Sự kiện - chuyên đề:

Nghệ nhân Nguyễn Thị Quí

VHDN: Đồng thầy Nguyễn Thị Quí – Linh Quang Điện (tổ 10, phường Phú Xá, thành phố Thái Nguyên) vừa hoàn tất hồ sơ xin xét tặng “Nghệ nhân Ưu tú tín ngưỡng thờ Mẫu”. Tín ngưỡng thờ Mẫu đã trở thành di sản thứ 11 của Việt Nam, được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Gặp gỡ Pháp sư Đồng thầy tín ngưỡng thờ Mẫu Nguyễn Thị Quí trong những ngày lễ đầu xuân thật là hoan hỷ.

Đồng thầy Nguyễn Thị Quí.

Thờ Mẫu là một tín ngưỡng có nguồn gốc bản địa đích thực. Mặc dù trong quá trình phát triển nó đã thu nhận, ảnh hưởng của Đạo giáo, Phật giáo và cả Nho giáo. Nhưng xã hội phát triển, đạo Mẫu có vai trò nhất định trong đời sống xã hội. Là một tín ngưỡng tồn tại song hành cùng đạo Phật. Trong nhiều đình, chùa của người Việt có sự kết hợp giữa thờ Phật và thờ Mẫu.

Trải qua chiều dài lịch sử lâu đời ở nước ta, tín ngưỡng thờ Mẫu đã phát triển có Tam Phủ, Tứ Phủ. Mẫu Thượng Thiên (Mẫu đệ nhất) cai quản miền trời và làm chủ mây mưa, sớm chớp, mặc áo đỏ, đặt ở giữa điện thờ. Mẫu Thượng Ngàn (Mẫu đệ nhị) cai quản miền rừng núi, cây cối, mặc áo xanh, thờ bên trái Mẫu Thượng Thiên. Mẫu Thoải (Mẫu Thủy – Mẫu Thoải hay Mẫu Đệ Tam) cai quản miền sông nước, mặc áo nhũ trắng thờ bên phải Mẫu Thượng Thiên.

Nơi thờ Tam Tòa Thánh Mẫu – Chúa tể Tam Phủ là Thiên Phủ, Địa Phủ, Thủy Phủ gọi là Tam Phủ. Tam Phủ thờ ngọc Hoàng Thượng Đế Nam Tào – Bắc Đẩu, ngũ vị quan lớn, tứ vị Chầu Bà nên thường gọi là Tam Phủ cộng đồng hay Tứ Phủ Vạn Linh. Phủ thứ tư là để thờ các vị thần linh khác.

Nhắc đến đạo Mẫu thì hầu đồng không thể tách rời trong tín ngưỡng này. Ở đâu có thờ Mẫu thì ở đó có hầu đồng. Đây là một hình thức diễn xướng lại các sự tích của các vị thần, ca ngợi công lao, bày tỏ lòng thành kính đối với các vị thần mang sắc thái tôn nghiêm. Nó kết hợp nhuần nhuyễn giữa âm nhạc, dụng cụ và trang phục mang đậm bản sắc văn hóa Việt, được sáng tạo, phát triển, lưu truyền qua các thế hệ.

Sinh ra ở vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội, từ nhỏ bà Nguyễn Thị Quí thường theo cha mẹ và ông bà ngoại đi lễ ở các đền, chùa. Được khuyên dạy “nhất tâm với đạo Phật, thật tâm với đạo Mẫu”, và cho là có “căn số” nên năm 26 tuổi (1982) bà Nguyễn Thị Quí ra trình đồng và lập đền thờ tại gia mang tên Linh Quang Điện. Sau 12 năm, nhờ siêng năng học hỏi và sự tận tâm dạy bảo của các thầy, Thanh đồng Nguyễn Thị Quí đã trở thành một Đồng thầy thành thạo các nguyên tắc lễ lối, các kỹ năng của các bài văn, hát văn, hát chầu văn và những nghi lễ trình đồng mở phủ. Bà truyền dạy cho 121 học trò, quản lý 300 phật tử và 200 đệ tử khác.

Từ năm 2005 đến nay, Đồng thầy Nguyễn Thị Quí đã đào tạo được năm pháp sư thành thạo các khóa lễ: Phát Tấu, cung nghinh Phật thánh, lễ ngũ phương thông kết, phổ độ gia tiên, tôn nhanh bản mệnh, trình đồng mở phủ, giải oan cắt kết và huấn luyện hai đệ tử hát chầu văn thuần thục.

Từ năm 2011 đến nay, Đồng thầy Nguyễn Thị Quí liên tục nhận nhiều giải thưởng vinh danh, bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương… của các cơ quan, ban ngành trao tặng. Đặc biệt, ngày 28/8/2017, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên đã ký bằng vinh danh Nghệ nhân Nguyễn Thị Quí vì những đóng góp cho sự nghiệp bảo tồn văn hóa Việt Nam.

Tín ngưỡng thờ Mẫu đã trở thành di sản thứ 11 của Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Với những đóng góp cho việc gìn giữ và phát huy tín ngưỡng thờ Mẫu, Pháp sư Đồng thầy Nguyễn Thị Quí xứng đáng với danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” sẽ được vinh danh trong thời gian tới.

Công Thoàng

10:02:27 26-01-2021

VHDN: Đồng thầy Nguyễn Thị Quí – Linh Quang Điện (tổ 10, phường Phú Xá, thành phố Thái Nguyên) vừa hoàn tất hồ sơ xin xét tặng “Nghệ nhân Ưu tú tín ngưỡng thờ Mẫu”. Tín ngưỡng thờ Mẫu đã trở thành di sản thứ 11 của Việt Nam, được UNESCO vinh danh là Di […]

Đối tác của chúng tôi