Sự kiện - chuyên đề:

Quy định hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu cho các doanh nghiệp

VHDN: HĐND tỉnh vừa ban hành Nghị quyết số 14/2023/NQ-HĐND về việc ban hành Quy định hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030.

Theo Nghị quyết, Sở Công Thương được giao trách nhiệm quản lý Chương trình hỗ trợ. Đơn vị thực hiện Chương trình là các tổ chức, đơn vị có chức năng hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện xúc tiến thương mại, xây dựng phát triển thương hiệu thuộc các sở, ngành, Liên minh HTX, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh. Đối tượng tham gia thực hiện là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX, Liên hiệp HTX thuộc mọi thành phần kinh tế được thành lập theo quy định của pháp luật có trụ sở chính đặt trên địa bàn tỉnh.

Về kinh phí thực hiện Chương trình, ngân sách tỉnh bố trí từ nguồn kinh phí chi thường xuyên hằng năm đối với các nội dung hỗ trợ: Tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về xây dựng và phát triển thương hiệu; giới thiệu, quảng bá thương hiệu trên các phương tiện truyền thông, báo điện tử, các website thương mại điện tử; các hoạt động, sự kiện tổ chức hằng năm hưởng ứng Ngày thương hiệu Việt Nam (20-4); biên tập, xuất bản các ấn phẩm, tài liệu về thương hiệu; khảo sát, điều tra, xây dựng dữ liệu về thương hiệu; tổ chức đánh giá, xếp hạng, tôn vinh thương hiệu; hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước, các tổ chức trung gian xây dựng và phát triển thương hiệu. Ngân sách tỉnh bố trí từ nguồn kinh phí chi sự nghiệp khoa học và công nghệ đối với nội dung hỗ trợ doanh nghiệp đăng kí bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và công nhận giống cây trồng mới.

Các ngành hàng, sản phẩm ưu tiên hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu gồm: Điện tử, cơ khí, công nghệ thông tin, phần mềm; dệt may, da giầy, giấy, nhựa, vật liệu xây dựng, thủ công mỹ nghệ; chế biến nông sản, thực phẩm, đồ uống; sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp nông thôn; sản phẩm nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm OCOP; sản phẩm tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo; sản phẩm tái chế, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường; sản phẩm bảo vệ và chăm sóc sức khỏe; sản phẩm xuất khẩu và các sản phẩm thân thiện với môi trường. Nguyên tắc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình thông qua đơn vị chủ trì, được bố trí vào nguồn kinh phí sự nghiệp của đơn vị theo quy định của Luật Ngân sách và các văn bản hướng dẫn hiện hành; không trùng lặp với chương trình, dự án, nhiệm vụ khác.

Ban Kinh tế – Ngân sách, HĐND tỉnh khảo sát tình hình hoạt động tại Công ty Điện tử tự động hóa Hữu Vụ, Cụm Công nghiệp và dịch vụ làng nghề Khúc Xuyên (thành phố Bắc Ninh).

Mỗi doanh nghiệp được chọn nhiều nội dung hỗ trợ đăng ký bảo hộ, nhưng chỉ được hỗ trợ một nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, công nhận giống cây trồng mới; trường hợp đã được hỗ trợ ở các chính sách khác có cùng nội dung thì không được hỗ trợ theo quy định này. Theo đó, hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện, mức tối đa 100 triệu đồng/năm đối với tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về xây dựng và phát triển thương hiệu; biên tập, xuất bản các ấn phẩm, tài liệu về thương hiệu; hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước, các tổ chức trung gian xây dựng và phát triển thương hiệu). Hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện, mức tối đa 600 triệu đồng/năm đối với giới thiệu, quảng bá thương hiệu trên các phương tiện truyền thông, báo điện tử, các website thương mại điện tử. Hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện, tối đa 500 triệu đồng/năm đối với tổ chức các hoạt động, sự kiện hưởng ứng Ngày thương hiệu Việt Nam (20-4) hằng năm. Hỗ trợ 2 lần/giai đoạn 2024-2030, mức hỗ trợ tối đa 100 triệu đồng/lần đối với khảo sát, điều tra, xây dựng dữ liệu về thương hiệu.

Hỗ trợ 2 lần/giai đoạn 2024-2030, mức hỗ trợ tối đa 300 triệu đồng/lần đối với tổ chức đánh giá, xếp hạng, tôn vinh thương hiệu. Đối với đăng ký bảo hộ trong nước, đăng ký bảo hộ sáng chế và đăng ký bảo hộ công nhận giống cây trồng mới 30 triệu đồng/văn bằng bảo hộ, đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu 15 triệu đồng/văn bằng bảo hộ. Đối với đăng ký bảo hộ ở nước ngoài, đăng ký bảo hộ sáng chế và đăng ký bảo hộ công nhận giống cây trồng mới, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu 60 triệu đồng/đơn (khi được chấp nhận hợp lệ về các văn bản tương ứng theo quy định của tổ chức quốc tế hoặc quốc gia nộp đơn). Nghị quyết còn quy định cụ thể về xây dựng, thẩm định và phê duyệt Chương trình hỗ trợ; điều kiện hỗ trợ, hướng dẫn hồ sơ; trình tự, nguyên tắc thực hiện hỗ trợ. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 15-10-2023 đến ngày 31-12-2030.

Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 11/2023

(Mai Hương)

11:04:02 02-11-2023

VHDN: HĐND tỉnh vừa ban hành Nghị quyết số 14/2023/NQ-HĐND về việc ban hành Quy định hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030. Theo Nghị quyết, Sở Công Thương được giao trách nhiệm quản lý Chương trình hỗ trợ. Đơn […]

Đối tác của chúng tôi