Sự kiện - chuyên đề:

Cần bảo tồn phát triển nghề sản xuất muối phơi cát truyền thống

VHDN: Việc bảo tồn, phát triển nghề sản xuất muối cổ truyền là giải quyết vấn đề lao động, nâng cao đời sống cho diêm dân, đồng thời phát triển kinh tế xã hội ở địa phương và giữ vững an ninh quốc phòng.

Muối Biển

Việt Nam là quốc gia có hơn 3000 km bờ biển. Nghề muối có từ cổ xưa, sản xuất phục vụ nhu cầu nhân sinh, tuy không có giá trị cao về kinh tế, song lại có vị trí quan trọng trong đời sống xã hội và quá trình phát triển kinh tế. Việc phát triển làng nghề muối ven biển vừa tạo được công ăn việc làm cho người dân địa phương, vừa đảm bảo giữ vững an ninh quốc phòng. Quá trình sản xuất muối theo công nghệ muối phơi cát cổ xưa tập trung ở miền Bắc. Muối sản xuất ở Nam Định, Thái Bình có nồng độ Nacl<30% và hơn 60 nguyên tố vi lượng có lợi cho sức khỏe con người. Muối sản xuất ở các tỉnh phía Bắc có thể làm thuốc chữa bệnh vì có đủ thành phần 12 loại muối mô như: Magie, Ferrum phosphate (sắt photphat), Canxi florua, Sunfat nattri,v.v… Đây là những vi chất có trong hạt muối tham gia vào quá trình phục hồi,điều trị rối loạn chuyển hóa cơ thể, tác động đến màng tế bào, tạo thành mô xương, tốt cho sự phát triển của cơ thể, điều hòa huyết áp, tim mạch, cân bằng điện giải, giảm cholesterol, tiểu đường …

Vùng muối Diêm Điền

Diêm Điền nằm cách thành phố Thái Bình 31 km, phía nam là sông Diêm Hộ, phía bắc là quốc lộ 218, phía đông giáp biển và sông. Diêm Điền có một vị trí thuận lợi về giao thông, là điểm kết nối vùng dự trữ sinh quyển đồng bằng sông Hồng, có cửa sông lớn chảy ra biển, gắn kết các tỉnh thành Hải Phòng, Nam Định và các địa phương khác để phát triển du lịch. Tại đây, sản xuất muối thuần túy làm bằng công nghệ phơi cát 100% là thủ công, phụ thuộc ngày nắng trong năm, nên năng suất, sản lượng không cao. Diện tích từ 864 sào muối, nay thu hẹp chỉ còn 173 sào. Lao động nghề muối chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em, cuộc sống rất bấp bênh. Thu nhập người lao động nghề muối không ổn định, thậm chí còn rất thấp so với các ngành nghề khác: Thu nhập bình quân 173 sào x 25kg/ngày nắng x 102 ngày/năm chia cho 603 người bằng 731.592đồng/ năm. Bình quân 90.966đồng/ người/tháng. Lương Giám đốc Hợp tác xã muối Đại Đồng có 3 triệu 380 đồng. Đã thế, thị trường muối xuất hiện lái thương ép giá muối mua, nâng giá muối bán, đẩy dân diêm vào cảnh khốn cùng, tâm tư của người lao động nghề muối chán nản, hơn 40 hecta muối bỏ hoang hóa. Làng nghề sản xuất muối truyền thống từ hàng trăm năm có nguy cơ mai một, thất truyền. Do thu nhập thấp, dân diêm không thể tự nâng cấp đồng muối phơi cát, nên chất lượng muối ngày một giảm. Trong khi nếu được đầu tư khoa học kỹ thuật thì muối Nam Định, Thái Bình nói riêng đã được Nhật Bản đánh giá tốt và ngon nhất bằng các hợp đồng muối được ký giữa Công ty cổ phần Muối & Thương mại Nam Định với tỉnh Myazaky (Nhật).

Giải pháp nào cho bảo tồn, phát triển nghề muối cổ truyền?

Việc bảo tồn, phát triển nghề sản xuất muối cổ truyền là giải quyết vấn đề lao động, nâng cao đời sống cho diêm dân, đồng thời phát triển kinh tế xã hội ở địa phương và giữ vững an ninh quốc phòng. Vừa qua, các nhà khoa học cùng với sự tham gia tích cực của chính quyền địa phương, Ban quản lý Di tích Phủ Bà Chúa Muối, đặc biệt là của nhân dân địa phương thôn Tam Đồng, Hội thảo khoa học “Di tích lịch sử Phủ Bà Chúa Muối/ Di sản hợp tác xã muối ở Tam Đồng” ngày 30/05/2018 đã thành công tốt đẹp. Hội thảo đã đề xuất một số giải pháp cấp bách hỗ trợ diêm dân và phát triển sản xuất muối phơi cát, trong đó có vùng Diêm Điền trong thời gian tới, đó là:

Tổ chức tôn vinh Phủ Bà Chúa Muối gắn với Di tích lịch sử quốc gia được Nhà nước công nhận đi đôi với phát triển và bảo tồn lễ hội hằng năm. Bà Chúa Muối là vị thần đặc biệt nằm trong bách Thánh Việt Nam, chỉ có một mình Bà là Chúa Muối. Tôn vinh giá trị “độc nhất vô nhị” của Phủ Bà Chúa Muối gắn với phát triển du lịch.

Đề nghị giữ quy hoạch các đồng muối, không chuyển mục đích sang làm các ngành nghề khác. Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất muối; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, hỗ trợ sản xuất muối phơi cát theo chuỗi giá trị thích ứng biến đổi khí hậu nhằm nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho người dân ở nông thôn. Cho phép đăng ký Làng nghề “Muối Di sản” cho diêm dân tại địa phương. Hỗ trợ nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm muối gắn với xây dựng thương hiệu, đáp ứng nhu cầu muối trên cơ sở sản xuất muối hiện có ở Đại Đồng (Diêm Điền). Ví dụ: Muối EPSOM, muối gia vị, muối Spa, muối dinh dưỡng, muối xông hơi, v.v….

Hỗ trợ nhà trưng bày và triển lãm làng nghề muối truyền thống để khẳng định nghề truyền thống của địa phương, từ những vật dụng, công cụ lao động sản xuất của địa phương đến các sản phẩm muối và sau muối nhằm tạo điều kiện tốt nhất để cho diêm dân có thể bán được sản phẩm muối của mình ngay trên địa bàn, giúp cho du khách có trải nghiệm làng nghề muối cổ và góp phần xây dựng nông thôn mới.

Tạo điều kiện cho diêm dân tiếp cận nguồn hỗ trợ từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, khuyến nông, khuyến công… cũng như vốn tín dụng đầu tư theo quy định.

Có kế hoạch thực hiện dự án phát triển sản xuất muối dinh dưỡng nhằm tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm như: Muối Magie, muối Iod,..

Trần Minh Thu

 

 

12:56:48 10-08-2019

VHDN: Việc bảo tồn, phát triển nghề sản xuất muối cổ truyền là giải quyết vấn đề lao động, nâng cao đời sống cho diêm dân, đồng thời phát triển kinh tế xã hội ở địa phương và giữ vững an ninh quốc phòng. Muối Biển Việt Nam là quốc gia có hơn 3000 km […]

Đối tác của chúng tôi