Tháp tùng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân có Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng; Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu; Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái; Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa; Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi; Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân; Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công.
Khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Diễn đàn APEC là ưu tiên quan trọng trong đường lối đối ngoại của Việt Nam với chủ trương đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, góp phần bảo vệ và thúc đẩy các lợi ích an ninh, phát triển, nâng cao vị thế của đất nước.
Trong 25 năm tham gia APEC, Việt Nam đã đóng góp tích cực, chủ động đối với Diễn đàn APEC, đề xuất nhiều sáng kiến, dự án hợp tác được các thành viên đánh giá cao; góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác, liên kết kinh tế khu vực, duy trì vai trò của APEC là cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu tại châu Á – Thái Bình Dương.
Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, với dấu mốc hai nước xác lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 9/2023).
Hai bên đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác về kinh tế, khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo, nhân đạo, trong đó có các hợp đồng thương mại với tổng giá trị trên 10 tỷ USD.
Với ý nghĩa đặc biệt của Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC năm nay và trong bối cảnh quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ tiếp tục phát triển mạnh mẽ thời gian qua, chuyến công tác tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC và các hoạt động tại Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có ý nghĩa hết sức quan trọng, cả trong các hoạt động đa phương và song phương, góp phần tiếp tục duy trì và củng cố cục diện đối ngoại hòa bình, ổn định, thuận lợi cho sự phát triển của đất nước.
Về Tuần lễ cấp cao APEC 2023, năm nay đánh dấu tròn 30 năm kể từ Hội nghị Các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC đầu tiên được tổ chức tại Hoa Kỳ và cũng là lần thứ 3 Hoa Kỳ đăng cai tổ chức Tuần lễ cấp cao APEC.
Với chủ đề “Kiến tạo một tương lai tự cường, bền vững cho tất cả mọi người”, nước chủ nhà Mỹ tập trung vào 3 ưu tiên về: Kết nối – xây dựng một khu vực tự cường và kết nối thúc đẩy thịnh vượng kinh tế toàn diện; thứ hai là Đổi mới sáng tạo – thúc đẩy môi trường đổi mới sáng tạo vì một tương lai bền vững; và thứ ba là Bao trùm – củng cố một tương lai bình đẳng và bao trùm cho mọi người dân.
Chủ đề và các ưu tiên do Hoa Kỳ đề xuất có sự tiếp nối với những chủ đề và ưu tiên của các Chủ nhà APEC những năm gần đây, đặc biệt chú trọng thúc đẩy hợp tác về phát triển bền vững và bao trùm, kết nối, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới.
Tại Tuần lễ lần này, lãnh đạo các nền kinh tế APEC sẽ rà soát việc thực hiện Kế hoạch Hành động Aotearoa về Tầm nhìn APEC đến năm 2040; báo cáo tiến độ triển khai Kế hoạch ở cả 3 trụ cột: thương mại, đầu tư; đổi mới sáng tạo; tăng trưởng bền vững và bao trùm. Các thành viên tiếp tục coi trọng APEC, khẳng định vai trò diễn đàn hàng đầu khu vực và là cơ chế quan trọng tại châu Á – Thái Bình Dương thúc đẩy các nỗ lực đa phương trong thúc đẩy phục hồi kinh tế và chuẩn bị cho tăng trưởng bền vững, bao trùm và tự cường.
Nguồn: Báo Công lý
Nhận lời mời của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam lên đường tham dự Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2023 và kết hợp hoạt động song phương tại […]