Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Hội đồng quan hệ đối ngoại của Hoa Kỳ (CFR) ngày 15/11 giờ địa phương (rạng sáng ngày 16/11 giờ Việt Nam).
Chủ tịch nước đánh giá cao uy tín và những đóng góp của CFR trong việc thông tin, phân tích sâu về các vấn đề quốc tế và tham vấn chính sách đối ngoại. Cho rằng, những hoạt động hợp tác trong nhiều năm qua giữa CFR với Việt Nam đã góp phần tích cực vào việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa hai dân tộc và phát triển quan hệ giữa hai nước.
Chia sẻ về tình hình thế giới hiện nay, Chủ tịch nước cho rằng, thế giới dường như đang chịu tác động mạnh mẽ của ba xung lực lớn như: 1)Tính bất ổn và bất định gia tăng, cơ hội đan xen với thách thức, đòi hỏi các quốc gia phải tăng cường khả năng thích ứng và đề cao hợp tác quốc tế. 2)Thế giới đang quá độ sang cục diện đa cực, đa trung tâm và chịu ảnh hưởng, tác động bởi sự phát triển mạnh mẽ của khoa học-công nghệ. 3)Châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương là khu vực phát triển năng động nhất, đi đầu trong đổi mới, sáng tạo, liên kết kinh tế và chứng kiến sự vươn lên của những cường quốc mới, nhưng cũng là khu vực cạnh tranh chiến lược, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến căng thẳng, đối đầu nếu không kiểm soát tốt.
Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, xu thế lớn của thế giới vẫn là hòa bình, hợp tác, phát triển, nhưng trở ngại, khó khăn nhiều hơn, diễn biến nhanh chóng hơn, phức tạp hơn, khó dự đoán hơn.
Về tình hình Việt Nam, Chủ tịch nước cho rằng, qua gần 40 năm Đổi mới, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Kinh tế phát triển nhanh; hiện là nền kinh tế lớn thứ 11 ở Châu Á, một trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có thương mại quốc tế lớn nhất, thuộc nhóm 03 nước thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất trong ASEAN trong gần 10 năm qua, là thành viên của 16 hiệp định thương mại tự do.
Việt Nam đã trở thành một phần trong chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu. Tỷ lệ hộ nghèo giảm theo chuẩn của Liên hợp quốc, từ trên 50% (năm 1986) xuống còn 4,3% (năm 2022).
Chính trị ổn định, quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường. Cải cách thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng và xây dựng nguồn nhân lực được đẩy mạnh. Cải cách tư pháp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật, phòng chống tham nhũng đạt nhiều kết quả quan trọng.
Trong quá trình đổi mới, nhân dân được đặt ở vị trí trung tâm, là cội nguồn sức mạnh, vừa là chủ thể, vừa là mục tiêu của sự phát triển.
Để hiện thực hóa khát vọng Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào giữa thế kỷ này, Việt Nam tập trung phát triển nhanh và bền vững, trên cơ sở ứng dụng khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, đồng thời với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường.
Việt Nam tập trung xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả; tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.
Trong quá trình ấy, người dân với tất cả quyền con người, quyền công dân là trung tâm của các chính sách và hoạch định tương lai. Chúng tôi cũng nhận thức sâu sắc là còn nhiều khó khăn, hạn chế cần khắc phục.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu của các đối tác Hoa Kỳ đối với quá trình phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Chia sẻ về đường lối đối ngoại của Việt Nam, Chủ tịch nước nhấn mạnh, Việt Nam xác định và nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại: Độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Việt Nam thực hiện đường lối quốc phòng “bốn không” là: Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
“Chúng tôi nhận thức, đối ngoại có vai trò hết sức quan trọng, tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế, uy tín quốc gia”, Chủ tịch nói.
Đồng thời Việt Nam xác định, ba chủ thể đối ngoại quan trọng là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân; toàn diện về đối tác, cả song phương và đa phương, nhà nước, tổ chức chính trị, các tổ chức xã hội, kinh tế, người dân; toàn diện các lĩnh vực từ chính trị đến kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh…
Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam chia sẻ quan điểm chung về việc các quốc gia thực hiện chính sách hòa bình, hữu nghị và hợp tác, coi trọng sự bình đẳng, lợi ích chính đáng của nhau và tôn trọng luật pháp quốc tế.
Việt Nam sẵn sàng đóng góp vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc và cứu trợ nhân đạo quốc tế…
Về quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, Chủ tịch nước khẳng định, chưa bao giờ quan hệ giữa Việt Nam – Hoa Kỳ phát triển tốt đẹp như ngày nay; từ cựu thù trở thành Đối tác chiến lược toàn diện.
Đây thực sự là hình mẫu trong lịch sử quan hệ quốc tế về hàn gắn và xây dựng quan hệ sau chiến tranh. Kết quả này là do sự nỗ lực cùng nhau vượt qua những thử thách, thăng trầm lịch sử của nhiều thế hệ lãnh đạo và Nhân dân hai nước.
Chủ tịch nước trân trọng cảm ơn các cơ quan, tổ chức và cá nhân của hai nước, qua nhiều thế hệ, đã không ngừng nỗ lực vun đắp và phát triển mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.
Ngày 10/09/2023 vừa qua, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden đã ra Tuyên bố chung về việc Việt Nam Hoa Kỳ thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Việc nâng cấp quan hệ giữa hai nước chính là nhằm đáp ứng nhu cầu, lợi ích ngày càng cao của hai nước, đóng góp hiệu quả hơn cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới.
Tuyên bố chung Việt Nam-Hoa Kỳ khẳng định các nguyên tắc cơ bản định hướng cho quan hệ hai nước, trong đó có tôn trọng Hiến chương Liên Hợp quốc, luật pháp quốc tế, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau; nêu rõ các phương hướng lớn cho hợp tác giữa hai nước.
Hai nước cũng đã nhất trí về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế, giải quyết hòa bình các tranh chấp, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực; tự do hàng hải, hàng không, quyền chủ quyền và quyền tài phán của của các quốc gia ven biển; thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC, sớm đạt thỏa thuận về COC thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp quốc.
Về cộng đồng người Việt Nam ở Hoa Kỳ, Chủ tịch nước cho biết, có khoảng 2,4 triệu người, cùng với đó là trên 30 nghìn học sinh, sinh viên Việt Nam đang học tập tại Hoa Kỳ. “Họ là một phần của quan hệ và cũng là cầu nối quan trọng giữa hai nước. Nhà nước Việt Nam xác định, người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc và luôn coi trọng đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc”. Việt Nam mong rằng Chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Hoa Kỳ.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, Việt Nam luôn luôn mong muốn hòa bình, hợp tác và phát triển trong một thế giới mà các quốc gia cùng nhau xây dựng tầm nhìn, cùng nhau hợp tác, cùng chia sẻ trách nhiệm, vì lợi ích của người dân và của cộng đồng quốc tế.
Nguồn: Tạp chí Thương hiệu & Công luận
Phát biểu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Hoa Kỳ (CFR), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tình hình Việt Nam, đường lối đối ngoại của Việt Nam và quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Chủ tịch […]