Đó sẽ là một trong những căng thẳng chính trong những ngày đầu tiên của ông ấy sau khi nhậm chức Tổng thống. Liệu ông Biden có thể tiến hành khôi phục lại những chính sách cũ, hay làm một cuộc cách mạng? Hoặc chỉ đơn giản là sửa đổi một số điều trên nền tảng Tổng thống Trump đang duy trì?
Dự kiến, chính quyền của ông Biden sẽ xem xét kỹ lưỡng các kế hoạch hiện đại hóa hạt nhân. Một số nhà quan sát cho rằng lực lượng trên bộ của bộ ba chiến lược – bao gồm cả máy bay ném bom và tàu ngầm – có thể bị cắt giảm hoặc loại bỏ nhiều.
Nhưng theo Eric Sayers, một nhà phân tích của Viện Doanh nghiệp Mỹ, ông Biden được đánh giá là một “đảng viên Dân chủ ôn hòa” về các vấn đề chính sách hạt nhân, không hình dung điều đó sẽ xảy ra.
Về cơ bản, chuyên gia này cho biết thêm, có một điều các nhà quan sát chắc chắn rằng, ít nhất trong thời gian đầu nhậm chức, ông Joe Biden sẽ không tiến hành thay đổi các chính sách quân sự đang được duy trì.
Do đó, việc lựa chọn thực hiện một cuộc “cách mạng” với các chính sách quân sự hiện nay của Mỹ có thể sẽ bị loại bỏ. Với việc Tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden làm chủ Nhà Trắng và đảng Cộng hòa vẫn duy trì ưu thế ở Thượng viện, không nên mong đợi một sự thay đổi triệt để trong chiến lược hoặc chi tiêu quân sự.
Hiện tại, các ý kiến của giới quan sát, ông Biden sẽ lựa chọn khôi phục. Trước đó, ông đã từng nói trên chiến dịch tranh cử về việc đưa nước Mỹ trở lại con đường ngày trước, khẳng định lại vị trí lãnh đạo toàn cầu.
Trong lịch sử, kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đã cùng nhau thiết lập các chính sách đối ngoại gần tương đồng với các chính sách quân sự của Hoa Kỳ.
Thông qua các chính sách đó, Tổng thống của cả hai đảng đã sử dụng quyền lực của Mỹ để bảo đảm và duy trì cái được gọi là “trật tự quốc tế tự do”, một tập hợp các quy tắc và giá trị kinh tế, chính trị mà các cường quốc dân chủ lớn tin rằng sẽ giúp thế giới vận hành một cách có trật tự.
Mỹ không bao giờ làm điều này vì lòng tốt của họ. Thúc đẩy thương mại tự do và dân chủ tự do đồng nghĩa với việc cung cấp cho Mỹ thị trường để bán hàng hóa và xây dựng một liên minh để bảo đảm vị thế của Mỹ trước đối thủ. Và mặc dù không phải lúc nào điều này cũng được duy trì trong bầu không khí ổn định. Nhưng nhìn chung, chiến lược đó đã giúp Mỹ duy trì vị thế là cường quốc ưu việt của thế giới. Và dường như, đây cũng là điều mà ông Biden nhắm đến.
Tuy nhiên, mối quan hệ với các đồng minh đã bị tổn hại nghiêm trọng do các hành động căng thẳng thương mại của Tổng thống Trump. Thêm vào đó, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế cần kiềm chế và đại dịch bùng phát mất kiểm soát, việc thực thi lại những chính sách cũ tốn ít thời gian hơn là ban hành những chính sách mới có khả năng gây tranh cãi và gặp cản trở từ phía đảng Cộng hòa.
Chính vì vậy, quay trở về với con đường cũ trước đây của những vị Tổng thống tiền nhiệm có thể sẽ không làm hài lòng nhiều Thượng nghị sĩ và giới chuyên gia khi họ cho rằng giờ đây, Mỹ đang phải đối mặt với những vấn đề mới mà những chính sách quân sự trước đây không thể giải quyết.
Trước mắt, việc ông Joe Biden quyết định giữa “khôi phục”, quay trở lại với những chính sách truyền thống sau 4 năm chuyển hướng hay tiến hành sửa đổi lại một số chính sách quân sự đang được Tổng thống Trump duy trì sẽ đòi hỏi đội ngũ Nội các mới của ông phải làm việc trong ít nhất 1 năm đầu nhiệm kỳ.
Elizabeth Saunders, một chuyên gia về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ tại Đại học Georgetown, cho biết trong một hội thảo an ninh gần đây, “sau Trump, tôi nghĩ rằng tất cả sẽ trở lại những điều cơ bản trước đây. Năm tài chính 2021 sẽ không thay đổi. Và những chính sách quân sự sẽ được giữ nguyên”.
Giờ đây, ông Biden sẽ phải đối mặt với một ngã ba đường. Bất cứ điều gì được ông lựa chọn sẽ góp phần xác định lại vị trí của nước Mỹ trên thế giới vào thời điểm này. Tốt hơn hay tệ hơn, đó chính là vấn đề được đặt ra cho ông ngay bây giờ.
Theo ententernews