Sự kiện - chuyên đề:

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Giám đốc điều hành IMF và 3 tập đoàn của Indonesia

Tối ngày 4/9, tại Jakarta, Indonesia, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Giám đốc điều hành IMF và 3 tập đoàn lớn Ciputra, Traveloka, Modena của Indonesia.

Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp Indonesia

Tối ngày 4/9, nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 (ASEAN-43) và các hoạt động liên quan tại Jakarta, Indonesia, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo các tập đoàn lớn của Indonesia gồm Ciputra, Traveloka, Modena.

Lãnh đạo các doanh nghiệp cảm ơn Thủ tướng đã dành thời gian tiếp; bày tỏ tin tưởng quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Indonesia phát triển tốt đẹp sẽ là nền tảng vững chắc để doanh nghiệp hai nước mở rộng hợp tác đầu tư; đánh giá Việt Nam là thị trường rất tiềm năng, hấp dẫn cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh và tiêu thụ hàng hóa, các sản phẩm chất lượng.

Ciputra là một trong những tập đoàn đa ngành hàng đầu ở Indonesia với hơn 100 công ty thành viên trên toàn thế giới, hoạt động trong các lĩnh vực bất động sản, y tế, giáo dục, nghệ thuật… Tại Việt Nam, tập đoàn đã đầu tư gần 3 tỷ USD, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh và cung cấp dịch vụ bất động sản, trong đó có khu đô thị Nam Thăng Long (Hà Nội).

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo các tập đoàn lớn của Indonesia gồm: Ciputra, Traveloka và Modena
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo các tập đoàn lớn của Indonesia gồm: Ciputra, Traveloka và Modena nhân dịp dự ASEAN-43

Chủ tịch Ciputra, ông Budiarsa Sastrawinata, đồng thời là Chủ tịch Hội Hữu nghị Indonesia – Việt Nam (IVFA), cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã luôn hỗ trợ tập đoàn Ciputra với các dự án đang hoạt động tại Việt Nam; báo cáo về tình hình hoạt động của tập đoàn tại Việt Nam và nêu một số đề xuất hợp tác đầu tư mới…

Modena là thương hiệu thiết bị gia dụng và điện tử hàng đầu tại Indonesia, có sản phẩm phân phối tới 92 quốc gia trên thế giới. Phó Chủ tịch điều hành Modena, ông Michael Jizhar cho biết: Việt Nam là thị trường quan trọng và tập đoàn đã mở rộng hoạt động từ năm 2018. Tập đoàn đang nghiên cứu, mở rộng đầu tư sản xuất đồ điện, đồ gia dụng, xe điện và phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Traveloka là công ty sở hữu nền tảng ứng dụng cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến hiện diện tại 6 quốc gia Đông Nam Á với thị trường hoạt động chủ yếu tại Việt Nam, Thái Lan và Philippines. Đồng sáng lập Traveloka, ông Albert Zhang đánh giá Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn trong khu vực và châu lục; thông báo về các hoạt động hợp tác với phía Cục Du lịch và các địa phương Việt Nam nhằm quảng bá và thúc đẩy chuyển đổi số du lịch Việt Nam, thu hút khách du lịch quốc tế…

Tại cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng các hoạt động đầu tư thành công của các tập đoàn tại Việt Nam. Thủ tướng đề nghị, đối với việc gia hạn chứng nhận đầu tư, mở rộng đầu tư…, các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các cơ quan liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư để được hướng dẫn, hỗ trợ cụ thể và thực hiện các chính sách khuyến khích, ưu đãi theo quy định của pháp luật, trên tinh thần bình đẳng giữa các doanh nghiệp và đơn giản hóa thủ tục, tránh rườm rà cho nhà đầu tư.

Thủ tướng mong các tập đoàn phát huy hơn nữa trách nhiệm xã hội, nhất là trong bối cảnh khó khăn; góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động; tích cực góp ý xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật. Riêng trong lĩnh vực bất động sản, Thủ tướng cho biết Việt Nam đang khuyến khích phát triển phân khúc nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp.

Chính phủ Việt Nam luôn lắng nghe, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ, xử lý, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư hoạt động hiệu quả, bền vững, bảo toàn vốn và có lãi, trên cơ sở hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa các bên, thành công của nhà đầu tư là thành công của Việt Nam – Thủ tướng khẳng định.

Việt Nam sẵn sàng cùng IMF triển khai các biện pháp thúc đẩy phục hồi kinh tế

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva. Tại cuộc gặp, bà Kristanila Georgieva nhấn mạnh tăng trưởng tích cực của kinh tế của ASEAN nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng, đã đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy tăng trưởng bền vững của kinh tế thế giới thời gian qua.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Giám đốc điều hành IMF
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Giám đốc điều hành IMF

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cảm ơn IMF và cá nhân bà giám đốc điều hành, đã tích cực hỗ trợ Việt Nam về tư vấn, hoạch định chính sách, giúp ổn định kinh tế vĩ mô và tài chính – tiền tệ, phục hồi kinh tế; đánh giá cao vai trò của IMF trong thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch và đề ra những hướng lớn nhằm hóa giải các khó khăn, thách thức; khẳng định sẵn sàng cùng IMF triển khai Chương trình Nghị sự tập trung vào ba trụ cột: Ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ các nước dễ bị tổn thương và thúc đẩy tăng trưởng.

Về tình hình kinh tế thế giới thời gian tới, bà Georgieva đánh giá còn nhiều khó khăn, bất định, lạm phát cao, lãi suất tăng cao, tăng trưởng dự kiến tiếp tục suy giảm và bản thân Việt Nam cũng đang chịu tác động tiêu cực từ tình hình này.

Thủ tướng Chính phủ cho rằng, kinh tế thế giới đang chịu tác động mạnh mẽ, sâu rộng của nhiều nhân tố, trong đó có các tác động dài hạn của đại dịch Covid-19, cuộc xung đột tại Ukraine, chính sách thắt chặt tiền tệ của nhiều nền kinh tế thế giới, suy giảm của tổng cung – cầu, sản xuất kinh doanh bị đình trệ, tác động đến đời sống của mọi tầng lớp nhân dân.

Để vượt qua những khó khăn, thách thức hiện nay, Thủ tướng Chính phủ và giám đốc điều hành nhất trí cần có những giải pháp toàn diện cả về chính trị, kinh tế, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương vàtiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Chia sẻ quan điểm các nước cần chung tay tìm kiếm những động lực mới cho tăng trưởng, trong đó có tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam sẵn sàng cùng IMF triển khai chương trình nghị sự của thể chế tài chính này, trong đó tập trung vào ba trụ cột: Ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ các nước dễ bị tổn thương và thúc đẩy tăng trưởng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam sẵn sàng cùng IMF triển khai chương trình nghị sự của thể chế tài chính này, trong đó tập trung vào ba trụ cột: Ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ các nước dễ bị tổn thương và thúc đẩy tăng trưởng.

Huy động các nguồn lực để mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm cho người dân, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, không chính trị hóa các vấn đề kinh tế và khoa học công nghệ; tăng cường ký kết, đàm phán các hiệp định thương mại tự do, gỡ bỏ các rào cản thương mại nhằm tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa toàn cầu; xử lý các vấn đề khác biệt một cách hòa bình, hợp tác; đẩy mạnh huy động các nguồn lực cho phát triển thông qua hợp tác công – tư.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, Việt Nam đang và sẽ tiếp tục triển khai các nhóm giải pháp nêu trên nhằm đạt các mục tiêu duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giữ đà tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát nợ công. Thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả; chính sách tài khóa có trọng tâm trọng điểm; thúc đẩy đầu tư cả trong nước và ngoài nước, nhất là đầu tư của khu vực nhà nước. Việt Nam cũng sẽ phối hợp, kêu gọi các trung tâm kinh tế lớn, trong đó có ASEAN, chung tay thực hiện các giải pháp nêu trên.

Giám đốc điều hành IMF chia sẻ, thời gian tới IMF sẽ tiếp tục có những giải pháp nhằm giúp các nền kinh tế thành viên tăng cường khả năng chống chịu trước các cú sốc trong tương lai. Trước xu thế phân mảnh của kinh tế thế giới hiện nay, mong ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, trên cơ sở những thành tựu tăng trưởng kinh tế đạt được dựa trên chính sách mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, sẽ phát huy vai trò kết nối các nền kinh tế và có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong việc thúc đẩy hợp tác toàn cầu.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam sẵn sàng chung tay cùng IMF triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế; đồng thời, mong IMF tiếp tục giúp đỡ Việt Nam về tư vấn, hoạch định chính sách và hỗ trợ kỹ thuật để Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển đã đề ra trong thời gian tới.

Từ ngày 4-7/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị cấp cao liên quan tại Jakarta – Indonesia. Trong chuyến công tác lần này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã tham gia đoàn công tác tháp tùng Thủ tướng Chính phủ và có nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng.

Nguồn: Báo Công thương

09:19:57 05-09-2023

Tối ngày 4/9, tại Jakarta, Indonesia, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Giám đốc điều hành IMF và 3 tập đoàn lớn Ciputra, Traveloka, Modena của Indonesia. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp Indonesia Tối ngày 4/9, nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 (ASEAN-43) và các hoạt […]

Đối tác của chúng tôi