Đại tá Hoàng Long Xuyên tên khai sinh là Hoàng Văn Tứ, sinh năm 1917 tại xã Nam Tuấn, H.Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Ông làm Trung đoàn trưởng, Bí thư Đảng ủy Trung đoàn 28 (Lạng Sơn) nên trong ký ức của nhiều cựu chiến binh vẫn gọi: Trung đoàn Long Xuyên.
Tuy không có tên trong danh sách 34 chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ngày thành lập (22/12/1944) do ở xa, đường đi lối lại điệp trùng trắc trở, về tới Cao Bằng thì lễ thành lập đã xong được vài ngày. Sau đó, Hoàng Long Xuyên được phân công làm Tiểu đội trưởng. Tuy nhiên, ngày nhập ngũ của ông trong hồ sơ cán bộ vẫn được công nhận là ngày 22/12/1944.
Đầu năm 1945, Tiểu đội trưởng Hoàng Long Xuyên nhận nhiệm vụ chỉ huy một cánh quân “Đông tiến” đánh thông đường từ Cao Bằng theo đường số 4 qua Tràng Định tiến đến các huyện thuộc tỉnh Lạng Sơn. Từ đây, đời binh nghiệp của ông gắn bó với Lạng Sơn. Là người xây dựng các đơn vị quân đội từ những ngày đầu nên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong kháng chiến chống Pháp lấy tên ông gọi thay cho phiên hiệu đơn vị là “bộ đội Long Xuyên”.
Từ đại đội giải phóng quân phát triển thành tiểu đoàn chủ lực rồi Trung đoàn Lạng Sơn phiên hiệu Trung đoàn 28. Khi Trung đoàn 28 (Lạng Sơn) hợp nhất cùng Trung đoàn 72 (Bắc Kạn) và Trung đoàn 74 (Cao Bằng) thành Trung đoàn 174, ông Long Xuyên ở lại Lạng Sơn giữ chức Tỉnh đội trưởng Lạng Sơn.
Đơn vị của ông đã nhanh chóng diệt đồn Pò Mã, diệt phỉ bảo vệ TT.Bình Gia, làm bàn đạp để tháng 8/1945, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân do hai ông Liên Đoàn và Long Xuyên chỉ huy tiến quân vào tỉnh lỵ Lạng Sơn thành lập chính quyền cách mạng trước khi quân đội Tưởng Giới Thạch kéo sang giải giáp phát xít Nhật.
Năm 1962, ông về công tác tại Bộ Tư lệnh Công an Vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng), sau đó làm Giám đốc Công an của toàn Liên khu Việt Bắc. Đại tá Hoàng Long Xuyên đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân huy chương cao quý, Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng.
Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tổ chức lại điều ông làm Trưởng phòng Điều tra hình sự – Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Tháng 5 năm 1984, đại tá Hoàng Long Xuyên nghỉ hưu sau 22 năm gắn bó với Bộ đội Biên phòng.
Ghi nhận những công lao và đóng góp của Đại tá Hoàng Long Xuyên, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng ông nhiều huân huy chương cao quý: Huân chương Độc lập Hạng Nhất; Huân chương Quân công Hạng Ba, Cán bộ lão thành cách mạng, Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng…
Lễ viếng Đại tá Hoàng Long Xuyên bắt đầu từ 19 giờ 30 phút ngày 27/8. Lễ truy điệu vào hồi 7 giờ ngày 29/8. An táng tại nghĩa trang tổ dân phố An Thái, TT.Hóa Thượng, H.Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.
Nguồn: Báo Công lý
Đại tá Hoàng Long Xuyên – nhân chứng cuối cùng của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân – đã từ trần vào ngày 27/8 tại nhà riêng ở phường Chùa Hang, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Ông hưởng thọ 107 tuổi. Đại tá Hoàng Long Xuyên tên khai sinh là Hoàng Văn […]