nhiên và môi trường sống xã hội. Những lao động sáng tạo đó đảm bảo cho sự phát triển bền vững mà xã hội cần có, không ngại cản trở và phương hại cho xã hội.

Ở góc độ một doanh nhân, ông Đặng Lê Nguyên Vũ – TGĐ Công ty cà phê Trung Nguyên thì cho rằng, văn hóa doanh nhân là một trong những nền tảng của hội nhập, lòng khát khao và ước mơ lớn sẽ định hướng cho cả một dân tộc cùng hướng đến những mục tiêu lớn, khiến cho nhiều thế hệ tiếp tục theo đuổi ước mơ chinh phục để biến những hoài bão lớn thành niềm tự hào của quốc gia. Hoài bão lớn sẽ khiến cho chúng ta không tự mãn sớm, không vì những điều tư lợi để có thể trở nên vĩ đại hơn. Chưa bao giờ chúng ta có điều kiện thuận lợi như lúc này nhưng chúng ta đang thiếu và thiếu một điều rất quan trọng, đó chính là những hoài bão lớn, những khát vọng lớn. Điều làm bản thân chúng ta suy yếu, thấp bé và làm cho chúng ta luôn là một đất nước “nhỏ” của thế giới rộng lớn chính là những suy nghĩ nhỏ dẫn đến sự tự mãn sớm. Đất nước cần những chiến sỹ thời bình, chúng ta đã tự nguyện đưa vai gánh vác thì hành trang đã sẵn sàng. Hãy đi về phía trước với tinh thần dân tộc để ở bất cứ đâu vẫn có quyền tự hào nói rằng “Tôi là người Việt Nam”.

B.M

15:04:01 14-11-2022

VHDN:Văn hóa doanh nghiệp và văn hóa doanh nhân không thể tách rời nhau. Một doanh nghiệp có cả hai loại văn hóa đó hòa quyện vào nhau sẽ làm nên sức mạnh của doanh nghiệp. Một nước có nhiều doanh nghiệp như thế sẽ là nền tảng của một nền kinh tế giàu mạnh. […]

Đối tác của chúng tôi