Sự kiện - chuyên đề:

Hơn 300 chuyến bay rỗng “cứu” hành khách bị kẹt lại sân bay Tân Sơn Nhất

Nhằm “giải tỏa” các hành khách đang bị kẹt lại tại sân bay Tân Sơn Nhất do bị ảnh hưởng bởi sương mù tại các sân bay thuộc khu vực phía Bắc, nhiều hãng hàng không đã phải tăng cường bay rỗng từ các sân bay khác về như một biện pháp cứu cánh tạm thời.

 

Ngày 4/2, Cảng vụ Hàng không miền Nam cho biết, đơn vị vẫn đang theo dõi sát sao tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến do ảnh hưởng thời tiết sương mù ở các tỉnh, thành phía Bắc làm ảnh hưởng đến quá trình vận hành khai thác tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh).

Theo kế hoạch khai thác, trong ngày 4/2 có 893 chuyến bay đi và đến sân bay Tân Sơn Nhất. Tổng số hành khách vẫn duy trì ở mức cao, ở mức gần 130.000 người.

Trong đó, lượng hành khách quốc nội đi đạt hơn 60.571 người, giảm hơn 1.000 người so với ngày hôm qua (3/2). Tuy nhiên, áp lực tại sân bay Tân Sơn Nhất hiện tại vẫn rất lớn vì tình trạng chậm chuyến vẫn chưa chấm dứt vì ảnh hưởng của thời tiết.

Hơn 300 chuyến bay rỗng trở về Tân Sơn Nhất giải tỏa khách bị kẹt lại. Ảnh: Mậu Dũng  
Hơn 300 chuyến bay rỗng trở về Tân Sơn Nhất giải tỏa khách bị kẹt lại. Ảnh: Mậu Dũng  

Theo Trung tâm Điều hành sân bay Tân Sơn Nhất, từ 0 giờ ngày 1/2 đến 16 giờ ngày 3/2 (ngày 22 đến 24 tháng Chạp), sân bay này đã khai thác hơn 1.100 chuyến. Trong số này có 659 chuyến bị chậm giờ, chiếm gần 60% tổng số chuyến bay dự kiến.

Trong đó, hai hãng có số chuyến bị chậm nhiều nhất là Vietjet Air với 257 chuyến, chiếm hơn 74% tổng số chuyến khai thác của hãng. Vietnam Airlines có 209 chuyến bị chậm, chiếm hơn 59%. Đây là hai hãng có tỷ lệ khai thác lớn nhất.

Để giải tỏa lượng khách đang tồn đọng rất lớn tại sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay, các hãng hàng không phải tăng cường bay rỗng về Tân Sơn Nhất mỗi mùa Tết do tình trạng “lệch tải” lượng hành khách đi và đến giữa các vùng, miền. Tình trạng thời tiết xấu khiến áp lực này càng tăng cao vì hành khách ùn ứ tại ga đi quốc nội Tân Sơn Nhất.

Ngoài ra, một số hãng như Jetstar Pacific cũng có hơn 44 chuyến bị chậm (chiếm 70%), Bamboo Airways có 43 chuyến (chiếm 57%).

Bên cạnh tình trạng trễ giờ khởi hành, còn có 40 chuyến bay tại Tân Sơn Nhất buộc phải hủy vì ảnh hưởng thời tiết xấu, chiếm tỷ lệ 3,63% trên tổng số chuyến khai thác.

Tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến vì sương mù liên tiếp trong 4 ngày vừa qua đã khiến áp lực “lệch tải” tiếp tục tăng cao.

Theo thông tin, từ ngày 1/2 – 4/2 đã có hơn 310 chuyến bay rỗng từ các sân bay về Tân Sơn Nhất nhằm giảm giải tỏa lượng khách đang bị kẹt lại tại đây.

Riêng trong ngày 3/2, số lượng chuyến bay rỗng lên đến 104 chuyến. Điều này khiến các hãng cũng bị thiệt hại nặng do bay rỗng nhiều.

Cục Hàng không Việt Nam cho biết, từ ngày 2-3/2, các tỉnh, thành khu vực phía Bắc xuất hiện hiện tượng sương mù, mây thấp, tầm nhìn giảm dưới tiêu chuẩn khai thác các chuyến bay. Điều này khiến nhiều chuyến bay phải chuyển hướng hạ cánh hoặc bị hoãn, chậm giờ. Tình hình thời tiết này được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài đến ngày 8/2 (ngày 29 Tết) vào các thời điểm từ đêm đến rạng sáng.

Các sân bay bị ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp bởi sương mù và thời tiết xấu như: Nội Bài (Hà Nội), Cát Bi (Hải Phòng), Thọ Xuân (Thanh Hoá), Vinh (Nghệ An), Phú Bài (Huế)… đã tác động lớn đến hoạt động tại sân bay Tân Sơn Nhất, khi nhiều chuyến bay bị chậm giờ khởi hành.

Tình trạng chuyến bay bị delay gây ảnh hưởng dây chuyền đến thời gian khởi hành giữa các sân bay; hành khách bị dồn ứ, gây quá tải tại khu vực phòng chờ lên tàu bay.

Theo đánh giá của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến được kỳ vọng sẽ giảm sau ngày 8/2, thời điểm dợ báo thời tiết khu vực miền Bắc có dấu hiệu tốt lên, ít sương mù hơn.

 

Nguồn: Báo Kinh tế & Đô thị

09:30:59 05-02-2024

Nhằm “giải tỏa” các hành khách đang bị kẹt lại tại sân bay Tân Sơn Nhất do bị ảnh hưởng bởi sương mù tại các sân bay thuộc khu vực phía Bắc, nhiều hãng hàng không đã phải tăng cường bay rỗng từ các sân bay khác về như một biện pháp cứu cánh tạm […]

Đối tác của chúng tôi