Trình bày tờ trình, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, Chính phủ đề nghị điều chỉnh 4 nội dung, bao gồm: Điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư dự án từ 22.938 tỷ đồng xuống 19.207,504 tỷ đồng; điều chỉnh diện tích đất thu hồi là 5.317,35 ha (giảm 82 ha); điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2024; bổ sung nội dung bố trí tái định cư các hộ dân thuộc 2 tuyến giao thông kết nối T1, T2 vào Khu dân cư, tái định cư Lộc An – Bình Sơn.
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết, trong quá trình triển khai, một số nội dung của Dự án có thay đổi so với chỉ tiêu chủ yếu đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 53. Theo Nghị quyết số 94/2015/QH13 và Nghị quyết số 38/2017/QH14 của Quốc hội, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua một số nội dung thay đổi trước khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định của Luật Đầu tư công.
Những nội dung điều chỉnh nêu trên Chính phủ cần báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua trước khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Dự án theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 94/2015/QH13, Điều 2 Nghị quyết số 38/2017/QH14.
Thường trực Ủy ban Kinh tế đánh giá cao sự chủ động của UBND tỉnh Đồng Nai trong việc tạm ứng ngân sách địa phương để tiếp tục chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho Dự án nhằm hoàn thành công tác thu hồi đất cho Dự án và bàn giao toàn bộ mặt bằng giai đoạn 1. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cần đánh giá việc tạm ứng ngân sách địa phương chi trả cho các kinh phí liên quan của Dự án từ năm 2021 – 2023 trong bối cảnh niên độ Dự án đã kết thúc, không được Kho bạc Nhà nước giải ngân sẽ có tác động, ảnh hưởng như thế nào đối với việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương theo các nghị quyết của địa phương.
Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục rà soát, đánh giá rõ việc đầu tư cơ sở hạ tầng xã hội và đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại Khu dân cư, tái định cư Lộc An – Bình Sơn có đáp ứng đồng bộ với việc bổ sung tăng quy mô số lô tái định cư nhằm đáp ứng nhu cầu và ổn định cuộc sống của người dân theo yêu cầu tại khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết số 94/2015/QH13 và khoản 2 Điều 1 của Nghị quyết số 38/2017/QH14.
Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá tác động, làm rõ cơ sở pháp lý đối với việc sử dụng ngân sách địa phương để hoàn trả ngân sách Trung ương phần chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng Phân khu III – Khu dân cư, tái định cư Bình Sơn và giao cho địa phương quản lý, sử dụng diện tích đất đã thu hồi theo đúng mục đích thu hồi của Dự án theo quy định tại khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết số 94/2015/QH13 hoặc bố trí sử dụng vào mục đích khác của Dự án trong dài hạn nhằm phục vụ phát triển sản xuất, bảo đảm ổn định đời sống của người dân tái định cư và nguồn kinh phí vẫn lấy từ nguồn ngân sách Trung ương đã bố trí. Trường hợp thực sự không sử dụng đến mới xem xét giao lại cho địa phương quản lý, sử dụng. Việc quản lý, sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan, tránh hiện tượng tái lấn chiếm và lãng phí nguồn tài nguyên đất.
Cho ý kiến về việc điều chỉnh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị làm rõ các nội dung thuộc diện phải điều chỉnh theo nghị quyết của Quốc hội, nội dung phải tổ chức thực hiện theo thẩm quyền của Chính phủ. Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, “về kéo dài thời gian thực hiện dự án có thể phải điều chỉnh theo nghị quyết của Quốc hội”.
Kết luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến thảo luận, hoàn thiện hồ sơ gửi lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo Quốc hội, lưu ý làm rõ vấn đề nào phải xin ý kiến Quốc hội và vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng thì không cần trình.
Nguồn: Báo Tài nguyên & Môi trường
Tiếp tục Phiên họp thứ 26, chiều 28/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng Hàng […]