Sự kiện - chuyên đề:

“Cuộc tiếp xúc cử tri đặc biệt” của Chủ tịch Quốc hội tại Bulgaria

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Bulgaria, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội đã gặp gỡ, trò chuyện với bà con cộng đồng tại châu Âu. Theo Chủ tịch Quốc hội, đây có thể coi như cuộc tiếp xúc cử tri đặc biệt, trong đó có những “cử tri vô cùng đặc biệt” như cụ Nguyễn Thị Cháu (94 tuổi), cụ Trần Thị Nguyện (87 tuổi).

Thay mặt cho bà con cộng đồng đến từ các nước Slovakia, Séc, Hy Lạp, Rumani, Bulgaria, Thổ Nhĩ Kỳ, Liên hiệp hội người Việt tại châu Âu, Hội doanh nghiệp tại châu Âu… ông Nguyễn Quang Tuấn, Chủ tịch Hội người Việt tại Bulgaria, Chủ tịch Hội Liên hiệp người Việt Nam ở châu Âu cho biết, cộng đồng người Việt Nam tại châu Âu có tổ chức chặt chẽ, gắn kết các nước châu Âu qua tổ chức Liên hiệp cộng đồng người Việt Nam ở châu Âu.

Hội đã gìn giữ bản sắc văn hóa cội nguồn, góp phần xây dựng đoàn kết cộng đồng người Việt Nam tại các nước. Cộng đồng người Việt Nam ở châu Âu luôn hướng về tổ quốc, quyên góp ủng hộ bà con trong nước khi gặp khó khăn. Trong vụ hỏa hoạn vừa qua xảy ra tại Hà Nội, bà con Việt kiều đã nhanh chóng quyên góp gửi về nước gần 1 tỉ đồng.

Bên cạnh các hoạt động đối nội, cộng đồng cũng chú trọng xây dựng quan hệ thân thiện, gắn bó với nhân dân và chính quyền các nước sở tại nhằm nâng cao uy tín cộng đồng Việt Nam tại châu Âu. Tháng 7 vừa qua các Nghị sĩ nghị viện châu Âu đã mời 100 đại diện cộng đồng đến thăm và làm việc.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội đã gặp gỡ, trò chuyện với bà con cộng đồng tại châu Âu
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gặp gỡ, trò chuyện với bà con cộng đồng tại châu Âu

Tại cuộc gặp, đại diện cộng đồng người Việt tại châu Âu đề xuất Quốc hội, Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào làm lại thẻ căn cước, sửa đổi luật để bà con có thể trở lại quốc tịch Việt Nam; khi sửa Luật đất đai cần quan tâm đến kiều bào gốc Việt ở nước ngoài; công tác đưa lao động Việt Nam sang nước ngoài cần phải có những biện pháp nhằm bảo đảm cho người lao động ổn định, có công ăn việc làm.

Sau khi lắng nghe các ý kiến đại diện lãnh đạo Liên hiệp Hội Người Việt Nam tại châu Âu, Liên hiệp Hội Phụ nữ tại châu Âu, Hội Người Việt tại Bulgaria, đại diện sinh viên Việt Nam phát biểu, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng tới thăm Đại sứ quán, gặp mặt làm việc cán bộ Đại sứ quán, gặp mặt đại diện cộng đồng, Đại sứ, Phu nhân các nước lân cận Bulgaria.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây có thể coi như cuộc tiếp xúc cử tri đặc biệt, trong đó có những “cử tri vô cùng đặc biệt” như cụ Nguyễn Thị Cháu (94 tuổi), cụ Trần Thị Nguyện (87 tuổi).

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh sáng kiến tổ chức cuộc gặp mặt có đông đảo đại diện cộng đồng người Việt Nam các nước là hình thức gặp mặt cần được tiếp tục duy trì; đồng thời đánh giá cao sáng kiến thành lập các liên hiệp hội (doanh nhân, phụ nữ…) trong quy mô cộng đồng người Việt ở châu Âu.

Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm
Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm

Về các ý kiến đề nghị của bà con Việt kiều, Chủ tịch Quốc hội cho biết: “Liên quan đến việc bảo hộ công dân, lãnh sự, đây cũng là vấn đề được quan tâm nhất, chúng tôi đề nghị Đại sứ quán tiếp tục quan tâm. Luật căn cước công dân đang được sửa đổi vào tháng 10 này sẽ trình Quốc hội thông qua, sẽ phải cấp cho bộ phận khoảng 31.000 người gốc Việt đang sinh sống tại Việt Nam nhưng không có quốc tịch, giấy tờ. Tôi đi nhiều nước, thấy vấn đề mang hai quốc tịch được cộng đồng đề xuất rất nhiều.

Trong chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa 15 có nội dung nghiên cứu xem xét sửa đổi. Vấn đề này sẽ được Quốc hội nghiên cứu, xem xét. Về Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến sẽ được bấm nút thông qua vào tháng 10 này. Vấn đề sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất với người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài như nào, đây cũng là vấn đề đại sự lớn cần xem xét thấu đáo”.

Công tác đưa người lao động ra nước ngoài làm việc, Chủ tịch Quốc hội cho biết, sẽ giao Ủy ban xã hội và Ủy ban đối ngoại của Quốc hội giám sát trong thời gian tới đây. Thậm chí có thể sẽ có phiên giải trình trước Quốc hội, các Ủy ban về vấn đề đưa người lao động ra nước ngoài. Sau chuyến thăm, Quốc hội sẽ đề xuất với Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động Thương binh và Xã hội rà soát lại công tác này.

Thông báo mục đích chuyến thăm chính thức Bulgaria với thành phần phong phú từ lãnh đạo Quốc hội, thành viên Chính phủ, Trung ương, địa phương sở tại, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết hoạt động này diễn ra 15 năm sau chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (năm 2008). Trong khuôn khổ chuyến thăm lần này, Chủ tịch Quốc hội hai nước sẽ tiến hành hội đàm và hai bên sẽ ký lại Thoả thuận hợp tác. Bulgaria là một trong 10 quốc gia đầu tiên trên thế giới thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Theo Chủ tịch Quốc hội, với bề dày của mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống 73 năm qua giữa hai đất nước, chuyến thăm khẳng định quyết tâm của Việt Nam nhằm tăng cường quan hệ hợp tác, nhất là cho 27 năm tới (thời điểm tiến tới tròn 100 năm quan hệ hợp tác song phương).

Hiện nay, quan hệ chính trị, ngoại giao giữa hai nước phát triển hết sức tốt đẹp. Tuy nhiên, thương mại, đầu tư còn hạn chế. Chia sẻ một số hoạt động quan trọng khác sẽ diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội cho biết với trọng tâm là thúc đẩy thương mại đầu tư, đây là dịp để hai bên rà soát lại để thúc đẩy; đồng thời sẽ diễn ra những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với lãnh đạo các tập đoàn kinh tế lớn của Bulgaria, khu vực châu Âu. Cùng với đó, hai bên sẽ nỗ lực thúc đẩy hợp tác địa phương giữa hai nước…

Nguồn: Tạp chí Thương hiệu & Công luận

08:24:33 25-09-2023

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Bulgaria, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội đã gặp gỡ, trò chuyện với bà con cộng đồng tại châu Âu. Theo Chủ tịch Quốc hội, đây có thể coi như cuộc tiếp xúc cử tri đặc biệt, trong đó […]

Đối tác của chúng tôi