Sự kiện - chuyên đề:

Các doanh nghiệp đã hối lộ như nào để thực hiện “chuyến bay giải cứu”?

Sáng 12/7, HĐXX đã tiến hành xét hỏi đối với nhóm bị cáo liên quan đến hành vi “Đưa hối lộ” trong vụ “chuyến bay giải cứu”.

Các bị cáo khai rằng, thời điểm xảy ra vụ án, việc tổ chức các chuyến bay gặp khó khăn. Để công việc kinh doanh không bị thua lỗ, gây khó khăn, các doanh nghiệp đã phải đưa tiền hối lộ cho những người có chức năng, nhiệm vụ để được cấp phép chuyến bay…

Các bị cáo tại phiên toà.
Các bị cáo tại phiên toà.

Tiến hành xét hỏi, bị cáo Hoàng Diệu Mơ – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Du lịch dịch vụ Hàng không khai nhận, do công ty muốn tổ chức các chuyến bay giải cứu nên đã liên hệ với Tô Anh Dũng thì được giới thiệu xuống gặp Nguyễn Thị Hương Lan. Sau đó, bị cáo Mơ đã đưa tiền cho nhóm cán bộ Bộ Ngoại giao, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Y tế.

Theo cáo buộc, bị cáo Mơ đưa 8 lần cho Tô Anh Dũng số tiền là 8,5 tỷ đồng; đưa bị cáo Hương Lan 11 lần số tiền 13,2 tỷ; đưa cho Đỗ Hoàng Tùng 7 lần số tiền 2,6 tỷ; đưa cho Vũ Anh Tuấn 5,1 tỷ; Phạm Trung Kiên 5,1 tỷ…

Theo trình bày của bị cáo Mơ, vì bản thân có nộp hồ sơ nhưng chưa được Cục Lãnh sự chấp nhận nên đã tìm cách gặp lãnh đạo các Cục và bị cáo Phạm Trung Kiên. Bị cáo Kiên có đề nghị qua điện thoại là phải chi 150 triệu đồng/chuyến bay. Sau đó, bị cáo Mơ đồng ý và giao cho nhân viên Nguyễn Mạnh Hải mang tiền đến. Khi bảo Hải mang tiền, Mơ chỉ nói mang tiền tới cho các cán bộ có thẩm quyền.

Bị cáo Mơ cho biết, khi đưa tiền, lãnh đạo bên Bộ Ngoại giao chưa biết đưa bao nhiêu còn riêng bị cáo Tô Anh Dũng nói lại lần sau đừng đưa tiền nữa nhưng vẫn nhận. Về nguồn tiền đưa hối lộ, bị cáo Mơ khai phần lớn là tiền công ty và một phần của gia đình.

Bị cáo biết được hành vi phạm tội của mình song hoàn cảnh khi đó của doanh nghiệp không muốn bị thua lỗ. Theo cảm nhận của bị cáo, khả năng sẽ không được cấp phép nếu không chi tiền. Nếu có được thì chỉ được một chuyến bay chứ không nhiều” – bị cáo Mơ trình bày.

Còn bị cáo Vũ Minh Thắng – Giám đốc Công ty Thuận An khai nhận, tháng nào công ty cũng nộp hồ sơ nhưng 7, 8 lần nộp mà không được cấp phép. Đến lần thứ 9, sau khi gặp bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan – nguyên Cục trưởng Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) mới được cấp phép chuyến bay.

Theo cáo buộc, bị cáo Thắng đã hối lộ 600 triệu đồng cho Nguyễn Thị Hương Lan. Sau chuyến bay đầu tiên, bị cáo nhận được điện thoại của Phạm Trung Kiên – nguyên Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, Vũ Anh Tuấn – nguyên cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh gọi lên văn phòng yêu cầu phải chi 150 triệu đồng/chuyến bay. Vì vậy, bị cáo đã nhiều lần đưa số tiền hơn 1,3 tỉ đồng cho Phạm Trung Kiên và 170 triệu đồng cho Vũ Anh Tuấn.

Tương tự, bị cáo Tào Đức Hiệp – Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Dịch vụ Công đoàn Đường sắt cũng khai, công ty đã nộp hồ sơ nhiều lần nhưng đều không được cấp phép chuyến bay. Sau đó, bị cáo Hiệp nhờ một người thân và có uy tín với gia đình thì mới gặp được bị cáo Tô Anh Dũng – nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Sau khi được cấp phép và tổ chức được 3 chuyến bay, bị cáo Hiệp có đến gặp Tô Anh Dũng để cảm ơn và để lại trên bàn làm việc 10.000 USD.

Bị cáo Hiệp cũng khai nhận, sau đó có đến gặp Đỗ Hoàng Tùng – nguyên Cục phó Cục Lãnh sự cảm ơn 10.000 USD vì ‘ Tô Anh Dũng đã gọi điện cho Đỗ Hoàng Tùng bảo đây là trường hợp người quen. Tiếp đó, khi từ phòng làm việc của Đỗ Hoàng Tùng đi ra, bị cáo Hiệp gặp Lê Tuấn Anh – Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự ngoài hành lang nên đút vội phong bì 1.000 USD để cảm ơn.

Theo cáo trạng, 23 bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao nhận hối lộ gần 165 tỉ đồng và 23 bị cáo khác là đại diện doanh nghiệp đưa hối lộ hơn 226,7 tỉ đồng.

Nguồn: Báo Kinh tế & Đô thị

16:05:10 12-07-2023

Sáng 12/7, HĐXX đã tiến hành xét hỏi đối với nhóm bị cáo liên quan đến hành vi “Đưa hối lộ” trong vụ “chuyến bay giải cứu”. Các bị cáo khai rằng, thời điểm xảy ra vụ án, việc tổ chức các chuyến bay gặp khó khăn. Để công việc kinh doanh không bị thua […]

Đối tác của chúng tôi