Sự kiện - chuyên đề:

Kỉ niệm 94 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/06/1925 – 21/06/2019

Chuyện làm báo của nhà báo Kim Quốc Hoa

VHDN: Trong giới báo chí ở nước ta, Biên tập viên cao cấp Kim Quốc Hoa là một trong những nhà báo để lại dấu ấn khá đặc biệt. Thứ nhất, ông giành kỉ lục là người đứng đầu 6-7 cơ quan báo chí. Trong chiến tranh chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ông làm báo trong quân đội (1971-1990); khi tuổi còn trẻ ông làm báo Thanh niên (Tuổi trẻ Thủ đô); trong sự nghiệp đổi mới ông làm báo chính sách xã hội và người có công (Lao động- Xã hội), rồi ông làm báo Xây dựng và Đầu tư nước ngoài; cuối cùng về hưu ông làm báo Người cao tuổi và Tạp chí Người cao tuổi. Thứ hai, trừ báo Chiến sĩ Hậu cần (Quân đội) được bao cấp, còn 5-6 cơ quan báo chí do ông chủ trì đều thoát li bao cấp nhưng cân đối được và có lãi. Thứ ba, ông lãnh đạo tờ báo nào cũng phát triển đến đỉnh cao về số lượng phát hành và uy tín với độc giả. Thứ tư, ông là nhà báo có bản lĩnh, ở cơ quan nào cũng mạnh dạn, can đảm chống tiêu cực, tham nhũng. Thứ năm, ông là một nhà báo có nhiều tâm huyết kết hợp làm báo với hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, nhân đạo, từ thiện … Nhân kỉ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Tạp chí Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam trân trọng giới thiệu với bạn đọc đôi điều về trải nghiệm cuộc đời làm báo của Biên tập viên cao cấp Kim Quốc Hoa…

Trong giới báo chí, ông là người có “kỉ lục” về số lần chủ trì nhiều cơ quan báo chí. Có nơi ông phụ trách chỉ một thời gian ngắn. Phải chăng, trong hoạt động của mình “có vấn đề” nên thay đổi luôn?

Ông Kim Quốc Hoa: Trong gần nửa thế kỉ làm báo chuyên nghiệp, từ một phóng viên tôi trở thành cán bộ lãnh đạo 6- 7 cơ quan báo chí, trong đó giữ vai trò phụ trách và làm Tổng biên tập 6 nơi, còn một nơi làm Phó Tổng biên tập (Báo Lao động-Xã hội) doThứ trưởng – Anh hùng Trịnh Tố Tâm kiêm Tổng biên tập. Có cơ quan tôi chỉ đảm nhiệm hơn một năm như hai tạp chí Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài và Tạp chí Người cao tuổi, hay chỉ 3 năm như báo Tuổi trẻ Thủ đô, lâu nhất hơn 8 năm như báo Người cao tuổi.

Trước đây, cũng có người nhận xét: “Kim Quốc Hoa di chuyển xoành xoạch chẳng qua do đấu đá, mất đoàn kết nội bộ”. Điều đó không đúng! Tôi xin khẳng định cả 6-7 cơ quan báo chí tôi phụ trách đều do chủ quản tìm và xin về chứ tôi không chủ động, viết đơn xin bất cứ nơi nào.

Chuyện đó cụ thể như thế nào, thưa ông ?

Ông Kim Quốc Hoa: Tôi trở thành nhà báo rất tình cờ. Năm 1969-1970, Tổng cục Hậu cần (Quân đội) phát động cuộc thi thơ “Bộ đội Hậu cần hướng ra tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng”, tôi là người lính đơn vị Q.155 Cục Quản lí xe tham gia gửi 4 bài thơ được chọn cụm 3 bài đoạt giải ba (Phạm Tiến Duật giải nhất). Hồi ấy, Tổng cục Hậu cần có tờ báo Chiến sĩ Hậu cần thiếu phóng viên trẻ. Ông Phó Chủ nhiệm Tổng cục về Chính trị chỉ thị cho Cục Chính trị xuống đơn vị xác minh, quyết định điều động tôi về làm phóng viên (1971). Tờ báo này quân đội giải thể năm 1979. Đầu năm 1984, Tổng cục Chính trị cho phép xuất bản lại, tôi được giao phụ trách. Năm 1988, Bộ Quốc phòng quyết định giải thể các báo Quân khu, Quân đoàn, Binh chủng, Tổng cục, tôi chuyển sang làm Phó trưởng phòng Tuyên huấn. Năm 1990, báo Tuổi trẻ Thủ đô khủng hoảng trầm trọng. Theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Thế Duyệt, Bí thư Thành đoàn Trần Văn Tuấn sang bên quân đội tìm chọn Tổng biên tập là một sĩ quan có nghề làm báo. Tôi được ông Tuấn “nhắm” và Thành ủy Hà Nội quyết định tôi về làm Tổng biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô. Khi đó, tờ báo này chỉ còn 7 phóng viên và hai người làm kế toán, thủ quỹ, báo in chỉ 1.200 bản/kì, phát hành được 8-900 tờ; đã nhiều tháng không có lương, không có nhuật bút khiến tôi phát hoảng. Tôi rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan và phải dấn thân vào cuộc bằng cách đổi mới nội dung, cải tiến hình thức, nâng dần chất lượng ấn phẩm. Sau ba năm, số lượng phát hành tăng dần xấp xỉ lên 20.000 bản/kì. Tôi còn cùng Thành đoàn lập dự án đầu tư, xin Thành phố cho xây trụ sở mới ở 19 Lý Thường Kiệt bây giờ.

Báo Tuổi trẻ Thủ đô phát triển như thế sao ông lại đi?

Ông Kim Quốc Hoa: Cuối năm 1992, Anh hùng Trịnh Tố Tâm, Bí thư Trung ương Đoàn, người bạn học cấp III Thường Tín với tôi được Trung ương điều động về làm Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Tết nguyên đán 1993, vợ chồng anh đến nhà tôi chúc tết cho biết Bộ trưởng Trần Đình Hoan muốn có một tờ báo và giao cho Trịnh Tố Tâm lo thành lập. Anh Tâm động viên tôi về. Trước tết gần hai tuần, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm cho thư kí đánh xe đón tôi lên nhà riêng ở phố Vạn Bảo vào ngày chủ nhật. Ông đặt vấn đề mời tôi về lập đề án, xin cấp phép và làm Tổng biên tập báo Ngân hàng. Tôi đang phân vân thì anh Trịnh Tố Tâm nói dứt khoát: “Thôi, về với nhau làm tờ báo chính sách xã hội và người có công…”. Sau đó, tôi và nhà báo Ngọc Niên (phóng viên báo QĐND) bắt tay làm đề án do Ngọc Niên đứng tên. Được cấp phép, chúng tôi ráo riết chuẩn bị xuất bản, lấy ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1993) ra số đầu. Anh Tâm làm Tổng biên tập, tôi là phó ở Hà Nội, Ngọc Niên là phó phụ trách phía Nam. Sau 4-5 năm, tờ báo phát triển mạnh mẽ, tuần ra 3 kì, lượng in đạt 18.000 bản/kì, có số cuối tháng, tự cân đối được tài chính.

Cuối năm 1997, Bộ Xây dựng có kế hoạch chuẩn bị kỉ niệm 40 năm thành lập (1958-1998), cần xuất bản báo ngành. Bộ trưởng Ngô Xuân Lộc gặp một số nhà báo có chức sắc nhờ giúp đỡ, tìm một Tổng biên tập. Nhà báo Hồng Vinh, lúc ấy là Tổng biên tập báo Nhân Dân nói với Bộ trưởng Ngô Xuân Lộc: “Anh muốn thành lập tờ báo, tốt nhất tìm cách xin Kim Quốc Hoa đang làm ở báo Lao động-Xã hội”. Thế là, ông Ngô Xuân Lộc có 3 lần gặp tôi, kiên trì mời tôi để viết đề án thành lập báo, rồi Bộ trưởng quyết định tôi làm Tổng biên tập. Báo Xây dựng từng bước phát triển, khẳng định vị thế trong ngành.

Cuối năm 2002, do một lí do “tế nhị” tôi nộp đơn xin từ chức Tổng biên tập báo Xây dựng. Thời điểm đó, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập báo Văn nghệ từ trước đã “nhắm” tôi ra để có thể làm Phó Tổng biên tập. Anh bảo báo Văn nghệ có nhiều người giỏi văn, thơ nhưng rất cần một người giỏi nghề báo. Anh yêu cầu tôi chuyển sinh hoạt Đảng để thu xếp bổ nhiệm. Tôi đề xuất chỉ xin làm trợ lí cho anh về nghiệp vụ. Trong 3 năm ở đó, tôi chủ yếu góp phần phát triển tờ Văn nghệ Trẻ, cùng tập thể phụ trương này đổi mới và cải tiến, nâng dần lượng phát hành từ 3.000 bản/kì lên 5-7.000 rồi xấp xỉ 10.000 bản/kì. Đó là giai đoạn hoàng kim nhất của ấn phẩm Văn nghệ Trẻ.

Trong khi đang hoạt động ở báo Văn nghệ, TS Mai Thanh Hải, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài tìm gặp, mời tôi về thành lập cơ quan báo chí. Tôi đã thực hiện được ý nguyện của ông bằng cách viết đề án, xin cấp phép xuất bản và làm Tổng biên tập cho đến khi về báo Người cao tuổi (sau 7 tháng) vẫn kiêm nhiệm.

Thế còn câu chuyện ông về làm Tổng biên tập báo Người cao tuổi?

Ông Kim Quốc Hoa: Trong thâm tâm tôi muốn nghỉ quản lí để chuyên tâm viết sách. Nhưng định mệnh run rủi thế nào tôi lại một lần nữa “dấn thân”. Vào năm 2006, báo Người cao tuổi đứng bên bờ vực phá sản, đến mức Ban Thường vụ Trung ương Hội (Khóa III) tính chuyện giải thể. Tuy nhiên, sau đó lãnh đạo chọn phương án duy trì nhưng cần có một Tổng biên tập mới. Theo ông Trưởng ban Tổ chức Nguyễn Thế Dũng, Thường trực Trung ương Hội đã gặp, vận động 4-5 nhà báo, có người từ chối, có người không đạt tiêu chí nên lúng túng khiến cho lãnh đạo báo Người cao tuổi lúc đó càng dấn sâu vào tiêu cực. Vào đầu năm 2007, ông Chủ tịch Hội Nguyễn Tấn Trịnh và ông Nguyễn Thế Dũng gặp tôi mấy lần, động viên tôi về nhưng tôi từ chối bởi tự thấy nếu nhận sẽ vô cùng nan giải, không biết có trụ được không? Một tờ báo sau 12 năm thành lập mà rất èo ọt, yếu kém về mọi mặt. Những người phụ trách hầu như không quan tâm phát triển tờ báo mà chỉ loay hoay làm dịch vụ kiếm tiền chia nhau, dẫn đến gây thất thoát hơn 5,6 tỉ đồng (theo kết luận thanh tra) để rồi sau đó xẩy ra vụ án hình sự, Quốc hội (Khóa XII) xác định là 1/15 vụ án tham nhũng trọng điểm cả nước (năm 2009), để lại món nợ 1,5 tỉ đồng thì ai gan to đến mấy nghe cũng “kinh hãi”.

Sau hai, ba lần từ chối, ngày 24/3/2007 tôi được cựu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cho gọi đến Văn phòng của ông ở 65 Phan Đình Phùng. Ông động viên tôi nên về báo Người cao tuổi “vì báo này làm tốt nó sẽ như tờ Đại Đoàn kết, sẽ có thương hiệu, v.v…” Ông đặt niềm tin tôi sẽ làm được và làm tốt. Ý kiến đó như một mệnh lệnh đối với người lính nên tôi nhận lời và Trung ương Hội kí ngay quyết định giao cho tôi Quyền Tổng biên tập từ ngày 01/3/2007, trong khi chưa kịp lập hồ sơ cán bộ.

Gần 10 năm làm Tổng biên tập báo Người cao tuổi, tâm huyết của tôi, công việc tôi làm để phát triển tờ báo này và ý chí, bản lĩnh chống tham nhũng, tiêu cực như thế nào các bạn biết đấy! Báo phát triển vượt trội về tăng trang, tăng kì, đổi mới hoàn toàn về nội dung, hình thức, đặc biệt tăng rất nhanh số lượng phát hành và hiệu quả xã hội. Từ thua lỗ, nợ nần báo có lãi và rất ấn tượng trong công chúng bạn đọc.

Rõ ràng là cả sáu, bảy cơ quan báo chí ông phụ trách không nơi nào ông tìm đến, xin về mà đều do cơ quan chủ quản tìm, mời ông về, đúng không?

Ông Kim Quốc Hoa: Đúng vậy!

Khi nãy ông có nói rằng trừ tờ báo thuộc quân đội, còn các cơ quan báo chí khác ông chủ trì sau đó đều hoàn toàn tự hạch toán mà vẫn phát triển mạnh mẽ. Ông hãy nói khái quát về đặc điểm này?

Ông Kim Quốc Hoa: Đó là sự thật! Từ phụ trách tờ báo hoàn toàn bao cấp trong quân đội, tôi chuyển ngành ra báo Tuổi trẻ Thủ đô phải hoàn toàn tự lo. Lúc đó, tình hình khá nan giải, gần nửa năm tòa soạn không có lương, không có nhuận bút. Tôi phải xoay xỏa bằng cách đổi mới nội dung, cải tiến hình thức, mời gọi cộng tác viên,v.v… Làm Tổng biên tập nhưng mỗi lần báo ra, tôi đạp xe đến nhiều khu phố, xuống tận Ngọc Hồi, vào cả Thanh Xuân rải báo cho các đại lí, các sạp báo vỉa hè. Ít lâu sau có nhà báo Nguyễn Hữu Mão tăng cường về làm Phó Tổng biên tập và thêm mấy phóng viên khá chắc tay, từng bước cân đối được tài chính.

Ở các cơ quan báo chí khác (Lao động-Xã hội, Xây dựng, Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài và Người cao tuổi), quan điểm của tôi là xin cơ chế, chủ động chứ không xin biên chế (lương ngân sách), tức là không được bao cấp. Khi thành lập báo Lao động-Xã hội, hay báo Xây dựng chúng tôi chỉ đề nghị Bộ chủ quản cấp cho 60 triệu đồng vốn ban đầu để mua bàn ghế, máy ảnh, lắp điện thoại còn mọi mặt trong nhiều năm tự lo. Vẻn vẹn tài chính chỉ có thể nhưng vẫn trụ vững và phát triển cho đến lúc tôi chuyển đi hoặc nghỉ hẳn.

Vậy, bằng cách nào xây dựng, phát triển cơ quan báo chí như ông thực hiện rất thành công?

Ông Kim Quốc Hoa: Bên cạnh tổ chức bộ máy tinh gọn, hợp lí, mọi người làm việc hết mình thì mấu chốt là phải đẩy mạnh công tác phát hành và dịch vụ quảng cáo. Muốn tăng nhanh số lượng in thì trước hết là làm cho nội dung phong phú, đa dạng, phù hợp nhu cầu thông tin cho bạn đọc, kết hợp với cải tiến về hình thức và làm tốt việc vận động tổ chức, cá nhân mua báo. Đó là nguồn thu chính, quảng cáo là nguồn thu quan trọng để cân đối, tiến tới có lãi. Phải ưu tiên nộp thuế, tiền lương, nhuận bút, bảo hiểm xã hội, dứt khoát không nợ các khoản đó. Được biết, những năm tôi không còn làm Tổng biên tập nữa, có những cơ quan báo Bộ chủ quản phải hỗ trợ nhiều tỉ đồng mới duy trì hoạt động được. Đó là sự thật!.

Nghe ông tâm sự trải nghiệm với nghề thấy nhiều điều lí thú, bổ ích. Bạn đọc muốn ông chia sẻ thêm kinh nghiệm và bản lĩnh chống tham nhũng, tiêu cực, hay như phương pháp quản lí cơ quan báo chí, rồi việc ông làm đền ơn đáp nghĩa, xã hội từ thiện,v.v…nhưng xin để dịp khác.

Chúc ông khỏe mạnh, gia đình hạnh phúc, tiếp tục công việc của một nhà báo lão thành, mặc dù không còn cương vị là người đứng đầu cơ quan báo chí!

Ông Kim Quốc Hoa: Vâng! Xin cảm ơn và chúc Tạp chí Văn hoá Doanh nghiệp Việt Nam không ngừng phát triển, gặt hái nhiều thành công.

QUANG MINH (Thực hiện)

14:23:14 20-06-2019

VHDN: Trong giới báo chí ở nước ta, Biên tập viên cao cấp Kim Quốc Hoa là một trong những nhà báo để lại dấu ấn khá đặc biệt. Thứ nhất, ông giành kỉ lục là người đứng đầu 6-7 cơ quan báo chí. Trong chiến tranh chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ […]

Đối tác của chúng tôi