Sự kiện - chuyên đề:

Không có tư cách pháp nhân, CPL chuyển hơn chục triệu USD vào Việt Nam

VHDN: Dù không có đăng ký đầu tư kinh doanh, China Policy (gọi tắt là CPL) vẫn chuyển cả chục triệu USD vào Việt Nam để kinh doanh dự án bất động sản hơn 12 năm qua. Hành vi này cần phải được cơ quan chức năng điều tra, xử lí nghiêm.

Đầu tư “chui” vào dự án bất động sản?

Năm 2005, Công ty CP Địa ốc Hồng Phát được UBND tỉnh Long An giao cho 273 ha của giai đoạn I thực hiện Dự án Khu dân cư cao cấp và Trường đua ngựa tại huyện Đức Hoà.

Dự án đang được công ty Hồng Phát đưa vào thực hiện

Đến ngày 01/06/2007, Công ty CP Địa ốc Hồng Phát (Công ty Hồng Phát) và CPL kí “Thỏa thuận khung”, với nội dung: Tổng số vốn đầu tư ban đầu cho Dự án là 140 triệu USD; hai bên dự định sẽ kí kết một hợp đồng thành lập “Công ty liên doanh” với vốn điều lệ 21,4 triệu USD, trong đó Công ty Hồng Phát góp 30% bằng giá trị quyền sử dụng đất, CPL góp 70% bằng tiền mặt sau khi dự án được cấp quyền sử dụng đất. CPL tạm ứng 15,6 triệu USD để trả cho các khoản chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng và các thủ tục khác.

Đến tháng 02/2008, theo quy định mới thì phải định giá sát giá thị trường nên dự án bất động sản phải đóng thêm 465 tỷ đồng tiền sử dụng đất. Từ phát sinh trên, Công ty Hồng Phát nhiều lần mới đại diện của CPL cùng tháo gỡ. Do hai bên không thống nhất, đến ngày 27/10/2008 Công ty Hồng Phát đã có văn bản gửi CPL thông báo “Không tiếp tục hợp tác để triển khai dự án”, đồng thời sẽ thu xếp tài chính hoàn trả lại cho CPL 15.600.000 USD.

Qua tìm hiểu, theo “Thỏa thuận khung”, CPL đã chuyển trực tiếp 15,6 triệu USD từ nước ngoài vào Việt Nam. Trong đó, có 13 triệu USD chuyển cho Trung tâm Dịch vụ tư vấn nhà đất tỉnh Long An để làm kinh phí bồi thường cho các hộ dân có nhà đất.

Khoản tiền chuyển để góp vốn, đầu tư của CPL theo các chuyên gia kinh tế và luật sư là “bất hợp pháp” và không đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Do đó, cần phải điều tra làm rõ hành vi trốn thuế, rửa tiền?

Nhiều “dấu hiệu lạ” cần xử lý nghiêm!

Theo Luật sư Trần Hải Đức, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng: Việc hợp tác đầu tư vào Dự án năm 2007, CPL phải tuân thủ theo pháp luật Việt Nam, bao gồm Luật Đầu tư năm 2005 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2006) và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Tại Điều 46 Luật Đầu tư năm 2005, quy định: Đối với dự án có vốn đầu tư nước ngoài quy mô dưới 300 tỉ đồng thì nhà đầu tư phải làm thủ tục đăng ký đầu tư tại cơ quan nhà nước quản lý đầu tư cấp tỉnh để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Đối với dự án quy mô từ 300 tỷ đồng trở lên thì phải thực hiện thủ tục “thẩm tra đầu tư” theo Điều 47 Luật Đầu tư năm 2005.

Ngoài ra, để tránh tình trạng đầu tư “chui” và phát sinh tranh chấp, tại khoản 4 Điều 45 Luật Đầu tư năm 2005 quy định điều kiện bắt buộc là:“Nhà đầu tư đăng ký đầu tư trước khi thực hiện dự án đầu tư”. Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam còn phải tuân thủ theo Điều 50: Phải có dự án đầu tư và làm thủ tục đăng ký đầu tư hoặc thẩm tra đầu tư tại cơ quan nhà nước quản lý đầu tư để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của Công ty CPL ngày 22/01/2019

Trên cơ sở pháp luật, Luật sư Trần Hải Đức khẳng định việc CPL chuyển tiền cho Trung tâm Dịch vụ tư vấn nhà đất tỉnh Long An là vi phạm nghiêm trọng Thông tư 03/2004/TT-NHNN ngày 25/5/2004 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo Luật sư Hà Thị Thanh, Chủ tịch Hội đồng  thành viên Công ty Luật Song Thanh, Đoàn luật sư TP. Hà Nội, CPL chuyển tiền vào Việt Nam để cùng Hồng Phát hợp tác đầu tư dự án nhưng chưa thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư hoặc thẩm tra để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Căn cứ vào Văn bản số 2463/BKHĐT-PC ngày 17/4/2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thì chưa có cơ sở xác định việc chuyển vốn này là hoạt động đầu tư vào Dự án đầu tư với tư cách nhà đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư.
Như vậy, việc CPL ký “Thoả thuận khung” và chuyển 15,6 triệu USD vào Dự án không được xem là hoạt động đầu tư tại Việt Nam, do không tuân thủ theo pháp luật Việt Nam về thương mại và đầu tư là có cơ sở.

Để hợp pháp đầu tư, ngày 22/01/2019, CPL được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp “Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu” thành lập Công ty TNHH CHINA POLICY (VIỆT NAM).

Đáng chú ý, đến ngày 26/2/2019, CPL có văn bản gửi Hồng Phát nêu một loạt vấn đề, kèm theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Đại diện Công ty Hồng Phát cho biết: “Nội dung văn bản dài 5 trang; cuối văn bản, ông Alan Tong Kwok Lun ký tên “nhân danh CPL” nhưng lại sử dụng con dấu của Công ty TNHH CHINA POLICY (VIỆT NAM) để đóng vào văn bản.

Trước tình trạng trên, Công ty Hồng Phát mong muốn cơ quan chức năng sớm vào việc thanh kiểm tra làm rõ dấu hiệu sai phạm của CPL. Đồng thời, nghiêm trị những cá nhân, tổ chức đứng sau có dấu hiệu buông lỏng quản lý nhằm hưởng lợi từ việc làm sai phạm của tổ chức không đủ tư cách pháp nhân tại Việt Nam?

Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an, có Văn bản số 1606/ANCTNB-P4 ngày 7/11/2018, xác định: “Về tư cách pháp nhân: CPL đăng kí trụ sở hoạt động tại Vistra Corporate Services Centre, Wickhams Cay, Road Town, Tortola, VG1110, British Virgin Islands (BVI). Đến nay CPL không có thông tin về đăng ký đầu tư, đăng ký kinh doanh và chưa được cấp phép hoạt động thương mại tại Việt Nam”. 

PV

08:39:59 08-05-2019

VHDN: Dù không có đăng ký đầu tư kinh doanh, China Policy (gọi tắt là CPL) vẫn chuyển cả chục triệu USD vào Việt Nam để kinh doanh dự án bất động sản hơn 12 năm qua. Hành vi này cần phải được cơ quan chức năng điều tra, xử lí nghiêm. Đầu tư “chui” […]

Đối tác của chúng tôi