Qua Nghị quyết 68/NQ-CP, mong muốn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là không chỉ cắt giảm những quy định đang là rào cản cho hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn kỳ vọng nâng cao chất lượng thể chế, hạn chế tình trạng ban hành quá nhiều văn bản, không để “cắt” quy định này thì lại có quy định khác “mọc lên”.
Tính từ năm 2021 đến nay, các bộ, cơ quan ngang bộ đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 2.352 quy định kinh doanh tại 191 văn bản; đã thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa 470 quy định kinh doanh tại 56 văn bản quy phạm pháp luật, đạt 41%.
Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2023, số quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa là 92 quy định tại 8 văn bản quy phạm pháp luật, nâng tổng số quy định được cắt giảm, đơn giản hóa từ năm 2021 đến nay lên 2.234 quy định tại 179 văn bản quy phạm pháp luật.
Tuy nhiên, trong 6 tháng đần năm 2023, mới có 2 bộ, cơ quan đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh; một số bộ, cơ quan vẫn chưa trình Thủ tướng Chính Phủ phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh.
Đánh giá của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính cho thấy, tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa quy định chưa đảm bảo theo yêu cầu của Chính phủ. Một số bộ, ngành cập nhật chưa đầy đủ, còn nhiều quy định cập nhật chưa chính xác, chậm công khai so với thời gian có hiệu lực của quy định; tỷ lệ quy định kinh doanh được rà soát còn thấp.
Do việc tính toán chi phí tuân thủ chưa thực hiện nghiêm túc nên chưa bảo đảm xác định chính xác tỉ lệ cắt giảm, đơn giản hóa số quy định và chi phí tuân thủ quy định theo yêu cầu của Chính phủ.
Việc đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh của nhiều bộ, ngành còn chậm, chưa đáp ứng chỉ tiêu yêu cầu, việc thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Thậm chí đến nay đã 3 năm triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP, nhưng vẫn còn một số bộ chưa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh theo yêu cầu.
Hiện còn nhiều phản ánh, kiến nghị, vướng mắc, đề xuất của hiệp hội doanh nghiệp về quy định kinh doanh chưa được xử lý kịp thời…
Nguyên nhân của thực trạng trên là do còn thiếu sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát trong tổ chức thực hiện; thiếu sự chủ động trong công tác phối hợp giữa các bộ ngành, cơ quan, đơn vị; chưa đề cao tinh thần trách nhiệm, thiếu sự gắn kết, hỗ trợ, tương tác giữa cơ quan quản lý nhà nước với các hiệp hội, doanh nghiệp trong xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật.
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả, tạo đột phá trong đổi mới thể chế, trọng tâm là đổi mới thế chế về quy định kinh doanh phục vụ người dân và doanh nghiệp, các bộ, ngành cần tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình cắt giảm quy định kinh doanh theo Nghị quyết số 68/NQ-CP.
Việc triển khai ở các bộ, ngành cần bảo đảm theo kế hoạch về thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo hướng một văn bản sửa nhiều văn bản; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành.
Bên cạnh đó, cần tích cực tham vấn các hiệp hội, doanh nghiệp và đối tượng chịu sự tác động phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, những quy định đang tạo gánh nặng hành chính và khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, xã hội quan tâm có nhiều ý kiến phản ánh; kịp thời xử lý, sửa đổi quy định để tháo gỡ vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp.
Nghị quyết 68/NQ-CP về cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 đặt ra mục tiêu, phải có ít nhất 20% số quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; phát triển công cụ kỹ thuật số hỗ trợ cải cách, đánh giá nỗ lực […]