Sự kiện - chuyên đề:

Bạo loạn ở Pháp: Thiệt hại hàng trăm triệu Euro, các cơ sở kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề

Nếu như ban đầu những người nổi loạn ở Pháp nhắm đến các cơ quan hành chính thì trong buổi tối cuối tuần vừa qua, cửa hàng buôn bán là mục tiêu tấn công.

Trong vòng 5 đêm xảy ra bạo loạn tại Pháp, tính đến sáng chủ nhật (2/7), chỉ riêng tại khu Beauveau thuộc quận 8 Paris đã ghi nhận hơn 5.000 phương tiện giao thông bị đốt cháy, 10.000 vụ cháy rác thải và gần 1.000 tòa nhà bị đốt hoặc đập phá, 250 cuộc tấn công vào đồn cảnh sát hoặc hiến binh và hơn 700 nhân viên thực thi pháp luật bị thương,… Bên cạnh đó là hơn 1.500 cơ sở kinh doanh bị những người nổi loạn nhắm đến, chưa kể các phương tiện giao thông công cộng (xe buýt, tàu điện) bị đập phá, cơ sở vật chất công cộng cũng bị hư hỏng nặng nề.

Các cửa hàng đã trở thành mục tiêu của những kẻ nổi loạn. Trong khi Pháp trải qua đêm bạo lực đô thị từ ngày 28/6 liên quan đến cái chết của thanh niên Nahel, 17 tuổi, bị cảnh sát bắn chết hôm 27/6 tại Nanterre, ở Hauts-de-Seine, các doanh nghiệp đã trở thành mục tiêu tấn công và cướp bóc của các thanh thiếu niên bạo loạn.

Khi các cửa hàng là mục tiêu bị tấn công

Tại vùng Rhône-Alpes, các cửa hàng ở Lyon, Grenoble và Saint-Étienne bị thiệt hại nặng nề. Đặc biệt, ở Grenoble, hàng trăm thanh niên trùm đầu đã xông vào cướp tại nhiều cửa hàng ở trung tâm thành phố, đặc biệt là các cửa hàng quần áo và điện thoại, trước khi cảnh sát can thiệp muộn.

Bạo loạn ở Pháp: Thiệt hại hàng trăm triệu Euro, các cơ sở kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề

Các cửa hàng bị đập phá ở Marseille

Sáng thứ Bảy tuần trước, các con phố ở khu vực trung tâm rải rác những hộp giày bị bỏ hoang, ma-nơ-canh vỡ và cửa kính vỡ tan sau những đợt tấn công của những kẻ côn đồ, trên tay chúng đầy những chiến lợi phẩm.

Ở Saint-Étienne và ở Loire, hàng trăm thanh niên, nhiều người đeo mặt nạ phẫu thuật, dùng đá hoặc đồ kim loại đập vỡ cửa sổ của các cửa hàng nằm ở trung tâm, rồi xông vào một số cửa hàng quần áo, kính mắt và đồ trang sức để cướp bóc. Ở Côte-d’Or, một tiệm bánh đã bị phá hoại ở Beaune, trong khi tại Saint-Florentin, ở Yonne, một cửa hàng bán đồ thủ công đã bị phóng hỏa.

Xa hơn về phía Nam, ở Marseille, màn đêm cũng chứa đầy căng thẳng với sự hiện diện của các nhóm thanh niên, thường đeo mặt nạ và “rất cơ động”, cướp bóc hoặc cố gắng cướp bóc một số cửa hàng ở trung tâm, cũng như ở một số khu dân cư ở phía Bắc thành phố. Theo một nguồn tin cảnh sát, một đám cháy lớn “có liên quan đến các cuộc bạo loạn” đã bùng phát tại một siêu thị.

Mặc dù tất cả các cuộc biểu tình đã bị cấm ở thành phố Marseille vào tối thứ Sáu và phương tiện giao thông công cộng ngừng hoạt động lúc 7 giờ tối, các nhóm thanh niên, nhiều người đeo khăn trùm đầu hoặc khẩu trang đã tập trung tại trung tâm thành phố, đặc biệt ở khu vực Canebière – con đường dẫn đến bến cảng biểu tượng nơi đây.

Theo ghi nhận, một vài cậu bé thanh thiếu niên chạy ngang qua, trên tay là những bộ quần áo mới vẫn còn treo trên móc và thẻ giảm giá. Một số cửa hàng đã bị cướp phá, bao gồm cả cửa hàng của thương hiệu xa xỉ Lancel. Cảnh sát tiếp viện đã được gửi đến.

Tình trạng này cũng diễn ra ở các vùng ngoại ô xung quanh Paris. Tại Seine-Saint-Denis, “gần như cả thành phố” đều bị ảnh hưởng, một nguồn tin cảnh sát cho AFP biết. Nhiều siêu thị đã bị cướp phá, đặc biệt là ở Montreuil và Épinay-sur-Seine.

Tại Drancy, những kẻ bạo loạn đã sử dụng một chiếc xe tải để phá lối vào một trung tâm mua sắm đã bị cướp phá và đốt cháy một phần, một nguồn tin cảnh sát cho biết.

“Việc bảo vệ các tòa nhà công cộng là ưu tiên hàng đầu”, một nguồn tin cảnh sát nói với AFP, giải thích một phần mức độ thiệt hại đối với các doanh nghiệp, trong khi các tòa thị chính, đồn cảnh sát và trường học cũng là mục tiêu của các đối tượng bạo loạn.

Tiền đền bù từ bảo hiểm không đủ

Bộ trưởng Bộ Kinh tế Pháp Bruno Le Maire đã tiếp đại diện các thương nhân, chủ khách sạn, công ty bảo hiểm cũng như các ngân hàng Pháp vào thứ Bảy vừa qua, cùng với Đại biểu Bộ trưởng phụ trách Thương mại và Doanh nghiệp vừa và nhỏ Olivia Grégoire nhằm đánh giá tình hình của các doanh nghiệp sau 4 đêm bạo loạn.

một cửa hàng tại Seine-Saint-Denis bị tấn công

Một cửa hàng tại Seine-Saint-Denis bị tấn công

Tại buổi họp, ông mô tả các cuộc tấn công và cướp bóc này là “không thể tha thứ, không thể đánh giá và không thể dung thứ”, kêu gọi các công ty bảo hiểm nhanh chóng báo cáo và bồi thường cho các nạn nhân và giảm các khoản khấu trừ.

Theo quy định, phía bảo hiểm sẽ bồi thường phần lớn thiệt hại, thế nhưng, các nạn nhân vẫn phải chịu nhiều tổn thất. Ví dụ, hỏa hoạn hoặc trộm cắp là một phần của các rủi ro cơ bản và được đảm bảo bởi các hợp đồng đa rủi ro chuyên nghiệp. Tuy nhiên, các tổn thất hoạt động kinh doanh lại không được bao gồm trong hợp đồng.

Theo đó, bảo hiểm chống lại sự gián đoạn kinh doanh là một hợp đồng cụ thể bao gồm việc mất lợi nhuận liên quan đến việc đóng cửa, cho đến khi mở cửa trở lại. Đây là một bảo hiểm đôi khi rất quan trọng đối với các doanh nghiệp khi cửa kính của họ bị đập nát bằng đá và búa, mặt tiền bị cháy, chưa kể đến trộm cắp và hư hại bên trong và họ có thể rất lâu mới mở cửa trở lại.

Thật không may, theo France Assureurs, chỉ có 50% doanh nghiệp đăng ký bảo hiểm này. “Đó không phải là một tỷ lệ lớn”, ông Olivier Moustacakis, đồng sáng lập của Assurland, một công ty so sánh bảo hiểm trực tuyến, bình luận.

Ngoài khía cạnh kinh tế, các thương nhân cũng bị ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng, khi họ đang loay hoay từ khủng hoảng y tế trong đại dịch đến lạm phát giá năng lượng cùng lúc với các cuộc biểu tình phản đối cải cách lương hưu, và bây giờ là những cuộc bạo động.

“Khi bạn kinh doanh thực phẩm, bạn bắt đầu công việc lúc 4 giờ sáng và đóng cửa hàng lúc 8 giờ tối. Bạn không có thời gian điền vào hồ sơ trợ cấp của mình”, cảnh báo hôm thứ Bảy trên BFMTV Murielle Bourreau của Phó Chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội Thương mại Pháp. Do đó, việc đơn giản hóa thủ tục để các doanh nghiệp nhanh chóng được hưởng bảo hiểm là điều cần thiết.

Một số địa phương cũng bắt đầu thực hiện các biện pháp của riêng mình. Trong trường hợp doanh nghiệp không được bảo hiểm đền bù, họ có thể yêu cầu nhà nước “chịu trách nhiệm dân sự về những thiệt hại do tội ác và hành vi phạm tội, bởi đám đông hoặc tụ tập có vũ trang hoặc không vũ trang”, theo bộ luật an ninh nội bộ nước này.

Nguồn: Báo Công thương

15:51:01 04-07-2023

Nếu như ban đầu những người nổi loạn ở Pháp nhắm đến các cơ quan hành chính thì trong buổi tối cuối tuần vừa qua, cửa hàng buôn bán là mục tiêu tấn công. Trong vòng 5 đêm xảy ra bạo loạn tại Pháp, tính đến sáng chủ nhật (2/7), chỉ riêng tại khu Beauveau […]

Đối tác của chúng tôi