Cùng tham dự phiên họp, có các các vị: Bí thư Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Theo chương trình phiên họp, Chính phủ sẽ thảo luận, xem xét 8 nội dung, gồm:
(1) Đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống mua bán người; (2) Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); (3) Đề nghị xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); (4) Đề nghị xây dựng Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); (5) Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; (6) Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư các công trình giao thông đường bộ; (7) Báo cáo, đề xuất việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu; (8) Báo cáo, đề xuất về cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư ngoài thuế.
Đây là Phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật thứ 6/2023. Từ đầu năm tới nay, Chính phủ đã tổ chức 5 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, xem xét, cho ý kiến đối với 23 nội dung, trong đó có 8 đề nghị xây dựng luật, 9 dự án luật, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội và nội dung liên quan đến công tác thi đua, khen thưởng. Điều này, khẳng định quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả của Chính phủ trong triển khai đột phá chiến lược về thể chế.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế – một trong 3 đột phá chiến lược. Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế thuộc phạm vi quản lý, dành thời gian, công sức, bố trí nguồn lực, nhất là nhân lực, cơ sở vật chất, tài chính, chế độ, chính sách… cho công tác này, nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ theo quy định.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục quán triệt các chủ trương, đường lối trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các kết luận, chỉ đạo, nghị quyết của Trung ương để thể chế hóa, đồng thời thường xuyên rà soát các quy định của pháp luật để xác định rõ những nội dung còn phù hợp cần giữ lại, những nội dung cần lược bỏ, những nội dung cần bổ sung, sửa đổi trong quá trình báo cáo, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền. Hệ thống pháp luật của chúng ta ngày càng hoàn thiện nhưng vẫn có những vấn đề còn vướng mắc; có những vấn đề thực tiễn đặt ra chưa có quy định điều chỉnh; có những vấn đề có quy định nhưng bị thực tiễn vượt qua.
Thủ tướng nêu một số định hướng lớn trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, mà trước hết là tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới và tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực; tiếp tục đổi mới tư duy, cách thức thực hiện trong xây dựng và hoàn thiện thể chế; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan liên quan; chú ý việc tham vấn, lấy ý kiến đối tượng tác động, chuyên gia, nhà khoa học, người hoạt động thực tiễn; nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam.
Phiên họp có nhiều nội dung khó, phức tạp, có tác động đến nhiều đối tượng, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung trí tuệ, trình bày báo cáo, phát biểu ý kiến ngắn gọn, rõ ý, đi thẳng vào vấn đề; thảo luận về các vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau, bảo đảm tiến độ, chất lượng của phiên họp.
Nguồn: Tạp chí Thương hiệu & Công luận
Ngày 26/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7/2023, thảo luận nhiều nội dung quan trọng. Trong đó có báo cáo, đề xuất việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm […]