Sự kiện - chuyên đề:

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Cứ 50 cơ sở giáo dục xảy ra một vụ bạo lực học đường

Trả lời chất vấn chiều 7/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, bình quân 50 cơ sở giáo dục xảy ra 1 vụ bạo lực học đường. Đáng ngại, số học sinh nữ tham gia vào các vụ bạo lực nhiều hơn, khiến ngành giáo dục và phụ huynh quan tâm, lo lắng…

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại biểu Vương Quốc Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho biết, trong Báo cáo số 508 ngày 03/10/2023 của Chính phủ gửi đến các đại biểu Quốc hội đánh giá việc triển khai các nghị quyết của Quốc hội về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tại trang 54 có tự đánh giá tình trạng bạo lực học đường diễn ra phức tạp.

vuongquocthang.jpeg
Đại biểu Vương Quốc Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Vậy theo Bộ trưởng, có những nguyên nhân nào gây ra tình trạng này và hướng khắc phục thật căn cơ của Bộ trong thời gian tới như thế nào?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, tính đến ngày 5/11, cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường, liên quan đến 2.016 học sinh, trong đó trong số đó có 854 học sinh nữ. Có thể nói, diễn biến của bạo lực học đường diễn biến khá phức tạp.

“Bình quân khoảng 50 cơ sở giáo dục thì có xảy ra một vụ bạo lực học đường. Đáng ngại, số học sinh nữ tham gia nhiều hơn, cũng là nguyên nhân khiến ngành giáo dục quan tâm, lo lắng và tìm mọi cách để xử lý vấn đề này”- Bộ trưởng nói.

nguyenkimson.jpeg
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

Về nguyên nhân, theo Bộ trưởng, có nguyên nhân từ phía ngành giáo dục, khi việc xác nhận và xử lý những cái tình huống bạo lực vẫn đang giao cho giáo viên kiêm nhiệm. Tại các trường, việc tư vấn tâm lý hay xử lý đều giao cho giáo viên. Tuy nhiên, khi phát hiện bạo lực học đường, vẫn còn lúng túng về thực hiện các kỹ năng xử lý.

Một phần khác, theo Bộ trưởng, dịch bệnh kéo dài, học sinh học online lâu đã ảnh hưởng đến tâm lý. Bên cạnh đó, những vấn đề về tâm lý, lứa tuổi, tâm sinh lý tuổi đang trưởng thành cũng là yếu tố ảnh hưởng.

“Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, qua 220.000 vụ ly hôn, có 70- 80 % liên quan đến bạo lực gia đình . Với tỉ lệ bạo lực gia đình như vậy thì học sinh trong các gia đình có thể chứng kiến bạo lực, vừa là đối tượng bị bạo lực, bị bỏ rơi … Học sinh bị bạo lực gia đình cũng là nguyên nhân dẫn liên quan đến bạo lực trong nhà trường, với một tỷ lệ rất lớn” Bộ trưởng nói.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, những ảnh hưởng của mạng xã hội, phim ảnh, đặc biệt là những bộ phim bạo lực được giới trẻ quan tâm, cũng là nguyên nhân. “Tôi cũng mong cái ngành có liên quan cùng hỗ trợ cùng với ngành giáo dục để giải quyết những vấn đề lớn này”.

Không bỏ thi tốt nghiệp THPT

Theo Đại biểu Lý Tiết Hạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định, chương trình giáo dục phổ thông mới, kiến thức phổ thông cơ bản được trang bị đến hết bậc trung học cơ sở. Trung học cơ sở là dấu mốc rất quan trọng để tiếp tục thực hiện phân luồng học sinh. Nhưng hiện nay, khi kết thúc chương trình trung học cơ sở, các em học sinh không thi tốt nghiệp mà xét tốt nghiệp, trong đó khi kết thúc trung học phổ thông thì lại thi tốt nghiệp.

lytiethanh.jpeg
Đại biểu Lý Tiết Hạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có cần thay đổi lại việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Trung học cơ sở kết hợp với xét tuyển vào lớp 10 và xét tốt nghiệp Trung học phổ thông không?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, theo thiết kế chương trình, bậc Trung học cơ sở là bậc giáo dục cơ bản nền tảng tích hợp để trang bị những kiến thức cơ bản nhất của giáo dục phổ thông.

Trong chương trình bậc Trung học phổ thông sẽ tăng cường yếu tố phân luồng hướng nghiệp, tăng sự chủ động lựa chọn cho học sinh. Việc tổ chức dạy học tích hợp cũng như trang bị kiến thức ở Trung học cơ sở đảm bảo cơ bản và nền tảng cũng đã được triển khai thực hiện trong thời gian vừa qua.

“Tuy nhiên, nếu trong 12 năm học phổ thông, có quá nhiều kỳ thi thì sẽ quá nặng cho học sinh. Dư luận xã hội, phụ huynh và ngành giáo dục đều nhận thức sự cần thiết phải giảm các kỳ thi khi kết thúc Trung học cơ sở để chuyển sang Trung học phổ thông.

Kết thúc Trung học phổ thông, dẫu đã là giai đoạn phân luồng hướng nghiệp, tuy nhiên vẫn trong phạm vi giáo dục phổ thông, và để kết thúc 12 năm giáo dục phổ thông, cần thiết có một kỳ thi tốt nghiệp, điều này đã được quy định rõ trong Luật Giáo dục 2019” Bộ trưởng nói.

Nguồn: Báo Công lý

08:01:19 08-11-2023

Trả lời chất vấn chiều 7/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, bình quân 50 cơ sở giáo dục xảy ra 1 vụ bạo lực học đường. Đáng ngại, số học sinh nữ tham gia vào các vụ bạo lực nhiều hơn, khiến ngành giáo dục và phụ […]

Đối tác của chúng tôi