Ngày 25/10/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 116/ 2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2015/ NĐ-CP. Nghị định 116/2018/NĐ-CP ra đời cùng các giải pháp về tín dụng ngân hàng đã đáp ứng cơ bản nhu cầu vốn phục vụ sản xuất – kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt nâng cao tiếp cận vốn của người nghèo, người có thu nhập thấp ở khu vực nông thôn, góp phần hạn chế việc người dân tìm đến các nguồn vốn không chính thức khác.
Theo gói vay này, hạn mức mỗi món vay không quá 30 triệu đồng phục vụ các mục đích tiêu dùng hợp pháp, cấp thiết của khách hàng cá nhân, hộ gia đình như chi phí học tập, khám chữa bệnh, mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình,… áp dụng lãi suất hợp lý với thời gian xét duyệt và giải ngân ngay trong ngày. Với hạn mức vay vốn được Agribank cung cấp sẵn, khi có nhu cầu, khách hàng trên địa bàn nông thôn hoàn toàn có thể rút tiền nhanh chóng. Các trường hợp có nhu cầu vay vốn trên 30 triệu đồng, Agribank vẫn áp dụng triển khai với các gói tín dụng phù hợp.
Ngay sau khi chương trình tín dụng tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân, hộ gia đình được ban hành, Agribank chi nhánh tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các chi nhánh trực thuộc địa bàn quản lý cử cán bộ bám sát địa bàn, nắm bắt nhu cầu vốn của khách hàng, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức hội,… để phổ biến kịp thời, giúp người dân nắm bắt đầy đủ chính sách tín dụng của ngân hàng. Theo đó, triển khai đầy đủ các sản phẩm tín dụng qua các điểm giao dịch, đẩy mạnh cho vay qua các tổ vay vốn, chủ động đăng ký với chính quyền địa phương để mở rộng phạm vi hoạt động của điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng ở các huyện, vùng sâu, vùng xa – nơi điều kiện đi lại của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay Agribank Thanh Hóa đã triển khai mô hình điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng tại địa bàn huyện Ngọc Lặc. Sau hơn 1 năm triển khai đã đạt được những thành hiệu quả nhất định.
Đến nay, tổng dư nợ cho vay của Agribank Thanh Hóa đạt gần 17 nghìn tỷ đồng, dư nợ hộ sản xuất và cá nhân đạt trên 11.500 tỷ đồng với hơn 110 nghìn khách hàng, tỷ trọng cho vay nông nghiệp nông thôn trên 85%, trong đó tập trung cho các ngành sản xuất, kinh doanh là 88,7%, dư nợ cho vay tiêu dùng đạt 11,3%.
Anh Hoàng Văn Bình, khu 4 thị trấn Thọ Xuân vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh Thọ Xuân 80 triệu đồng để chăn nuôi gia súc. Anh vui mừng chia sẻ: Việc vay vốn ở Agribank Thọ Xuân rất thuận lợi, cán bộ nhân viên của chi nhánh tận tình hướng dẫn hồ sơ thủ tục nên chỉ mất 2-3 ngày là tôi có thể vay được, không phải đi vay nóng ở ngoài. Với những người nông dân nghèo không có tài sản thế chấp như chúng tôi thì vay tín chấp của ngân hàng là phương án cứu cánh lúc nguy khó. Nhờ đồng vốn của Agribank mà cuộc sống gia đình tôi đã ổn định, ban đầu chỉ chăn nuôi 2,3 con bò giờ đã tăng lên hơn chục con khiến gia đình tôi rất phấn khởi. Không chỉ gia đình anh Bình, cuộc sống của nhiều người dân địa phương đang ngày càng được cải thiện nhờ vào đồng vốn của Agribank.
Nhằm đẩy mạnh hiệu quả chương trình này, trong thời gian tới, Agribank Thanh Hóa sẽ tiếp tục tăng cường kiểm soát chặt chẽ hoạt động cho vay, rà soát, đối chiếu các khoản vay; nghiêm cấm cán bộ cấu kết, tiếp tay cho các đối tượng hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi. Đồng thời phối hợp cơ quan công an, chính quyền các cấp đấu tranh, ngăn chặn ảnh hưởng của tín dụng đen đối với tín dụng ngân hàng trên địa bàn.
Hồng Thúy
VHDN: Khẳng định quyết tâm cùng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho mọi người dân để góp phần đẩy lùi tín dụng đen, Agribank tiếp tục ưu tiên dành nguồn vốn tối thiểu 5.000 tỷ đồng […]