Trong 8 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế khó khăn và tỷ lệ lạm phát tăng cao tại Hoa Kỳ làm cho sức mua các mặt hàng tiêu dùng giảm đáng kể. Việc Fed liên tục tăng lãi xuất để kiềm chế lạm phát đã làm nhu cầu tiêu dùng tại Hoa Kỳ đi xuống vì lãi suất cao. Bên cạnh đó, yếu tố chu kỳ, dự trữ hàng tồn kho tăng cao cũng là một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ giảm trong những tháng đầu năm.
Tuy nhiên, sự sụt giảm này được đánh giá mang tính thời điểm chứ không phải là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới. Xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng trở lại trong những tháng gần đây cho thấy sự khởi sắc đáng kỳ vọng cho năm 2023, khi nhiều tổ chức đánh giá FED đã đi đến giai đoạn cuối của chu kỳ tăng lãi suất sức mua và niềm tin của người tiêu dùng Hoa Kỳ đang tăng trở lại. Các mặt hàng xuất khẩu truyền thống và có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, đồ gỗ, da giày, điện tử… được đánh giá sẽ tiếp tục hồi phục với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tích cực.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã và đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trung tâm sản xuất lớn toàn cầu. Các doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất ra nhiều mặt hàng phong phú về chủng loại, cạnh tranh về giá cả và chất lượng ngày càng được cải thiện. Đồng thời, sau đại dịch cũng như những bất ổn địa chính trị – kinh tế gần đây, nhiều tập đoàn, kênh phân phối bán lẻ, bán buôn đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa, bảo đảm nguồn cung bền vững và đã lựa chọn Việt Nam là một trong địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là cơ hội lớn. Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội cũng sẽ đòi hỏi nỗ lực lớn từ các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu.
Bộ Công Thương đánh giá, chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Joe Biden và sự kiện nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện sẽ tạo cơ hội chưa từng có để thúc đẩy những lĩnh vực hợp tác mới, mang tính đột phá, xây dựng nội lực để Việt Nam thực sự có mặt trong các chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó tập trung vào tạo việc đẩy mạnh sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện, thiết bị cho ngành năng lượng, hàng không, kinh tế số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo…
Với bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy khó khăn, thách thức như hiện nay, nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu của Việt Nam nói chung và Hoa Kỳ nói riêng đã xuất hiện nhiều xu hướng mới, yêu cầu, đòi hỏi mới, nhất là giá cả, chất lượng và các yêu cầu liên quan tới bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, tiêu chuẩn “sản xuất xanh”, chuỗi cung ứng “sạch và bền vững”.
Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng thích ứng được với những thay đổi đó. Các doanh nghiệp khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ cần xác định rõ chiến lược sản phẩm, đối tác, kênh phân phối; tìm hiểu kỹ các quy định, rào cản xuất khẩu, khả năng liên quan tới các vụ việc phòng vệ thương mại; đảm bảo nguyên vật liệu đầu vào có nguồn gốc rõ ràng, không ảnh hưởng tới môi trường hay sử dụng lao động cưỡng bức; đồng thời từng bước nghiên cứu nâng cấp cơ sở sản xuất, nhà máy theo các “tiêu chuẩn sản xuất xanh”.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, kết nối với các cơ quan liên quan, tạo uy tín và gây dựng niềm tin với khách hàng Hoa Kỳ. Để phát triển thị trường, ngoài việc hợp tác với các nhà nhập khẩu, kênh phân phối lớn, doanh nghiệp cũng cần áp dụng chiến lược đa dạng hóa khách hàng và tích cực tìm kiếm các thị trường ngách, để giảm thiểu rủi ro.
Nguồn: Tạp chí Thương hiệu & Công luận
Lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam sẽ có thêm những cơ hội phát triển gì mới, sau chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden? Các doanh nghiệp Việt Nam, cần làm gì để tận dụng tốt những cơ hội đó thúc đẩy sự phát triển?… Trong 8 tháng đầu năm 2023, tình […]